Chúng ta

Gia công hay sáng chế

Thứ sáu, 16/10/2015 | 17:01 GMT+7

Mỗi lần nhắc đến FPT Software, mọi người vẫn nhắc nhiều hơn đến hai từ “gia công” và mong mỏi có một sản phẩm phần mềm trên thế giới "made by Vietnam" như Nguyễn Hà Đông từng làm với Flappy Bird.

Hiện ngành Software trên thế giới chia làm 2 hướng, gồm Software Product (sản phẩm phần mềm) và Software Service (dịch vụ phần mềm). Rất nhiều công ty sản xuất và bán phần mềm như Microsoft, nhưng trên thực tế, những công ty lớn nhất trên thế giới về phần mềm lại là những công ty về Software Service.

Ví dụ với IBM, doanh thu chính và nguồn nhân lực chủ yếu trong số gần 450.000 người của họ lại làm Software Service. Hay như “ngũ đại gia” ở Ấn Độ gồm: TCS (Tata Consultancy Services), Infosys, Wipro, Cognizant và HCL, có tổng cộng khoảng 1 triệu người. 5 công ty này cũng có sản phẩm phần mềm riêng của họ, nhưng nổi tiếng hơn là làm về Software Service.

FPT Software cũng vậy. Chúng tôi cũng tranh cãi nhau mãi là làm về Sản phẩm nhiều hơn hay Service nhiều hơn. Và chúng tôi định hướng làm Service nhiều hơn. Công bằng mà nói, số công ty sản xuất phần mềm trên thế giới rất ít.

Trong Software Service, từ mà mọi người hay nhắc đến là Outsourcing và được dịch ra tiếng Việt là “gia công”. Cá nhân tôi không thích dùng từ này. Thường trong ngành phần mềm, người ta gọi là Outsourcing, tức các công ty sẽ thuê bên ngoài hay nói cách khác là ủy thác một số công ty chuyên nghiệp làm một số dịch vụ của họ.

Outsourcing là xu thế trên cả thế giới. Ai cũng biết Nike không hề có công nhân may nào. Họ thiết kế và thuê công ty khác gia công, sản xuất. Trong ngành phần mềm cũng vậy, nhiều khách hàng sau khi nghĩ ra ứng dụng, thiết kế, họ sẽ thuê người khác lập trình, testing và triển khai. Cũng có khách hàng chỉ nói yêu cầu và mình phải tự nghiên cứu, thiết kế, sau đó triển khai đến thành phẩm cuối cùng.

Mọi người hay tranh cãi tại sao chúng ta không làm sản phẩm? Làm sản phẩm tốt thì tuyệt vời, nhưng để làm được sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thế giới là cả con đường dài.

Tôi vẫn nghĩ đến một ngày đẹp trời chúng ta sẽ làm được. Cách đây 3 năm, khi tôi nói như vậy, rất mừng sau đó đã có Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird, một ứng dụng có tới hàng chục triệu người trên thế giới tải về. Tuy nhiên, để nói đến chuyện làm ra những ứng dụng cho ngành công nghiệp ô tô, ngành hàng không, tài chính ngân hàng... là thực sự khó.

Hiện FPT Software có những sản phẩm phần mềm được sử dụng trên toàn cầu. Có những sản phẩm mà ý tưởng và thiết kế là của các hãng, nhưng cũng có rất nhiều sản phẩm mà chúng ta thực hiện ngay từ công đoạn đưa ra ý tưởng đến nghiên cứu, thiết kế và triển khai. Tuy nhiên, mình chưa ở vị thế để có thể chủ động bán ra được nhiều hơn. Nhưng tôi tin rằng trong thời gian ngắn tới sẽ có những sản phẩm như vậy.

Chúng ta nên tránh ảo tưởng và cần nhìn nhận một điều là ngoài những sản phẩm lớn từ Mỹ, Israel, và một vài nước, phần lớn những nước lớn nhất trên thế giới không có các sản phẩm phần mềm toàn cầu.

Cũng giống như Nguyễn Hà Đông có Flappy Bird, tôi tin rằng trong những năm tới chúng ta sẽ có nhiều hơn sản phẩm bán trên thị trường toàn cầu.

Chúng ta đang đặt mục tiêu cố gắng thực hiện khoảng 80% ở thị trường outsourcing và 20% là những sản phẩm liên quan đến R&D (nghiên cứu và phát triển) và domain.

Trước đây, FPT Software chỉ làm outsourcing thuần túy. Từ 2012, chúng ta quyết định đầu tư vào R&D. Cũng từ năm này, chúng ta quyết định đầu tư vào việc đào tạo tiếng Nhật cho các kỹ sư tin học Việt Nam, đồng thời đầu tư vào lĩnh vực domain expertise (năng lực chuyên ngành). Việc đầu tư này tất sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Còn câu chuyện giá rẻ, cần lưu ý rằng các khách hàng hiện nay của FPT Software là những công ty giàu nhất thế giới. Đừng nói chuyện cứ giá rẻ là được. Đây là cuộc cạnh tranh sòng phẳng.

Tại sao công ty sản xuất máy bay lớn nhất thế giới chọn chúng ta? Tại sao một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới chọn chúng ta? Tại sao một trong những hãng viễn thông lớn nhất thế giới chọn chúng ta?

Tất nhiên giá rẻ là một lợi thế. Nhưng lý do quan trọng hơn là bởi chúng ta đã quyết định chọn đi vào xu hướng công nghệ mới nhất trên thế giới - SMAC - là từ viết tắt của Social (Xã hội), Mobile (Di động), Analytics (Phân tích, dựa trên Dữ liệu lớn) và Cloud (Đám mây). Khi chọn xu hướng đó, khoảng cách giữa chúng ta với các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới không lớn.

Trong khi ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều lĩnh vực đi sau các nước khác khoảng 10-20 năm về trình độ, thì nói về Big Data (Dữ liệu lớn), khoảng cách chỉ 1-2 năm.

Tất nhiên, đi vào xu hướng công nghệ rất mạo hiểm. Nếu xu hướng đã rõ ràng thì cả làng công nghệ đã nhảy vào. Khi lựa chọn theo xu hướng nào là đã mạo hiểm, chúng ta nên nhận là do may mắn đã chọn đúng.

Đừng nghĩ cứ rẻ hơn là được. Rẻ hơn là một lợi thế, nhưng nếu chỉ rẻ hơn chắc chắn sẽ không ra được thị trường toàn cầu. Bởi chúng ta đang làm ở những nước tiên tiến nhất thế giới, với khách hàng là những công ty lớn nhất thế giới.

>> Dịch vụ đám mây của FPT Software phục vụ 60 triệu người Mỹ

Hoàng Nam Tiến

Ý kiến

()