Chúng ta

Dưa từ thiện

Thứ ba, 14/4/2015 | 08:37 GMT+7

Thị trường sẽ luôn tự nó điều tiết mọi thứ về cân bằng, nếu trồng dưa lỗ thì sang năm nông dân sẽ không trồng nữa. Cố gắng cứu vớt một nông sản không sinh lời, thậm chí thua lỗ chỉ vì một vài bức ảnh bác nông dân lau nước mắt bên ruộng dưa có thực sự là giải pháp tốt cho cả bác nông dân và nền kinh tế?

Hàng chục tấn dưa ùn ùn lăn trên khắp nẻo đường đất nước, dưa từ thiện được hưởng ứng nhiệt liệt, chả mấy khi người dân có dịp làm việc tốt. Hình như có cả phong trào một ngày uống nước dưa hấu ủng hộ đồng bào. Tôi có bà bác họ, làm nghề kinh doanh hoa quả, mấy hôm nay cả nhà cũng uống nước dưa hấu thay cơm. Dưa bác tôi nhập cả tuần không ai mua, vì mọi người bận mua dưa từ thiện. Cả nhà bác tôi uống nước dưa thay cơm, cốc chén cái nào cái đó đều đỏ quạch như máu. Bác tôi mong cơn từ thiện này qua đi, để bác còn có đồng ra đồng vào nuôi hai em tôi ăn học.

Mấy năm trước, Trung Quốc nhập dưa nên trồng dưa được mùa, chẳng ai bảo ai, bà con tự động trồng dưa, thật năng suất và kinh tế. Dạo gần đây không hiểu sao Trung Quốc lại dừng, xe dưa chở lên biên giới đa phần bị ách lại. Tôi căm bọn thương lái Trung Quốc lừa đảo, thương bà con vì thiếu hiểu biết bị chúng xui trồng nhiều, đến mức bị ép giá thảm hại, còn bị trả về thối ủng đầy đường.

Sau bác tôi bảo chả phải, trước khi thu hoạch bà con tháo nước vào ruộng cho dưa nặng hơn, nhưng ruột cũng õng hơn và nhanh hỏng. Sau một năm đầu, thương lái Trung Quốc cẩn thận, kiểm tra kỹ càng trước khi cho dưa qua biên giới. Dưa õng nước chờ vài ngày đã thối hỏng, dân vứt đầy đường tạo nên quang cảnh tang thương, hình ảnh người dân mếu máo bên đám dưa hấu dập nát xuất hiện trên báo. Trước đây nhiều loại hàng hóa của ta cũng bị Trung Quốc từ chối nhập sau một vài năm bán chạy, ví dụ như tôm bơm thạch rau câu.

Hiện nay, một cân dưa hấu được thương lái ép giá mua tại gốc 300 đồng/kg. Tổ chức đứng ra làm từ thiện mua lại của bà con cao gấp đôi, 600 đồng/kg, chi phí vận chuyển ra Hà Nội khoảng 1.700 đồng/kg và người dân mua ủng hộ với giá gần 6.000 đồng/kg. Trước tình trạng này bác tôi lo, sang năm bà con lại tiếp tục trồng dưa ồ ạt và chả việc gì phải vất vả xuất qua biên giới nữa, có người về mua từ thiện với giá gấp đôi, quá tốt rồi. Người đứng ra thu mua cũng thích, chi phí cho 1kg - 2.500 đồng/kg cả vận chuyển, bán cũng lãi gấp đôi. Chỉ bác tôi là khổ, cả nhà lại ngồi uống nước dưa, thứ dưa õng nước để tăng trọng lượng, răng lưỡi cả nhà ai ai cũng đều đỏ như máu.

Năm 2003, tôi đọc báo thấy có tin này “Sáng 27/11, cả hệ thống chính trị của UBND xã Tùng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) gồm cả Đảng ủy, chính quyền, công an, dân quân do ông Đặng Thọ Liễu, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã dẫn đầu hùng hậu xuống cánh đồng xóm Bắc Tân Dân… phá ruộng mạ của người dân. Trước sự việc này, hàng chục người dân đã bao quanh phản đối, hai bên xảy ra xô xát và tấn công nhau bằng bùn ruộng”. Đây là giống lúa cho sản lượng cao, nhưng chất lượng rất kém và xã đã cấm trồng, tuy nhiên, người dân đã bất chấp tất cả, thậm chí xô xát với chính quyền để gieo mạ.

Tôi nghĩ, khi trồng dưa, chắc người dân cũng phớt lờ mọi khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, trồng và bất chấp hậu quả. Thật may mắn, họ còn có các nhà hảo tâm, sẵn sàng giúp họ tiêu thụ các sản phẩm trốn thuế kém chất lượng - tôi đoán vậy. Một quả dưa bán từ thiện thì ai dám thu thuế hay kiểm định chất lượng của nó cơ chứ. Chỉ bác tôi, người dậy sớm ra chợ đầu mối, lựa chọn cẩn thận từng quả dưa một mang về sạp, đóng thuế và hàng chục loại phí khác nhau, là chả có ai thương.

Nhiều nhà máy chế biến hoa quả ở Việt Nam từng tức tưởi phá sản vì người dân phá cam kết. Nhà máy cung cấp giống và các loại phân bón, thuốc men và quy trình trồng, thu hoạch. Người dân được mùa nhưng do thương lái mua giá cao hơn để xuất qua biên giới, họ sẵn sàng lật kèo đưa nhà máy vào thế bị kiện vì không hoàn thành các đơn hàng. Khi đó tôi cũng chưa thấy ai thương xót hay từ thiện cho cả nghìn công nhân bỗng chốc bị đẩy ra đường, các ông chủ bỗng chốc tiêu tan cơ nghiệp. Nông dân luôn đáng thương và không có lỗi, còn các ông chủ luôn là kẻ bị trừng phạt vì tội giàu. Dân ta xưa nay mặc định là thế.

Vào thời kỳ đại suy thoái, các nhà tư bản đốt bỏ hàng hoá công nghiệp, phá huỷ các cơ sở sản xuất và liệng nông sản xuống biển để giữ giá. Đợt Tết Nguyên đán mới đây thôi, các chủ hàng hoa Tết cũng rủ nhau đập hết các chậu hoa ế chứ không bán rẻ để tránh ảnh hưởng tới việc kinh doanh trong những năm sau, gây nên một làn sóng bất bình trong dư luận. Thị trường sẽ luôn tự nó điều tiết mọi thứ về cân bằng, nếu trồng dưa lỗ thì sang năm nông dân sẽ không trồng nữa. Cố gắng cứu vớt một nông sản không sinh lời, thậm chí thua lỗ chỉ vì một vài bức ảnh bác nông dân lau nước mắt bên ruộng dưa có thực sự là giải pháp tốt cho cả bác nông dân và nền kinh tế? Rồi những bí ngô, những cam, những táo… có thể bị ngâm tẩm hay lý do nào đó mà Trung Quốc từ chối nhập. Những người làm ăn như bác tôi sẽ chết ngắc vì không thể cạnh tranh được với hàng từ thiện.

Trương Anh Tú

(Bài viết có sử dụng tư liệu và thông tin của các bạn bè tôi trên Facebook)

Ý kiến

()