Nhẩm tính giờ máy bay hạ cánh nơi đất Pháp, sáng hôm sau, vừa đến công ty, tôi vội nhắn tin hỏi han chồng.
- Anh đáp chưa?
- Anh vừa về khách sạn.
- Bên Pháp thế nào?
- Vẫn bình thường vợ ạ. Người Pháp vẫn vô tư không đeo khẩu trang, trẻ con vẫn chạy nhảy đi siêu thị với bố mẹ.
- Thế anh cẩn thận nhé, đi ngay siêu thị gần khách sạn, đừng đi tàu điện ngầm. Nhớ đeo khẩu trang, đừng có tháo ra. Chai gel rửa tay khô em nhét cặp bay, anh nhớ mang theo nhé.
- Gớm, còn phải dạy
- À, dặn không thừa. Lỡ thấy mấy cô Tây xinh xinh hỏi, anh lại tháo khẩu trang nói chuyện thì chết dở.
Những dòng tin nhắn qua nhắn lại giữa 2 vùng đất cách nhau 9.000km phần nào giúp tôi an lòng. Chồng tôi là cơ trưởng của một hãng hàng không, thường thực hiện các chuyến bay sang châu Âu. Anh đã gắn bó với nghề bay 30 năm nay.
Dịch Covid-19 hoành hành khiến hành khách lo lắng huỷ vé, hoãn chuyến. Sân bay vắng chẳng còn mấy khách, hãng phải giảm dần tần suất những chuyến bay trong và ngoài nước. Tần suất bay lưu trú của anh vì thế cũng giảm dần. Dẫu vậy, vẫn còn 1 chuyến đi Pháp cần anh thực hiện.
Đêm trước hôm bay, chồng mở sẵn valy, chuẩn bị cho chuyến đi kéo dài khoảng 1 tuần. Khác với mọi khi, anh mang nhiều quần áo hơn bình thường. Ngay cả tư trang vật dụng cá nhân cũng đếm không thiếu thứ gì. “Phòng khi lỡ giống chuyến bay từ Anh có người sốt hay người từ vùng dịch về, nghi ngờ bị nhiễm. Cả tổ bay phải đi cách ly luôn thì có cái mà dùng”, anh bảo.
Sợ tôi ở nhà thêm cồn ruột, anh hài hước kéo tay vợ, cười nói: “Này, làm gì thì làm đi, nếu bị cách ly là phải xa nhau 14 ngày đấy”.
Vì đặc thù nghề nghiệp, anh luôn luôn phải đi làm khi mọi người say giấc, lúc thành phố đã tắt đèn. Bay xuyên đêm nhưng anh vẫn tỉnh như sáo, ra khỏi nhà lúc nào cũng đồng phục chỉnh tề, đầu tóc bóng lộn, nước hoa thơm phức. Vài tiếng trước giờ bay, tôi vẫn cố gói ghém sẵn mấy cốc mỳ tôm với ít đồ khô, nhét thêm chai gel rửa tay vào cặp anh. Tiễn anh ra cửa, dặn dò đủ thứ, nhưng lúc trở vào giường, tôi vẫn không thể chợp mắt. Lấy chồng nhiều năm, có với nhau 3 mặt con, nhưng tôi vẫn chưa thể quen với guồng quay công việc của anh.
Mỗi chuyến bay lưu trú đồng nghĩa anh phải xa vợ, xa 3 đứa con cả tuần. Mùa dịch, dù ở khách sạn nhưng ông xã cũng chỉ ăn mỳ gói, đồ khô mang từ Việt Nam, tránh ăn uống, hạn chế tiếp xúc nơi đông người.
Dẫu vậy, tôi vẫn khó lòng yên tâm, nhất là gần đây dịch bệnh đang lan rộng ra các nước châu Âu, số người nhiễm tăng lên hàng ngày, hàng giờ. Mới đây, một chuyến bay từ Anh về Việt Nam lập tức phải cách ly toàn bộ hành khách và phi hành đoàn. Cơ quan chức năng tiến hành phun khử trùng toàn bộ máy bay. Trong số hành khách có một người từng ở Italia, nơi Covid-19 đang bùng phát. Hôm biết tin ấy, tôi chỉ kịp vơ lấy điện thoại, hỏi chồng tình hình sức khoẻ của anh nơi đất Pháp.
Anh bảo mọi quy định an toàn mùa dịch trên máy bay đều được tuân thủ chặt chẽ. Phi hành đoàn ai cũng đeo khẩu trang, tiếp viên luôn đeo găng tay phục vụ khách. Hành khách lên máy bay đều được kiểm tra thân nhiệt.
“Nhưng, có thể chuyến này về, bọn anh sẽ phải đi cách ly nếu trên máy bay có người nghi nhiễm”, anh ngập ngừng rồi liên tục trấn an vợ. “Em và con cứ yên tâm, không sao đâu. Em biết mà, anh khoẻ như vâm. Nếu phải cách ly, tất cả mọi người đều vui vẻ. Không sao đâu!”.
Cách ly là điều anh và cả phi hành đoàn phải luôn sẵn sàng. Trong tình cảnh virus lây lan nhanh như hiện nay, cách ly sớm là biện pháp duy nhất bảo vệ chồng, bản thân tôi, 3 đứa nhỏ trong nhà và bố mẹ già yếu. Rộng hơn, là bảo vệ cả xã hội.
Với tư cách là cơ trưởng, trách nhiệm của anh là phải đảm bảo an toàn cho mọi người trên chuyến bay. Sau chuyến bay, cả nhà cũng chưa được đoàn tụ ngap lập tức. Anh phải tự cách ly khoảng 5 ngày. Cả gia đình không ai được đến gần. Cũng may, đến nay sức khoẻ của anh vẫn ổn định.
Công việc của chồng, nhìn thoáng qua thì tưởng hào nhoáng, nhưng thực chất cũng vất vả, nguy hiểm chẳng kém ai. Dẫu vậy, tôi chưa từng nghe anh than thở một lần trong bao nhiêu năm gắn bó với nghề. Mùa dịch, biết vợ con lo lắng khi anh phải đi bay, bản thân anh cũng có chút e ngại. Nhưng dịch thì dịch, có việc vẫn phải làm.
Căn bệnh xuất phát từ Trung Quốc khiến tôi, chồng và rất nhiều người khác nữa e dè, cẩn thận hơn trong công việc cũng như cuộc sống. Nhưng không vì thế mà trốn tránh, thu mình trong góc, bỏ bê công việc.
Đào Thị Phượng
Ý kiến
()