Chúng ta

Đắt có xắt ra miếng

Thứ sáu, 15/4/2016 | 15:35 GMT+7

Tôi có một anh bạn, gửi con đi học ngành Kinh tế ở Anh quốc về, học tốt, tiếng Anh hay. Anh dặn dò, sắp xếp cháu làm việc gì cũng được, lương bổng không quan trọng. Lạ thật, đầu tư hàng tỷ cho con, bây giờ chấp nhận làm việc gì cũng được. Thế thì học cái gì chẳng được, ở đâu chẳng được, phải sang tận Anh quốc. Chẳng lẽ thừa tiền? 

Tôi không phải là kẻ cực đoan, suốt ngày ra rả kêu "chảy máu ngoại tệ". Ai chẳng muốn con cái mình được hưởng nền giáo dục tốt nhất. Hai con tôi, một đứa học Australia, một đứa học ở Mỹ. Ơn trời, nhà có điều kiện, nên các cháu được quyền tự lựa chọn nghề, trường và đất nước mà mình muốn đến.

Năm 1979, tôi được nhà nước cử đi học ở Liên Xô cũ, trường tốt nhất lúc đó. Nhà nước bao cấp hoàn toàn, nên thực sự tôi không quan tâm lắm đến thế nào là đắt hay rẻ. Năm 2007, các con đi học, học phí cao vòi vọi (khoảng 16.000 USD mỗi kỳ, chưa kể ăn ở). Nhưng cũng như bao nhiêu bậc bố mẹ khác, hy sinh đời bố, củng cố đời con, miễn là nhà chấp nhận được. Hy vọng là "đắt xắt ra miếng"!

Nhưng vấn đề là cái đắt ấy thực sự xắt được ra bao nhiêu miếng. Khi đến thăm trường sở, nói chuyện với các con, thì thấy vai trò của trường không như mình tưởng. Giáo sư xịn thì cũng có, nhưng đếm tên được vài vị. Hỏi con có được gặp bao giờ không. Lắc đầu, năm thì mười họa mới được nghe một lần trong một cái giảng đường to tướng. Cố vấn học tập thì có vẻ chăm chăm lo làm sao các con học dài hơi để còn thu học phí, hơn là hướng dẫn để các con học được những điều thiết thực nhất. Tóm lại là các con vẫn phải tự thân vận động là chính.

Có lần tôi đi thăm một trường tư thục xịn của Mỹ. Cậu phụ trách tuyển sinh nghĩ là khách sộp, dẫn đi giới thiệu. Đây là tòa nhà cổ kính, thư viện từ thời Victoria. Đây là công viên, hồ nước, bãi cỏ và rặng cây sồi tuyệt đẹp. Chỗ này mà học thì "vào thôi rồi". Tôi bảo: "Nhận xét ngu một chút. Tao chẳng thấy đứa nào đang ngồi học trên bãi cỏ cả". Bụng nghĩ thầm, thời này chắc công viên chỉ để tán tỉnh nhau thôi. Thư viện cũng vậy, bây giờ lên mạng, trả ít tiền, muốn sách cỡ nào chẳng có. Tiền duy tu mấy cái công trình này rồi cũng bổ vào học phí cả thôi.

Lại có lần khác, ăn tối với mấy ông bạn Mỹ, giáo sư một số trường cũng có tên tuổi, tôi phàn nàn, chúng mày kinh tế thị trường mà sao học phí lại tăng. Chỉ có thể là độc quyền. Các trường quen tiêu pha thoải mái, giờ bị cắt kinh phí thì lại tăng học phí của sinh viên nước ngoài, chẳng phải là lấy của thằng nghèo nuôi thằng giàu sao. Ông giáo sư cười. Cũng có người bảo, các con được sống trong môi trường lý tưởng, cũng đáng đồng tiền bát gạo. Đúng thế, nhưng đó là nếu trong trường hợp các con sẽ ở lại đó tìm việc làm. Còn nếu các con định quay về Việt Nam làm việc, thì có khi đó là một điều lợi bất cập hại.

Tóm lại cái giá thực sự của một nền giáo dục đại học tử tế là bao nhiêu? Tôi cũng không biết, cho đến khi đọc bài báo của giáo sư Richard Muller của Đại học Berkeley Mỹ. Giáo sư cho rằng, với sự phát triển của Internet và MOOC (khoá học trực tuyến dành cho đại chúng) đã đến lúc có thể biến ước mơ một nền giáo dục đại học đẳng cấp Mỹ với giá của các nước thứ ba, trở thành hiện thực. Giáo sư còn đề ra những nguyên tắc hoạt động căn bản của ngôi trường đó. Mặc dù chưa thuyết phục được Ban giám hiệu của Berkeley ủng hộ mình, giáo sư vẫn tin là sẽ có ai đó trên thế giới bắt tay vào việc này.

Cũng là tình cờ, 10 ngày sau khi đọc được bài viết của giáo sư Richard Muller, cũng là lúc tôi khai giảng khóa đầu tiên của Đại học FUNiX.  

Tôi tin con đường mình đã chọn.

>> Cựu CEO FPT Software: 'Đam mê cũng nên tính toán'

Nguyễn Thành Nam

Ý kiến

()