Có mấy khởi nghiệp gia xin tư vấn kinh nghiệm làm ăn với Ấn Độ. Phải nói là các bạn Ấn rất giỏi kinh doanh. Đàm phán nhiều khi biết rõ mười mươi rồi, vậy mà lúc ký kết xong, thực hiện hợp đồng mới thấy bị hớ, mà chẳng thể cãi vào đâu được. Bản thân tôi cũng có kinh nghiệm đau đớn hồi định mở thị trường tuyển sinh sang Ấn.
Nhưng đời bao giờ cũng hai mặt. Điểm mạnh cũng có thể là điểm yếu. Trong khi các bạn Ấn rất thành công ở thị trường duy lý như Âu-Mỹ, thì việc quá khôn ngoan trong đàm phán dẫn đến việc các bạn mất điểm ở Nhật, nơi các đại gia muốn làm đại ca cho mấy thằng em châu Á. Và đấy là kẽ hở mà FPT Software đã khai thác được trong thời gian đầu, khi tiềm lực còn rất yếu.
Cũng lâu lâu rồi, quãng 2006, có đại gia F ở Nhật (để phân biệt với F-Việt), cần tìm đối tác phát triển hệ thống nhúng cho sản phẩm điện tử của họ. Trung Quốc bị loại vì dễ bị ăn cắp bản quyền. Còn lại ưu tiên đương nhiên Ấn, nhưng họ cho thêm Việt Nam vào để cân bằng. Vào chung kết có F-Việt và W-Ấn. Cuối cùng F-Việt thắng. Anh em cũng bất ngờ vì về năng lực kỹ thuật và quy trình thì ta còn thua Ấn rất xa. Mãi cho đến khi "tình báo" chuyển cho bản báo cáo nội bộ của đoàn đi đánh giá so sánh giữa F và W mới vỡ lẽ.
Xin trích để anh em gần xa tham khảo:
- Về mặt kỹ thuật: W rất mạnh, tuy nhiên F cũng biết.
- Về mặt quy trình: W vượt trội, tuy nhiên F lại có sự đào tạo độc đáo, bằng chứng: trong WC cũng có dán tài liệu về quy trình, báo nội bộ cũng có mục quy trình.
- Về mặt tiếng Anh: W rất giỏi, nhưng nói chúng tôi không hiểu gì. F khi làm việc có Comtor phiên dịch rất dễ hiểu, còn khi đi nhậu lại nói được tiếng Nhật.
- Tóm lại là một chín, một mười, nhưng chúng tôi chọn F bởi vì taxi ở Việt Nam rất sạch sẽ, còn taxi ở Ấn Độ bẩn và nhiều muỗi, rất ảnh hưởng sức khỏe chuyên gia.
Đúng là “yêu nhau thì củ ấu cũng tròn” còn “không ưa thì dưa nào cũng có giòi”...!
Nguyễn Thành Nam
Ý kiến
()