Steve Siebold, tác giả của cuốn sách "Người giàu nghĩ thế nào" cho rằng, số đông người nghèo thường chờ đến ngày trúng số và cầu mong thịnh vượng, thì những cá nhân xuất sắc tìm cách giải quyết vấn đề của mình. Nhưng trong khi họ tiếp tục có những suy nghĩ đó thì đồng hồ vẫn đang tiếp tục chạy, thời giờ ngày một trôi qua.
Khái niệm giàu và nghèo rất khó, thậm chí không thể nhận dạng được đâu là kẻ nghèo, đâu là kẻ giàu trong xã hội. Tuy nhiên, có một thực tế là người nghèo không có gì sai. Họ vẫn có quyền tự hào vì sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn.
Cách đây khoảng một năm, tôi có đi một số nơi ở vùng núi, nơi đa số đồng dân tộc thiểu số sinh sống. Khi tôi đến làng đồng bào Cơ Tu, bà con rất vui, đón tiếp nhiệt tình như người trong gia đình. Lúc tôi đi đò qua sông, người dân cũng tận tình đưa đón mà không một tiếng phàn nàn, thậm chí trả tiền không lấy. Theo lời một già làng, mọi người trong làng thường xuyên giúp đỡ nhau nên xem khách cũng giống nhau cả, bởi dân lấy tiền đâu ra mà trả. Trên thực tế trường hợp của tôi không phải ngoại lệ.
Dân ta là vậy, nghèo nhưng sống tình nghĩa. Thế nên khi anh bạn tôi đi cùng mới bảo: "Sống ở vùng núi có khi yên bình, con người trở nên đạo đức hơn cũng nên". Tôi không dám đánh giá câu nói này nhưng có thể thấy rằng, nghèo nó cũng có cái hay. Ngày nay những người nghèo thường biết phấn đấu và đi lên bằng chính năng lực chứ không phải kiểu "chạy cửa sau", "bỏ nhỏ".
Quay lại câu nói của Steve Siebold, số đông người nghèo thường chờ đến ngày trúng số và cầu mong thịnh vượng. Tôi nghĩ đó cũng là một cách với mong muốn thoát khỏi cảnh nghèo. Đơn giản, mỗi con người đều có những lựa chọn, quyết định riêng, có thể đi làm thuê kiếm tiền, hoặc mong muốn điều gì đó… Sinh ra con người đều có sự lựa chọn khác nhau, ngay cả số ít đi theo con đường phạm tội.
Ngày nay những người giàu ăn sáng hết cả chục triệu, mua xe hàng chục tỷ, chơi cây cảnh hàng tỷ, uống những chai rượu hàng trăm triệu là chuyện bình thường. Trong khi người nghèo lại ăn sáng nhẹ nhàng bên gia đình, chơi những cây cảnh do chính mình kiếm được, và thậm chí uống rượu tự nấu từ gạo. Thế nên người nghèo thường nghĩ tiền là nguồn gốc của mọi tội lỗi còn kẻ giàu cho rằng đói nghèo là xuất phát của mọi tội lỗi.
Trên thực tế xã hội còn tồn tại những con người ỷ lại, không có ý chí cầu tiến, vươn lên để thoát khỏi cảnh nghèo khó. Nhưng cái hay của người nghèo nằm ở cách suy nghĩ, không đặt nặng việc đua đòi. Họ không cần biết người giàu làm gì, nhưng họ rất ghét thói xa hoa lãng phí, vì đó không phải là đạo đức hay văn minh gì cả.
Nguyễn Tấn Việt
Ý kiến
()