FPT biết đến Internet chậm hơn Viện Tin, VNPT, thậm chí chậm hơn Chính phủ
Năm 1995, nghe “trẻ con” đồn mãi, tôi rủ Đình Anh sang Malaysia để thăm Jaring, mạng đầu tiên kết nối Internet của họ. Được anh bạn dẫn đi xem hệ thống máy chủ, browser, email, chat. Nhớ được 2 kỷ niệm, một là anh bạn dặn: Tinh thần của Internet là tự do. Hai là Đình Anh không chịu ở chỗ tôi book, mà sang hẳn khách sạn 5 sao đối diện. Rõ là ra dáng đại gia từ thuở hàn vi.
Về nhà, hai anh em lôi chương trình FPT-Mail ra sửa. Chương trình này được Đình Anh viết trên nền Netware, trước là để phục vụ module “supervisor approval” trong chương trình ngân hàng SIBA, sau được viết thành hệ thống mail để kết nối giữa 2 đơn vị của nhóm Software, một ở Yết Kiêu, 2 ở Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thêm chức năng chat, rồi public post, rồi tạo folders…
Năm 1996, cả công ty chuyển về cùng ở nhà mới tại 89 Láng Hạ. Chúng tôi quyết định đề xuất sử dụng email là phương tiện liên lạc chính cho toàn bộ giữa nhân viên với nhau và với khách hàng. Và đổi tên thành mạng Trí tuệ Việt Nam (tên này do Nguyễn Quang Anh, khi đó đang làm sinh viên thực tập nghĩ ra). Anh Bình ra quyết định bắt buộc sử dụng. Thật lạ là ngoài mấy anh em phần mềm, chẳng có mấy ai dùng. Bị nhắc thì chống chế là máy tính hỏng, hoặc em phải ra ngoài đường tiếp khách.
Có 2 sự kiện đã đảo ngược tình thế
1. Cô giáo T. Lúc đó tôi có đọc cuốn “The Road Ahead” của Bill Gates. Trong đó có đoạn nói về nội dung mạng. Ông cho rằng để mạng có thể tự phát triển được, cần phải có nội dung mồi, và trong các nội dung mồi, không có gì tốt hơn sex, là cái “già thích, trẻ thích, nam thích, nữ thích, da trắng thích, da đen da vàng càng thích”. Tôi chia sẻ với anh em, thì được Dũng "Nha” khoe luôn: Em có cuốn cô giáo T. bản mềm. Thế là mỗi ngày tôi share lên mạng 1 trang. Một tuần sau có hiệu ứng tức thì. (Chuyện này anh Bảo có kể lại trong status của mình)
2. Euro 96. TTVN tổ chức dự đoán kết quả bóng đá. Báo Lao Động giật tít trên trang nhất: “Hơn 200 nhân viên công ty FPT cắm cúi cá độ bóng đá trên máy tính”. Ngay đêm hôm đó, tôi bị Bí thư chi bộ FPT là chú Vinh triệu sang nhà họp và nhận bản án kỷ luật cảnh cáo. Có lẽ là bản kỷ luật về nội dung mạng đầu tiên ở Việt Nam (sau này còn nhiều vụ ly kỳ hơn).
Có đà, mạng càng ngày càng đông đúc. Lúc đó chưa có phép tắc luật lệ gì về mạng xã hội cả, nên tất cả thành viên TTVN đều được coi là khách hàng của FPT. Thực tế là đa số họ đều mua modem do nhóm Chu Thanh Hà bán và cài đặt.
Rất nhiều các loại hội nhóm, CLB ra đời. Nổi bật nhất có thể kể đến Thơ-Ca của Khúc Trung Kiên, Rao-Vặt của Thái Thanh Sơn, Thư-giãn của Lê Quang Tiến. Box nhật-ký-của-tôi có thể coi tiền thân của blog sau này. Box đọc-báo.
Các buổi offline ồn ào tại quán Net café đầu tiên Emotion bên bờ hồ Hale của Minh Cao Quý. Các loại nick để chat đua nhau nảy nở. Nổi tiếng nhất là Trà My của anh Đỗ Cao Bảo, suýt cưa đổ mấy anh. Ít nhất 3 lãnh đạo cao cấp của tập đoàn lấy được vợ nhờ chatting trên TTVN.
Dàn máy chủ và modem để ngoài nóng quá, hay chết. Đình Anh đã phải đi mua mấy chục cái quạt Trung Quốc chĩa vào để làm mát.
Ảnh 1: Logo của mạng TTVN trong tuyển tập thơ cùng tênẢnh 2: Hóa đơn mua cổ phần của quán Net Cafe Emotion của anh Nguyễn Cảnh Bình. |
Cuối năm 1996, tình hình chín muồi. Anh Bình gọi tôi, Đình Anh và Khúc Trung Kiên vào thảo luận. Chúng tôi quyết định tách TTVN ra khỏi bộ phận phần mềm FSS (FPT Solution Services), Đình Anh sẽ phụ trách. Đầu năm 1997, FOX (FPT Online Exchange) ra đời, ngụ ý là sẽ nhanh và khôn như cáo. Có 4 nhân viên, trong đó 3 từ nhóm phần mềm là Trương Đình Anh (PM), Chu Thanh Hà (phụ trách marketing) và Lã Hồng Nguyên (dev), thêm em Nguyễn Thu Huệ lúc đó đang là thư ký của anh Bình ham vui.
Làm ăn nhớn, Đình Anh quyết tâm chuyển lên phố. FOX đàng hoàng có trụ sở tại 75 Trần Hưng Đạo. Một trang sử mới của FPT đồng hành với Internet Việt Nam bắt đầu.
Kỹ thuật siêu, làm việc như điên, nhạy bén kinh doanh và đặc biệt là đầu óc tổ chức cực tốt, Đình Anh đã nhanh chóng đưa FOX vượt qua khó khăn ban đầu để lớn mạnh thành FPT Telecom hôm nay.
Với tôi, nếu được đề cử người FPT có ảnh hưởng nhất đến Internet Việt Nam, không ai có thể thay thế được Trương Đình Anh.
Nguyễn Thành Nam
Ý kiến
()