Chúng ta

Bão ở miền Trung

Thứ năm, 26/11/2020 | 11:27 GMT+7

Cả một hàng cây cổ thụ đổ rạp, ngổn ngang là mái tôn, dây cáp diện,… cơn bão chỉ cho chúng tôi khoảng 1 ngày để dọn dẹp. Ngay hôm sau sẽ là những ngày mưa lớn triền miên, kéo theo đó là ngập lụt, mất diện và dịch bệnh hoành hành - đó là bão ở miền Trung.

Một ngày trước khi bão đổ bộ, trời Đà Nẵng nắng đẹp, xanh và trong vắt.  Nhìn về phía cửa biển sông Hàn, nắng chiều ngả dần màu ráng mỡ. Theo kinh nghiệm của những ngư dân làng biển, cái nắng màu ráng mỡ này là một điềm báo chẳng lành. Trời càng nắng bao nhiêu, cơn bão sẽ càng mạnh bấy nhiêu.

Một chú lớn tuổi bán cà phê cạnh nhà tặc lưỡi, “thôi kiểu này dọn sớm còn về chống bão mẹ nó ơi!”,  ông vừa rửa đống ly vừa nói với vợ. Bàn bên cạnh, mọi người cũng đang bàn tán về cơn bão. Ai cũng nhìn trời rồi ngao ngán. Bão Xangsane năm 2006 cũng y như này, thậm chí còn nắng hơn nhiều, một chú lớn tuổi bình luận. Mọi người bắt đầu nói về năm 2006, Xangsane được coi là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam trong khoảng 20 năm qua. Bão làm 68 người chết và mất tích, gần 270.000 ngôi nhà bị hỏng nặng, 1.287 hec-ta đất nông nghiệp hư hại, 65.000 gia cầm bị chết và hơn 700 thuyền đánh cá bị chìm.

Xangsane như một kí ức kinh hoàng của người dân Đà Nẵng. Người ta không sợ bão. Ở cái đất miền Trung này, bão thì năm nào chẳng có. Nhưng năm nay thì khác, bão mạnh, dồn dập, triền miên và hướng di chuyển không lường trước được.

Người ta còn nói nhiều về bãi cỏ lau ở chân bán đảo Sơn Trà. Người làng biển Thọ Quang, Mân Thái hay Thanh Khê đều mừng rơn mỗi khi cỏ lau nở. Với họ, cỏ lau là dấu hiệu của mùa bão đã kết thúc. Bắt đầu cho những chuyến giong buồn ra khơi, đánh bắt hải sản xa bờ chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Nhưng năm nay, hoa lau đã nở từ độ gần tháng trước… nhưng bão thì vẫn còn và sẽ còn nhiều nữa.

Nắng màu ráng mỡ cũng làm cuộc cà phê vỉa hè kết thúc sớm hơn mọi khi. Ai nấy đều về nhà với một câu chào “về mà chống bão”. Một phóng viên thường trú tại miền Trung như tôi đã quá quen với việc này. Chống bão sẽ bao gồm chằn chống lại cửa ra vào, cửa sổ, cửa kính. Đem bao cát gia cố lại mái nhà. Những chỗ lợp nào bị hở đều cần được trám kỹ. Chỉ cần một khe hở, gió lùa vào là có thể giật bay cả mái nhà trong phút chốc.

Việc sau đó sẽ là lương thực, cả khu chợ An Hải Tây nơi tôi sống chật kín người, chen chúc, huyên náo. Những người phụ nữ ở đây nhanh chân hơn tôi nhiều. Khi nghe tin dự báo bão, họ đã trữ lương thực từ sáng. Chợ chiều chỉ còn thịt, ít củ quả. Và mặt hàng rau xanh thì đắt gấp 4 lần ngày thường. Đắt vậy nhưng cũng không có mà mua. Tôi gom nhanh một vài thực phẩm thiết yếu rồi về. Tôi khác họ, tôi là phóng viên. Mà phóng viên thì chẳng ở nhà sau bão bao giờ, có mua nhiều thì cũng không ăn hết.

Theo kinh nghiệm tác nghiệp mùa lũ, pin điện thoại, máy ảnh, laptop phải luôn được sạc đầy. Có đầy rồi cũng phải cắm sạc liên tục. Vì bão sẽ gây mất điện và những phương tiện này là “cần câu” cho tôi tác nghiệp, gửi tin bài về toà soạn. Sạc dự phòng, đèn pin cũng được cắm đầy. Cái ba lô bình thường để đầy sổ sách, tài liệu,… sẽ được dọn chỗ cho 2 bộ quần áo, mì tôm, lương khô, áo mưa, túi bọc máy ảnh, một cây dù và một chai nước lọc. Cẩn thận hơn, tôi còn mang theo thuốc hạ sốt, bông băng, thuốc sát khuẩn,… dưới tiết trời nắng mưa thay đổi, cảm sốt là điều bất chợt sẽ ập đến.

Trong phòng làm việc của khối Kỹ thuật - Hạ tầng FPT Telecom Đà Nẵng, không khí căng như dây đàn. Điện thoại, tin nhắn zalo báo về liên tục, anh Nguyễn Văn Mến, cán bộ Quản lí Hạ tầng chi nhánh, vừa ăn mì gói vừa dán mắt vào màn hình. Trước bão, hạ tầng, đài/trạm và máy phát điện luôn được rà soát cẩn thận. Tôi dạo môt vòng ghi nhận tình hình tại F-Complex, Đại học FPT,... không khí cũng hối hả không kém. Có điều, nhiệm vụ ai chống bão cứ chống, ai làm việc cứ làm. Bão không làm người F miền Trung hoảng hốt. Chúng tôi dự đoán cơn bão này sẽ mạnh nhưng tỉnh táo và bình tĩnh sẽ làm con người mạnh hơn cả cơn bão.

Nhìn ra cửa sổ, một số quầy hàng đã đóng cửa, dán băng keo chằng chịt. Người dân ra đường vội hơn mọi khi. Họ cố làm nhanh tất cả những gì cần giải quyết. Vì bão thì sẽ ngồi ở nhà. Xe của Đài truyền thanh phường An Hải Tây rang rảng công điện của Chủ tịch UBND TP, yêu cầu người dân không được ra đường từ 12h trưa mai. Ở Đà Nẵng này, chính quyền làm việc rất quyết liệt. Trước cảnh bảo của một cơn bão mạnh, chính quyền lập tức phát đi thông báo, hướng dẫn người dân phòng chống bão và tiến hành di dân ở những khu vực trọng yếu. Người dân Đà Nẵng cũng thế, họ tuyệt đối tuân thủ. Chính tinh thần này đã đưa Đà Nẵng lên một tầm cao mới, thu hút bạn bè trong và ngoài nước tấm tắc khen. Có lẽ, không cần nghe bản tin dự báo bão, nhìn xe cộ trên đường, tôi cũng cảm nhận được cơn bão cận kề. Ở đây, nhịp sống ít khi hối hả như thế - trừ khi bão đổ bộ.

Tối hôm đó, trời yên ắng đến lạ. Bật hình ảnh vệ tinh, cơn bão đã áp sát đất liền nhưng gió thì… không hề có. Thi thoảng, sẽ rít một hơi kéo dài rồi im bặt. Mọi thứ cứ im lặng cho đến gần sáng. Lúc này, gió mới bắt đầu thổi mạnh. Cái nắng oi bức, khó chịu và ngột ngạt kia không còn, thay vào đó là một màu xám xịt. Xe cộ thưa dần, chỉ còn ô tô, xe máy lúc này chẳng dám ra đường.

Cửa sổ nhà bật chợt rung lên, một cơn gió như muốn giật bung tấm cửa mà mang đi. Cái cây ở sân đã đổ, nó đã đổ từ cơn bão trước. Vừa mới được trồng lại, rễ còn chưa kịp bén, cơn gió đã giật ngã cái cây, đổ rạp. Một đợt gió nữa, y như đợt trước nhưng mạnh hơn. Thế là bão thật rồi!

Nguyễn Huy

Ý kiến

()