Thành Cát Tư Hãn khuyến khích những nhà khởi nghiệp (Entrepreuner) ở ngoài hoặc trong tập đoàn cùng FPT triển khai một sản phẩm hay dịch vụ mới, và chia sẻ quả ngọt khi thành công. Rút kinh nghiệm trong quá khứ, FPT muốn tìm những nhà khởi nghiệp thực thụ với ý tưởng của mình, thay vì tìm một nhà quản lý giỏi và giao ý tưởng sẵn có. Yếu tố quyết định là con người, thậm chí không phải vài người, mà là một nhà khởi nghiệp duy nhất.
Có lý thuyết phổ biến về đào tạo và phát triển đội ngũ lãnh đạo bằng cách xác định ra một hệ thống gồm các năng lực (gọi là Khung năng lực - competency model) được nhóm làm vài nhóm, mỗi năng lực lại chia thành dăm cấp độ, sau đó quy định mỗi lãnh đạo phải thỏa mãn các năng lực đó ở cấp độ nhất định. Công ty sẽ đánh giá định kỳ, ai thiếu năng lực nào sẽ phải học cho đủ. Tuy nhiên, càng ngày người ta càng thấy lý thuyết đó không thực tế. Các năng lực đã hình thành rất khó để thay đổi, và các lãnh đạo rất khác nhau, có người rất giỏi ở năng lực này nhưng trung bình hay thậm chí kém ở năng lực khác, và ngược lại. Điểm chung ở họ là đều có năng lực gì đó nổi trội, tuy khác nhau. Có thể kiểm chứng ở các lãnh đạo FPT từ xưa đến nay.
Công ty Infosys chia lãnh đạo làm 9 loại, gồm: Strategic, talent, content, operational, entrepreneurial… Như vậy, “khởi nghiệp” là một trong số 9 loại lãnh đạo. Những người thuộc loại này có năng lực ươm các ý tưởng, xây dựng mô hình kinh doanh mới trong các mảng thị trường, dịch vụ để đẩy mạnh tăng trưởng. Nói cách khác là đổi mới (innovate) để tiếp tục tăng trưởng. Họ được gọi là intrapreuner (nhà khởi nghiệp nội bộ), bởi thay vì đi tạo lập sự nghiệp cho riêng mình thì khởi nghiệp ngay trong công ty, bằng cách tạo dựng mảng kinh doanh, sản phẩm hay dịch vụ mới. Nếu tạo được môi trường dung dưỡng những người này thì công ty có nhiều khả năng tăng trưởng.
Nghiên cứu về nhóm đối tượng này, tác giả của từ intrapreneur - Gifford Pinchot - đã đưa ra 10 “điều răn” cho các nhà khởi nghiệp nội bộ:
1. Hãy lập nhóm, vì khởi nghiệp nội bộ không phải là đơn tấu. Khởi nghiệp ở bên ngoài có thể làm một mình, nhưng bên trong một công ty phải có nhóm vì chắc chắn bạn phải tương tác với nhiều bên.
2. Chia sẻ công trạng rộng rãi. Nhà khởi nghiệp chưa có gì ngoài những công trạng trong quá trình, do đó cần chia sẻ với nhóm để tạo động lực.
3. Xin lời khuyên trước khi xin tài nguyên. Việc xin tài nguyên (tiền, người) cho một ý tưởng rất khó, do đó nên xin lời khuyên để khéo léo đưa người khác (thường là sếp) vào trong cuộc.
4. Lẳng lặng mà làm, không nên kinh động cơ chế miễn dịch của công ty. Công ty lớn thì thiên về tối ưu chi phí và nặng tính tuân thủ, cho nên “cơ chế miễn dịch” sẽ đi tìm những kẻ “làm loạn” để trị.
5. Làm bất cứ việc gì bạn cần, kể cả mô tả công việc của bạn.
6. Nhớ là xin lỗi thì dễ hơn xin phép. Có câu “nếu bạn không muốn làm thì hãy xin phép”. Đó là lý do những người này hay phá rào và tất nhiên phải chịu rủi ro (xem điều 8). Nhưng đó là bản chất của họ.
7. Hãy luôn hướng đến giá trị tốt nhất cho khách hàng và công ty, nhất là khi bạn định lách luật hay phá hệ thống quan liêu. Bạn phải tin việc mình làm sẽ đem lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng, công ty và sẵn sàng chứng minh điều đó.
8. Đi làm mỗi ngày sẵn sàng bị cho thôi việc.
9. Theo đuổi mục tiêu nhưng phải thực tế trong hành động. Nhà khởi nghiệp không chỉ mơ mộng mà còn phải biến giấc mơ thành hiện thực.
10. Vinh danh và “giáo dục” nhà tài trợ. Nhà tài trợ thường là ai đó trong lãnh đạo. Hãy chủ động chia sẻ với họ về việc bạn làm để họ hiểu, và kể về họ cho nhóm của mình.
May mắn là chương trình Thành Cát Tư Hãn đã hóa giải phần lớn trong số khó khăn trên, vì một khi dự án được phê duyệt thì nhóm bạn đã được bảo vệ khỏi hệ thống miễn dịch chung. Tuy nhiên, ngay cả khi việc không nằm trong Thành Cát Tư Hãn - nhất là những việc ở khu vực back office - thì bạn vẫn có thể khởi nghiệp thành công bằng cách tuân thủ 10 điều trên.
Trong mọi trường hợp, chúc bạn may mắn. Tập đoàn có tăng trưởng trở lại được hay không là phụ thuộc vào bạn.
Phan Phương Đạt
Hiệu phó ĐH FPT
Ý kiến
()