Chúng ta

Nữ quản lý Opennet: ‘Mỗi lần con gọi nhớ mẹ, tôi thấy nhói’

Thứ bảy, 21/7/2018 | 10:48 GMT+7

Cặp vợ chồng CBNV FPT Telecom Campuchia (Opennet) làm tại hai chi nhánh khác nhau, còn con được ông bà chăm sóc ở Việt Nam. Gia đình mỗi người mỗi nơi, chị Trần Thị Thủy Tiên, Quản lý phòng nghiệp vụ, Chăm sóc khách hàng, nước mắt ngắn dài khi nhắc đến hai cô con gái nhỏ. 

Tháng 9/2014, anh Nguyễn Tống Quốc chồng chị Trần Thị Thủy Tiên qua FPT Telecom Campuchia để làm việc. Sau đó 4 tháng, chị Tiên cũng quyết định kết thúc công việc ở FPT Telecom Kiên Giang, theo chồng sang nơi đất khách quê người.

Trước lúc đưa ra quyết định, chị trăn trở bởi trăm mối tơ vò trong lòng. Con lúc ấy còn quá nhỏ chỉ mới gần 3 tuổi. Con nheo nhóc, nếu chị đi thì bé phải sống thiếu bàn tay chăm sóc của bố mẹ. Một phần lo lắng cho chồng, một phần được sự động viên và hỗ trợ rất lớn từ ông bà ngoại các cháu. Ba mẹ chị bảo con gái: “Nếu con đã quyết định như thế, ba mẹ ủng hộ. Con cứ yên tâm công tác, cháu cứ để ba mẹ chăm”. Đắn đo, cuối cùng chị cũng chọn ngả rẽ sang đất nước Chùa Tháp. Hơn nữa, chị suy nghĩ cái gì cũng phải có đánh đổi, sự đấu tranh trong cảm xúc khiến chị trăn trở, nhưng những trải nghiệm và cơ hội là động lực để chị bước đi.

Chị Trần Thị Thủy Tiên nhớ lại quãng thời gian đầu mới qua Campuchia vô cùng khó khăn. Công việc cũng tương tự như đang làm, nhưng văn hóa, ngôn ngữ là rào cản lớn nhất. Cảm giác mở mắt ra nghe những âm thanh lạ lẫm, nhìn khung cảnh nơi xứ người, hàng cây, con phố chẳng mấy thân quen, nhớ nhà, chị bao đêm chạnh lòng. Phải mất một thời gian khá dài, chị Tiên mới hòa nhập được. 

Tran-Thi-Thuy-Tien_1532097630.jpg

Gia đình anh Nguyễn Tống Quốc và chị Trần Thị Thủy Tiên. Ảnh: NVCC. 

Để làm việc, giao tiếp tiếng Campuchia cơ bản là yêu cầu tối thiểu. “Lúc đầu, tôi sợ nói không hiểu, mọi người có cười mình không, nhưng dần dần, mình có sao cứ thể hiện như vậy, cứ sống thật là mình”, chị kể về cảm giác khó khăn ban đầu trong việc học ngôn ngữ. Thế rồi, sự thật thà, “không sợ bị cười” của nữ nhân viên Opennet càng khiến các đồng nghiệp Campuchia yêu mến và chỉ dạy thêm nhiều. Cần dịch, các đồng nghiệp sẵn sàng giúp chị. Sau những nỗ lực, cuối cùng chị đã có thể giao tiếp được bằng tiếng Campuchia đủ để trao đổi công việc. Ngoài ra, chị có một cuốn sổ để lưu các “bí kíp”, các thao tác làm việc, dần dần chị thành thạo công việc. 

Khó khăn kể bao nhiêu cho đủ, nhưng có lẽ thách thức lớn nhất đối với người mẹ trẻ là nỗi nhớ con đến quặn lòng. Sang làm việc ở Campuchia, anh chị có thêm em bé thứ hai. Người phụ nữ chờ 9 tháng 10 ngày để gặp con, nhưng khi con tròn 4 tháng, hết kỳ thai sản, chị lại phải khăn gói lên đường “đi xứ”. Nhớ con đến nỗi 1 tháng đầu, chị nói chuyện qua video-call nhưng không dám nhìn mặt con vì cứ thấy ánh mắt, nụ cười, và chiếc miệng bé xinh đang đòi sữa của bé là nước mắt chị lại tuôn ra, nghẹn ứ không thốt nổi một lời. 

Hình như con biết hoàn cảnh xa mẹ nên hơn 3 tháng đã bỏ sữa chuyển sang bú bình. Càng nghĩ về con nhỏ dại chị càng thấy phải phấn đấu thật nhiều để sau này cho con có một tương lai tốt đẹp. Một phần thương con, một phần chị thương bố mẹ vì sự hy sinh của ông bà dành cho gia đình chị. Ông bà không chỉ ủng hộ quyết định của chị, mà còn là hậu phương vững chắc cho con gái, chăm bẵm các cháu từ thuở lọt lòng. Những lúc trái gió trở trời, bé bị bệnh nhẹ, ông bà đều tự tay chăm sóc, không báo tin cho mẹ Tiên vì sợ chị lo lắng, mất tập trung công việc. Còn khi bé bị bệnh nặng, chị Tiên phải xin phép công ty, lặn lội về nhà để tự tay chăm con. 

Thời gian đầu chông chênh và nỗi buồn cứ len lỏi trong từng hơi thở, nhưng tất cả rồi cũng qua. Cảm giác trống vắng đã vơi đi rất nhiều so với thuở ban đầu, nhưng nhắc đến con chị lại mếu máo, nước mắt rơm rớm chực bờ mi rồi tuôn ra từng giọt. Chị sụt sùi: “Bình thường thì không sao nhưng con gọi “nhớ mẹ” thì cảm thấy nhói”. 

Như một vòng tuần hoàn, đến hẹn lại lên, mỗi tháng anh Quốc và chị Tiên có 4 ngày nghỉ về thăm gia đình, 4 ngày qua nhanh có lẽ không thỏa được sự thèm khát cảm giác được ôm con vào lòng, chơi đùa cùng con. Anh chị tận dụng từng phút, từng giây để bên con, dắt con đi chơi, nhà sách. Thậm chí những kỳ nghỉ Tết, về được vài ngày, khi mùi bánh chưng bánh tét chưa vơi, đôi vợ chồng lại phải nói lời tạm biệt gia đình. 

Mỗi lần như thế, chị Tiên lại không cầm được nước mắt. May mắn, các con khá ngoan ngoãn và vâng lời ông bà. Ông bà chăm sóc chu đáo, nên các bé quen dần và thích ở với ngoại. “Nó bảo: mẹ về mua bánh cho con, mẹ về nhà con chơi, nhà mẹ ở Campuchia”, chị cười. 

MG-7765-1754-1532107954.jpg

Góc làm việc của chị Trần Thị Thủy Tiên tại văn phòng Toulkok - Phnompenh. 

Thời gian trôi qua đến nay đã gần 4 năm, bé đầu đã 6 tuổi, bé út gần 2 tuổi. Tháng 6 vừa rồi, anh Nguyễn Tống Quốc được điều động làm giám đốc chi nhánh Kampong Cham, chị Tiên một mình ở lại Phnompenh. Thế là, gia đình chồng - vợ - con mỗi người mỗi phương trời. 

Lúc chồng “lĩnh ấn đi tỉnh”, chị Tiên lại lâm vào tình trạng tự kỷ vì về nhà lại cứ lủi thủi một mình, không biết tâm sự, trò chuyện cùng ai. Rảnh rỗi, nữ nhân viên nhà F xứ Chùa Tháp lại rủ bạn bè đi uống cà phê, mua sắm, nghe nhạc nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Không thể cứ mãi vậy được, chị vượt qua bằng suy nghĩ: “Mình buồn có ai giúp được mình đâu. Chỉ có bản thân mới giúp được mình thôi”. Chị tập trung vào công việc ở công ty để quên đi mọi suy nghĩ và cảm giác trống trải. Về đến nhà, chị lại lấy việc nhà, làm nhiều thứ để khuây khỏa nỗi buồn. Anh em cùng công ty cũng hỗ trợ nhau, mọi người quan tâm nhau giúp chị đỡ cảm giác cô đơn. Vả lại, bên trong con người chị là cả một nhiệt huyết, không quá bi quan nên chị tự lấy lại cân bằng. 

Chị Trần Thị Thủy Tiên đã vượt qua được những giằng xé trong cảm xúc, sự đánh đổi giữa được và mất, nhưng chị vẫn cảm thấy mình vẫn nhỏ bé so với các anh chị đồng nghiệp người Việt đã và đang làm ở FPT Telecom Campuchia. Chị cảm kích những đồng nghiệp đã động viên, chia sẻ, hướng dẫn mình trong suốt thời gian công tác. 

Cuộc sống là những sự lựa chọn, đứng trước những quyết định giúp chị Tiên cứng cỏi hơn rất nhiều. “Việc gì cũng phải đánh đổi, làm việc xa nhà cho tôi những trải nghiệm, vốn sống, và những cơ hội mà nếu không bước đi tôi không bao giờ cảm nhận được”. Chị nói tiếp: “Ai cũng vậy thôi, qua đây làm ai cũng phải xa gia đình, xa vợ xa con. Vì tương lai của con, bây giờ mình còn sức, còn trẻ sẽ tiếp tục phấn đấu”. 

Trò chuyện xong, chị lấy điện thoại ra nhìn hình 2 con gái, rồi lau dòng nước mắt, chị cười, đôi mắt sáng rực lên khi nhắc đến “tụi nhỏ”: “Hai bé lí lắc lắm, ngày nào chị cũng phải gọi video để nhìn”. Vậy đó, sau tất cả, hai đứa con sống xa ba mẹ chính là động lực lớn nhất để vợ chồng anh chị bám trụ nơi đất khách quê người trong ngần ấy thời gian. 

>> Nữ quản lý bản địa trải bao thăng trầm cùng FPT Telecom Campuchia

Xuân Phương

Ý kiến

()