Chúng ta

FPT Software giành 2 HC Chiến công hạng Nhất qua thương vụ M&A

Thứ hai, 16/7/2018 | 16:00 GMT+7

Phần mềm FPT và cá nhân Giám đốc M&A Bùi Hoàng Tùng cùng được tặng HC Chiến công FPT hạng Nhất - danh hiệu cao quý của nhà F.

Sáng nay (ngày 16/7), Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã trao tặng HC Chiến công FPT hạng Nhất cùng số tiền thưởng 20 triệu đồng cho tập thể nhà Phần mềm và anh Bùi Hoàng Tùng ghi nhận thành tích hoàn thành xuất sắc thương vụ mua 90% cổ phần của Intellinet Consulting, một công ty tư vấn công nghệ tại Atlanta, Mỹ.

HC-7351-1531729310.jpg

Giám đốc sản xuất Đào Duy Cường (phải) và Giám đốc Tài chính Nguyễn Khải Hoàn cùng nhận danh hiệu từ Chủ tịch FPT Trương Gia Bình. Giám đốc M&A Bùi Hoàng Tùng đang bận công tác tại Mỹ nên lãnh đạo nhà Phần mềm nhận thay. Ảnh: Ngọc Thắng.

Trước đó, ngày 12/7, FPT công bố hoàn tất thương vụ M&A lịch sử. “Giá trị thương vụ tương đối linh hoạt và không cố định. Ngoài khoản "cứng" 30 triệu USD đã thanh toán, phần còn lại sẽ dựa trên kết quả kinh doanh của Intellinet trong vòng 3 năm tới. Do đó, tổng giá trị thương vụ có thể khoảng 45-50 triệu USD”, anh Bình chia sẻ về thương vụ trong sự kiện tổ chức trực tuyến từ FPT Cầu Giấy (Hà Nội) với Intellinet tại Mỹ.

Tiết lộ lý do chỉ mua 90% mà không phải là toàn bộ, PTGĐ FPT Nguyễn Thế Phương cho rằng, Intellinet muốn tham gia cùng FPT để cùng nhau hướng tới một chiến lược cung cấp giá trị cao hơn trong làn sóng về chuyển đổi số đang tăng cao. “Họ cũng muốn hưởng thành quả cùng nhau để đi chung. Intellinet nhìn thấy giá trị họ thu được trong tương lai”, anh Phương cho hay.

Thương vụ mới sẽ giúp FPT nâng tầm vị thế công nghệ, trở thành đối tác cung cấp các dịch vụ công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn cho khách hàng, từ khâu tư vấn chiến lược, thiết kế đến triển khai, bảo hành bảo trì, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số. Điều này đáp ứng nhu cầu bức thiết của khách hàng khi phải quản trị nhiều đối tác trong cùng một dự án chuyển đổi số có quy mô lớn. Sự kết hợp giữa thế mạnh của FPT và Intellinet cũng giúp FPT đẩy mạnh hoạt động tại thị trường Mỹ cũng như giúp Intellinet trở thành công ty tư vấn toàn cầu.

Chủ tịch FPT nhận định, để tư vấn thành công, nhà F cần các chuyên gia có 20-30 năm làm việc trong ngành công nghiệp chuyên sâu như tài chính ngân hàng, hàng không, bán lẻ…. “Intellinet giúp FPT nhanh chóng có đội ngũ đó. Hai bên kết nối lại có thể cung cấp được giải pháp mà khách hàng mong muốn, chúng tôi có thể cung cấp dịch vụ chuyển đổi số tổng thể cho khách hàng từ A-Z”, anh Bình thông tin thêm về thương vụ kết hợp với Intellinet.

Thành lập từ năm 1993, với doanh thu 30 triệu USD năm 2017, Intellinet được Consulting Magazine đánh giá là một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ, đạt tốc độ tăng trưởng 25% trong mấy năm gần đây. Intellinet hoạt động trong lĩnh vực tư vấn công nghệ với 150 chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm chuyên sâu và 200 khách hàng lớn.

fpt-M-A.jpg

Đại diện FPT và Intellinet sau sự kiện hoàn tất thương vụ tại Atlanta ngày 12/7. 

Trao đổi với Chúng ta, Giám đốc M&A Bùi Hoàng Tùng tiết lộ, thương vụ kéo dài trong khoảng 2 năm mới thành công. Trước đó, Intellinet đang trong giai đoạn tìm đối tác phù hợp, chia sẻ về tầm nhìn, chiến lược để đồng hành trong giai đoạn tăng trưởng mới. Trước một danh sách dài những công ty có ý định tìm hiểu, Intellinet chọn ra 8 ứng viên, gồm FPT và 7 công ty khác.

Trong thời gian trao đổi và tìm hiểu kỹ về nhau, FPT chủ động mời các lãnh đạo của Intellinet sang Việt Nam làm việc để hiểu rõ về tập đoàn. Intellinet đánh giá cao việc làm này của FPT. Qua đó họ cảm nhận là có sự hòa hợp giữa hai bên.

Quá trình đàm phán thực sự như bộ phim tâm lý, tình cảm Mỹ: vui buồn lẫn lộn, căng thẳng, có những lúc xác định là không đi tiếp nữa. Tuy nhiên, cuối cùng vẫn là kết thúc có hậu.

“Sau hơn 7 tháng tìm hiểu và 160 cuộc họp liên quan, FPT đã đàm phán thành công, trở thành đối tác chiến lược sở hữu hơn 90% cổ phần của Intellinet và là công ty CNTT Việt Nam đầu tiên mua một công ty tư vấn công nghệ Mỹ”, anh Tùng bật mí.

“Bùi Hoàng Tùng là ‘kiến trúc sư trưởng’ và đóng góp nhiều nhất cho thương vụ này. Bên cạnh đó, cần kể đến đội ngũ lãnh đạo của FPT Software - những người phải đi sâu đánh giá tất cả năng lực, đưa ra kế hoạch sau khi sáp nhập. Và cũng không thể không nhắc tới đội ngũ cán bộ tài chính, vì khi sáp nhập chúng ta phải bỏ tiền, giá và điều kiện thanh toán là câu chuyện rất dài. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên cảm ơn tất cả các bạn ấy vì đã làm nên một thương vụ lịch sử cho FPT'', CEO FPT Bùi Quang Ngọc hào hứng.

Chủ tịch FPT kỳ vọng giá trị cộng hưởng của thương vụ tăng cao trong mục tiêu doanh thu chuyển đổi số của tập đoàn tăng trưởng khoảng 50% mỗi năm. “FPT có thể tăng trưởng chuyển đổi số gấp rưỡi cho đến gấp đôi khi có sự hợp tác với Intellinet”, anh Bình hào hứng và thông tin, doanh thu chuyển đổi số riêng trong mảng xuất khẩu phần mềm của FPT trong năm 2017 khoảng 50 triệu USD.

“Doanh thu thị trường Mỹ năm 2017 khoảng 65 triệu USD. Nếu cộng cơ học kỳ vọng trong 12 tháng tới (tính từ tháng 7/2018, thời điểm mua Intellinet đến hết tháng 6/2019) có thể đạt mốc 100 triệu USD. Hiện chúng tôi chưa kỳ vọng tăng trưởng đột biến về lợi nhuận, tuy nhiên, sau thời gian 6-12 tháng có thể nâng biên lợi nhuận ròng của thị trường Mỹ lên mức 20%”, người đứng đầu nhà F nói thêm.

>> CEO FPT Software: ‘Mua Intellinet giúp Phần mềm FPT có thêm 200 khách hàng’

Tân Phong

Ý kiến

()