Chúng ta

10 năm FPT USA - viết tiếp 'giấc mơ Mỹ'

Thứ bảy, 13/10/2018 | 07:00 GMT+7

FUSA là minh chứng cho tinh thần vượt qua tâm lý thất bại của FPT tại Mỹ năm 2000, là hiện diện cho niềm tin và ý chí rằng một công ty Việt Nam có thể tồn tại ở Mỹ, nơi có tiêu chuẩn và sự cạnh tranh khắc nghiệt.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhớ lại, FUSA ngày ấy chỉ có một khát vọng mở được thị trường Mỹ. “Chúng ta không có nền tảng Mỹ, chúng ta đã quẫy đạp, vùng vẫy muôn vàn cách, với nỗ lực đó chúng ta đã có được những chiến công ban đầu”.

Anh Bình tự hào, ngày nay, thế và lực của FPT Software đã phát triển ở tầm cao mới và sẵn sàng so sánh với các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực chiến lược. FUSA có những nhà tư vấn hàng đầu thế giới, có công ty tư vấn đẳng cấp công nghệ thế giới. “Đây là thời điểm lột xác đầy cảm hứng”, Chủ tịch Trương Gia Bình nhấn mạnh và khẳng định FUSA lập những chiến tích có đẳng cấp quốc tế về mặt công nghệ.

“FUSA năm 20 tuổi sẽ đuổi kịp thị trường FPT Nhật Bản”, anh Trương Gia Bình kỳ vọng.

“Giấc mơ Mỹ” của FPT đã bắt đầu manh nha từ những năm 2000. Khi đó, FPT mở văn phòng tại San Jose (Mỹ) với quyết tâm xuất khẩu phần mềm - mang trí tuệ Việt Nam ra thế giới. Những con người tài - trí - lực được FPT “gióng trống” chiêu mộ. Kết quả, 5 “phi công vũ trụ” bước chân sang Mỹ để xây dựng thị trường là Nguyễn Hồng Lâm, Hoàng Việt Anh, Bùi Hoàng Tùng, Phạm Thế Minh và Lại Thái Nguyên. Trong sự “lần mò” và hy vọng, làn sóng toàn cầu hóa của FPT đã nhanh chóng thất bại để lại những bài học xương máu. 

Denver-1235-1539345390.jpg

Tập thể CBNV FPT FUSA văn phòng Denver. Ảnh: FUSA. 

Năm 2008, “giấc mơ Mỹ” một lần nữa được dấy lên mãnh liệt bằng tầm vóc mới, diện mạo mới. Anh Bùi Hoàng Tùng - một trong 5 “phi công vũ trụ” trở lại “chiến trường xưa” mang theo sứ mạng mở lại cuộc chơi tại xứ sở cờ hoa. 

Năm đó, khó khăn bủa vây bởi khủng hoảng kinh tế thế giới lan rộng, nhưng bằng quyết tâm, tháng 10/2008, Công ty FPT tại Mỹ (FUSA) đã được thành lập. Từ con số 0 tròn trĩnh, 1 người Mỹ khao khát trở lại quê nhà tên là Eli, 2 sinh viên mới ra trường - Quân và Thành, và anh Bùi Hoàng Tùng (31 tuổi) với mong muốn làm gì đó cho tổ chức và để lại dấu ấn cá nhân cùng khao khát một ngày nào đó logo FPT sẽ hiển thị tại sàn Nasdaq. Từ khi thành lập đến lúc có được khách hàng đầu tiên là cả một chặng đường dài đổ bao tâm huyết nỗ lực. Freescale là một cái tên ghi dấu ấn trong lịch sử FUSA bởi đã đánh tan cơn khát khách hàng của những người FPT tại Mỹ lúc bấy giờ. Giá trị hợp đồng ban đầu khoảng 500.000 USD. 

Trong 1 thập kỷ của FUSA, năm 2011 là năm khó khăn nhất khi đơn vị vừa phải đối mặt với sức ép tăng trưởng, lại phải hoang mang khi thay đổi tổ chức FPT/FPT Software, cùng với đó, vài nhân sự chủ chốt cũng vì lý do cá nhân về Việt Nam. Người đứng đầu FUSA lúc đấy - anh Bùi Hoàng Tùng trăn trở và suy nghĩ sẽ về nước nhưng cuối cùng quyết định bám trụ đất Mỹ để gầy dựng FUSA sang trang mới. Đầu năm 2012, FPT Mỹ chuyển sang thời kỳ khởi sắc khi bắt đầu làm việc với những khách hàng lớn tạo dựng niềm tin và tầm ảnh hưởng để FUSA như được tiếp sức “cất cánh”. 

CEO-FUSA-3318-1539345390.jpg

Hai thế hệ CEO FUSA: anh Bùi Hoàng Tùng và anh Đặng Trần Phương. 

Ngày 1/9/2017, anh Đặng Trần Phương chính thức thay thế người tiền nhiệm Bùi Hoàng Tùng. Ở thời kỳ mới, FUSA tập trung vào chiến lược “whale farming” (săn cá voi) và nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị, dồn sức vào các khách hàng vẫn còn khả năng tăng trưởng để đạt doanh thu tối đa, giảm thiểu chi phí không cần thiết nhằm tăng hiệu quả chung.

Mới đây, vào tháng 7/2018, FPT đã mua 90% cổ phần của Intellinet Consulting (Intellinet), một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ. Sau M&A, Intellinet đã ký được 3 hợp đồng giá trị triệu USD cung cấp dịch vụ công nghệ tổng thể từ khâu tư vấn chiến lược đến thiết kế, triển khai và vận hành cho 3 tập đoàn lớn tại Mỹ trong lĩnh vực logistic, chăm sóc sức khỏe. 

FPT hiện là một trong số ít những công ty CNTT của Việt Nam tạo được dấu ấn tại thị trường Mỹ. Sau gần 10 năm phát triển, FPT đã có văn phòng tại 5 thành phố lớn của Mỹ gồm Texas (trụ sở chính), Denver, Los Angeles, Silicon Valley, Renton, với trên 300 nhân viên đến từ 15 quốc gia, cung cấp dịch vụ CNTT cho hơn 200 khách hàng trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, y tế, ngân hàng - tài chính, viễn thông, ô tô… Mỹ là thị trường xuất khẩu phần mềm lớn thứ hai của FPT. Trong năm 2018, thị trường này dự kiến mang về cho FPT 67 triệu USD, tăng trưởng 39% so với năm 2017. Mục tiêu năm 2021, FUSA sẽ đạt 300 triệu USD. 

Xuân Phương

Ý kiến

()