Chúng ta

Xe thi 'Cuộc đua số' phô diễn sức mạnh vượt mọi địa hình

Thứ hai, 19/11/2018 | 16:59 GMT+7

Sau những bài thử của Ban tổ chức, chiếc xe đua chính thức của Cuộc đua số 2018 đã chứng minh sức mạnh và sự ổn định trong những điều kiện phức tạp.

Trong buổi chạy thử, chiếc xe đã thực hiện được toàn bộ thử thách mà Ban tổ chức đã đưa ra như vượt địa hình dốc, chạy dưới tán cây, đi qua nơi ánh sáng yếu, nhận biết biển báo. Đây được coi là xe đua tốt nhất trong 3 mùa thi.

Video giới thiệu mẫu xe Cuộc đua số:

Anh Lê Ngọc Tuấn (Trưởng phòng IoT, Ban Công nghệ FPT) cho biết, điểm đột phá trong cuộc thi năm nay là chiếc xe đua đã được thiết kế hoàn toàn khác so với 2 mùa trước. Xe có hình dáng mô phỏng giống xe đua thật. Kích thước xe cũng được tăng từ 1/10 lên 1/7 so với xe tự hành tiêu chuẩn.

Giới hạn tốc độ đã được tăng lên gấp đôi từ 20km/h lên đến 40km/h. Đây là thách thức cũng là cơ hội cho các đội thi thể hiện bản lĩnh của mình.

Cấu hình của bảng mạch điều khiển cũng được nâng cấp mạnh mẽ hơn, đủ sức xử lý các thuật toán cao cấp về AI. BTC cũng mang đến một thế giới rộng lớn chính là cộng đồng ROS (nền tảng mã nguồn mở ứng dụng cho robot) với rất nhiều mã nguồn mở để các đội chơi tham khảo và áp dụng vào chiếc xe của mình.

Cuộc đua số mùa 2018-2019 được chính thức khởi động ngày 11/10 với sự đồng tổ chức của VTV. Trong lần thứ 3 tổ chức, đề thi cũng được nâng cao hơn so với năm trước. Cụ thể, tại vòng chung kết, các đội thi sẽ phải lập trình để xe chạy được theo làn đường trong điều kiện ánh sáng thay đổi; tránh được vỉa hè; khoanh vùng, xác định và tránh được vật cản (với hình dáng bất kỳ) xuất hiện trên đường, tự động phân tích loại vật cản đâm được hay không đâm được để từ đó ra quyết định di chuyển; nhận dạng và hành động được theo biển báo giao thông.

Để đáp ứng các bài toán công nghệ ngày càng nâng cao đó, tại cuộc thi năm nay, FPT cũng nâng cấp phiên bản mô hình xe tự hành lên tỷ lệ 1/7 với động cơ mạnh mẽ hơn, khung xe chắc chắn tích hợp hệ thống giảm sóc. Điều này khiến chiếc xe đua có thể đạt tốc độ tối đa cao hơn nhưng cũng đặt ra các bài toán phức tạp hơn để điều khiển xe hoạt động chính xác. Bảng mạch chủ được nâng cấp chuyên để xử lý đồ họa và trí tuệ nhân tạo, camera có khả năng chuyển động và góc nhìn mở rộng…

Đặc biệt, tại trận chung kết, ngoài 6 đội xuất sắc từ các trường đại học của Việt Nam còn có sự tham gia của 2 đến 4 đội thi đến từ các trường đại học trong khu vực châu Á. Top 4 đội xuất sắc sẽ được thực tập (với mức lương tối thiểu 5 triệu đồng/tháng) và cùng giải quyết các bài toán công nghệ mới nhất tại Ban Công nghệ FPT.

Cuộc đua số 2018-2019 sẽ được tổ chức ở cả 3 khu vực: Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM.

Các mốc quan trọng của Cuộc đua số 2018-2019:

  • Nhận hồ sơ đăng ký: 11/10-5/11/2018
  • Vòng sơ khảo (15/11-15/12/2018): BTC sẽ tổ chức 10 trận sơ loại để tìm kiếm ra tối đa 20 đội xuất sắc đại diện cho các trường vào vòng chung khảo.
  • Vòng bán kết (1/3/2019-31/3/2019): BTC sẽ tổ chức 2 trận thi đấu để tìm ra tối thiểu 6 đội xuất sắc đại diện cho các trường đại học ở Việt Nam vào trận chung kết.
  • Vòng chung kết (20/4/2019-25/5/2019): Trận chung kết diễn ra trong thời gian trên yêu cầu các đội thi sẽ phải lập trình để xe chạy được theo làn đường trong điều kiện ánh sáng thay đổi; tránh được vỉa hè; khoanh vùng, xác định và tránh được vật cản (với hình dáng bất kỳ) xuất hiện trên đường, tự động phân tích loại vật cản đâm được hay không đâm được để từ đó ra quyết định di chuyển; nhận dạng và hành động được theo biển báo giao thông.

Nguyễn Thắng

Video: BTC

Ý kiến

()