Chia sẻ trong hội thảo Smart City Infrastructure (Hạ tầng thành phố thông minh) do công ty QDTEK tổ chức ngày 17/8, theo CTO FPT IS Phan Thanh Sơn, thời gian gần đây, Việt Nam bắt đầu có những động thái quyết liệt trong vấn đề phát triển thành phố thông minh (smartcity). Tuy nhiên, nếu hàng chục, hàng trăm thành phố tự làm smartcity theo phong trào thì nguy cơ thất bại rất cao. Do đó, Chính phủ cần sớm có một khung hướng dẫn, chiến lược học tập từ những thành phố thành công, đồng thời phân cấp thành cấp 1, 2, 3 khác nhau thì tỷ lệ thành công sẽ cao hơn.
Việt Nam cũng có thể học tập mô hình 100 thành phố thông minh của Ấn Độ. Làm từng bước, giống như cuộc chơi của một start-up. Nếu như để cho các thàn phố tự làm thì dễ đến 80-90% sẽ thất bại, Ấn Độ đã lập dự án 100 thành phố thông minh do chính phủ chỉ đạo, tập trung làm với các thành phố cấp 2, sử dụng nguồn vốn chung của xã hội.
Anh Phan Thanh Sơn cho rằng, vấn đề xây dựng thành phố thông minh đang có những khoảng trống về chi phí cần lấp đầy. Vì vậy, cần lập một quỹ cho mô hình thành phố thông minh, trong đó doanh nghiệp và Nhà nước cùng đóng góp để tiếp sức cho các dự án thông minh.
Để xây dựng thành phố thông minh cần hợp nhất những dữ liệu thu thập được, từ đó tạo ra một hệ sinh thái mở để các bên liên quan có thể tham gia thu thập và xử lý cũng như đưa ra được các giải pháp thống nhất. Người đứng đầu hoạt đông công nghệ FPT IS đề xuất nên để các doanh nghiệp ngoài khối nhà nước được tham gia vào các lĩnh vực giao thông vận tải, chăm sóc sức khỏe... Từ đó sẽ có nhiều cơ sở dữ liệu hơn và giúp chính phủ xây dựng thành phố thông minh dựa trên nhiều nguồn lực khác nhau.
GĐ Công nghệ FPT IS Phan Thanh Sơn chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: ICT News. |
"Làm thành phố thông minh khá phức tạp nhưng cần hiểu cách vận hành của nó để đưa ra giải pháp phù hợp. Cần có nhiều bên ngồi lại với nhau bàn thảo, không chỉ bộ phận công nghệ mà nhiều ngành như giao thông, giáo dục, y tế... cũng cần tham gia để xây dựng cơ chế thống nhất, dữ liệu hợp nhất", anh Sơn nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, FPT IS là công ty tiên phong xây dựng giải pháp ứng dụng cho thành phố thông minh. Đơn vị đã triển khai rất nhiều dự án quan trọng để xây dựng thành phố thông minh ở nhiều lĩnh vực, từ chính quyền điện tử (triển khai ở TP HCM, Quảng Ninh, Đà Nẵng...); Giao thông (xây dựng nhiều giải pháp xử lý vi phạm giao thông; Hệ thống quản lý giao thông như hệ thống giám sát xử lý vi phạm trên đường cao tốc, vé tàu điện tử, vé xe buýt điện tử...); Y tế (Phần mềm quản lý bệnh viện; Thanh toán bảo hiểm y tế; Y tế cộng đồng...) cho đến các lĩnh vực lĩnh vực điện, nước, ga...
Mới đây, theo bản thỏa thuận hợp tác chiến lược ký kết với UBND TP Hà Nội, FPT sẽ triển khai hệ thống giao thông thông minh cho Hà Nội và đề xuất theo mô hình cho thuê dịch vụ CNTT. FPT chịu trách nhiệm mọi khâu từ đầu tư hệ thống, đảm bảo vận hành, bảo trì, bảo dưỡng... Tổng mức đầu tư dự kiến là 1.700 tỷ đồng.
Hà Nội đang hướng tới xây dựng thành phố thông minh để giải quyết các vấn đề cấp bách về giao thông, môi trường, y tế... nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong bối cảnh đó, giao thông thông minh được lựa chọn là giải pháp quan trọng triển khai đầu tiên để hướng tới mục tiêu này.
Hệ thống giao thông thông minh thành phố Hà Nội được FPT đề xuất đáp ứng yêu cầu về 10 chức năng chính. Cụ thể gồm: Hệ thống thông tin giao thông phục vụ người tham gia giao thông và cơ quan quản lý nhà nước; Hệ thống quản lý về kinh doanh, điều kiện kinh doanh và cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Hệ thống điều khiển giao thông bằng đèn tín hiệu; Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm bằng hình ảnh; Hệ thống an ninh thông minh; Hệ thống quản lý, giám sát ô nhiễm môi trường giao thông; Hệ thống phần mềm chỉ huy - điều hành giao thông thông minh; Hệ thống bảo mật và an toàn dữ liệu.
Bên cạnh đó, bản đồ số do FPT triển khai sẽ cung cấp cho người dân và cơ quan quản lý những thông tin toàn diện về tình trạng giao thông theo thời gian thực, danh mục các thiết bị hạ tầng giao thông (như bến xe, biển báo…), tích hợp với các phương tiện vận tải công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội… Đồng thời, người dân cũng được trực tiếp phản ánh hoặc nhận thông tin về tình trạng giao thông qua cộng cụ tương tác tự động chatbot.
Bên cạnh lĩnh vực giao thông, viễn thông và giáo dục cũng là những nội dung được đề cập trong thỏa thuận hợp tác chiến lược về ứng dụng CNTT và Truyền thông trên địa bàn Hà Nội giữa UBND thành phố với FPT.
>> FPT làm việc với lãnh đạo Hải Phòng về xây dựng Chính quyền điện tử
Thiên Bình
Ý kiến
()