Chúng ta

Vì sao người Nhật không dùng LinkedIn?

Thứ tư, 13/4/2016 | 08:45 GMT+7

Lý giải của James Riney, người đứng đầu “500 Startup Japan", quỹ đầu tư tại nhiều quốc gia trên thế giới, về lý do người Nhật không dùng mạng xã hội LinkedIn. 

Hãy tưởng tượng bạn đang ở một cuộc hội thảo tại Nhật. Theo thông lệ ở đây, đối với mỗi người mà bạn gặp, bạn thường trao đổi name card bằng cách chào hỏi và cho họ thấy rõ là bạn đã đọc nó trước khi lịch sự cất nó đi. Đây là một việc vô cùng quan trọng. Không phải chỉ vì mọi người nói với bạn nó là thông lệ mà bởi vì bạn cũng không biết những người đó là ai. Ông ấy có thể là cựu CEO của Toyota, bạn nghĩ rằng vậy là ổn và sau đó sẽ tìm hiểu thêm trên LinkedIn.

Rồi bạn trở về khách sạn với một mớ name card và bắt đầu gõ tên họ. Kết quả là chẳng tìm thấy gì cả. Hai giờ sau bạn có 5 lời mời kết bạn trên Facebook từ những người mà bạn gặp hôm đó. “Tại sao họ lại đi kết bạn với tôi? Họ không biết là mình không nên trộn lẫn đời sống cá nhân và công việc ư?”. Điều mà bạn có thể phát hiện ngay là người Nhật không dùng LinkedIn. Họ dùng Facebook. Cả Facebook và Twitter đều được ưa chuộng rộng rãi ở xứ sở này. Nhưng LinkedIn thì không.

linkedin-business.png

LinkedIn la mạng xã hội kết nối trong công việc nhưng lại không được người Nhật ưa chuộng. 

Một lý do có thể đưa ra đó là cách mà đa phần người Nhật nghĩ về LinkedIn. Trong nền văn hóa mà ở đó mọi người thường gắn bó rất lâu hay thậm chí cả đời với cùng một công ty, LinkedIn được xem là một trang công việc khác. Thật không hay chút nào nếu ông chủ thấy họ đã hoàn thành hồ sơ ở trang này. Nó có thể là hành động tự giết chết sự nghiệp của mình.

Lý do khác có thể là cách thiết kế giao diện của LinkedIn. Người dùng được cung cấp một bảng hồ sơ để điền vào (hoặc một tóm tắt nếu bạn muốn). Nhờ nó mà người dùng có thể nói rõ về công việc mình từng trải qua. Đây chính là vấn đề. Người Nhật không có xu hướng khoe khoang thành tích của mình cho nhiều người biết. Trong tiểu sử của những thành viên người Mỹ ở LinkedIn, bạn có thể sẽ thấy những thứ đại loại như “doanh thu tăng trưởng từ 5 triệu USD lên 20 triệu USD trong năm đầu tiên, tức gấp ba lợi nhuận”. Hiếm khi tìm thấy những phát biểu như thế ở người Nhật.

Điều này không có nghĩa là người Nhật không có lòng kiêu hãnh và che giấu mọi thứ. Họ cũng có khoe khoang đấy, nhưng theo cách gián tiếp. Trong khi LinkedIn yêu cầu bạn viết tất cả chúng ra ngay lập tức thì Facebook cho phép người dùng bóng gió rằng mình đã đạt được điều gì đó, rằng bạn biết ai có sức nặng hoặc bạn đã thực hiện dự án nào đấy. Đó là một công cụ có lợi hơn.

james.jpg

Tác giả James Riney, người đang làm việc tại Nhật, rút ra những câu chuyện thú vị về khuynh hướng dùng mạng xã hội của người dân xứ sở hoa anh đào. 

Có một nhân tố nữa đóng vai trò then chốt. Mọi người thường có xu hướng làm việc với những ai mà họ thích hơn là người có thể cho họ những thỏa thuận tốt hơn. Ở Nhật, đây là trường hợp thường thấy. Công việc hầu như thường dựa vào nền tảng quan hệ vững chắc. Và để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp này, mọi người buộc phải có sự ràng buộc và biết nhiều hơn về đối tác. Chia sẻ đời sống cá nhân của mình với mọi người là cách để làm được điều đó. Facebook cho họ một cánh cửa để bước vào cuộc sống của người khác.

Nhiều người, kể cả tôi, đã cố gắng để tạo nên một “LinkedIn của người Nhật”, nhưng đều thất bại. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng “Tại sao họ lại không nghĩ chúng ta cần một mạng xã hội chuyên nghiệp về công việc?”. Câu trả lời là có. Nhưng thứ chúng tôi không nhận ra là mạng xã hội đó lại chính là Facebook.

>> Mark Zuckeberg - hình mẫu của thế hệ mới

Yến Nhi 

Ý kiến

()