Chúng ta

Vén màn thương vụ Microsoft mua LinkedIn giá khủng

Thứ tư, 15/6/2016 | 15:13 GMT+7

Thương vụ mua lại Linkedln lên tới 26,2 tỷ USD của Microsoft thực sự gây ngạc nhiên và xứng đáng là một trong những vụ thâu tóm đắt giá nhất trong lịch sử mảng công nghệ số từ trước đến giờ, nếu nó được hoàn tất.

Những nỗ lực này dự báo sẽ mang lại bước chuyển mình trong động lực cạnh tranh trên thị trường cung cấp giải pháp CRM (Customer Relationship Management: Quản lý quan hệ khách hàng) và công nghệ dựa trên dữ liệu. Nó cũng hứa hẹn mang lại sức sống mới cho hoạt động kinh doanh quảng cáo số vốn “nghèo nàn và đang bị tụt lại quá xa” của Microsoft một khi hãng này tiếp cận được nguồn dữ liệu B2B và B2C dồi dào, không chỉ trên desktop mà còn có các thông tin đăng nhập từ người dùng di động của Linkedln.

Satya Nadella, CEO của Microsoft, kỳ vọng việc hợp nhất này sẽ mở ra hướng đi mới trong bối cảnh các giải pháp kinh doanh của cả hai công ty đang dần bão hòa trên thị trường. Nó sẽ tạo bước đệm gia tăng doanh thu và vị thế cạnh tranh cho Microsoft lẫn Linkedln.

linkedin-obama-2-7531-1465975601.jpg

CEO LinkedIn và Tổng thống Obama trong một sự kiện. Hãng phần mềm Mỹ Microsoft vừa thông báo đã mua LinkedIn với giá 26,2 tỷ USD, tương đương 196 USD trên mỗi cổ phiếu.

Cũng trong một thông báo gửi toàn thể nhân viên Linkedln hôm thứ hai vừa qua, CEO Jeff Weiner nhấn mạnh rằng, quyết định sáp nhập lần này sẽ giúp mở rộng tầm ảnh hưởng của Linkedln thông qua việc kết hợp giữa tập dữ liệu người dùng trên mạng xã hội nghề nghiệp của mình với hơn 1 tỷ người dùng các giải pháp từ Microsoft như: email ‘Outlook’, hệ thống quản trị khách hàng ‘Dynamics’, công cụ tìm kiếm ‘Bing’, ứng dụng liên lạc trực tuyến ‘Skype’ hay hệ điều hành Windows và các ứng dụng văn phòng phổ biến Microsoft Office.

Weiner cũng đề cập đến các giải pháp quảng cáo tự nhiên (Native Ads) nổi bật trên Linkedln như các nội dung được tài trợ (sponsored content), và cho rằng thương vụ này sẽ tạo bệ phóng để tiếp cận với người dùng trực tuyến ở bất cứ đâu trong hệ sinh thái Microsoft, từ đó “giải phóng” nguồn inventory (kiểm kê thực tế) giá trị nhưng chưa được khai thác trước đây.

Không những vậy, hoạt động bán hàng qua nền tảng đám mây cũng được “lột xác” nhờ sự kết hợp giữa giải pháp LinkedIn Sales Navigator và Microsoft Dynamics. ‘Sales Navigator’ được biết đến như một dịch vụ cao cấp giúp người dùng tìm kiếm, kết nối và tương tác với khách hàng tiềm năng của mình trên Linkedln một cách nhanh chóng, trong khi Dynamics là hệ thống quản lý doanh nghiệp và khách hàng tích hợp giúp hỗ trợ quá trình ra quyết định kinh doanh.

Một nhân viên kinh doanh đang sử dụng giải pháp Dynamics để quản lý các mối quan hệ với khách hàng, giờ đây có thể đẩy mạnh hiệu quả công việc nhờ cập nhật nhanh chóng các thông tin lý lịch cũng như những hoạt động gần nhất của khách hàng tiềm năng từ Linkedln để kịp thời tương tác và có chiến lược bán hàng hợp lý.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, ngoài cơ hội từ mảng kinh doanh giải pháp Marketing vốn chỉ đóng góp 18% trong tổng số 861 triệu USD doanh thu của Linkedln trong quý I vừa qua, thứ Microsoft thực sự muốn nhắm tới đằng sau thương vụ này chính là mạng lưới kết nối và tương tác được nhận dạng trên LinkedIn - hiện lên đến 433 triệu thành viên, trong đó 60% thường đăng nhập qua ứng dụng Linkedln trên di động.

“Sau cùng thì chúng ta cũng quay về với cuộc chiến nhận dạng người dùng”, Ray Wang, Chủ tịch hãng nghiên cứu Constellation Research, nhận định. “Microsoft đã có được bản đồ kết nối người dùng trên mạng xã hội nghề nghiệp lớn nhất, mà phần lớn trong đó được nhận diện trên các thiết bị Mobile”. Thông qua “con đường tắt” này, Microsoft kỳ vọng thâm nhập sâu hơn vào mảng mạng xã hội dành cho doanh nghiệp cũng như tiến vào lãnh địa di động thành công.

Thực tế, năm 2012 Microsoft cũng từng bỏ ra 1,2 tỷ USD để thâu tóm mạng xã hội nghề nghiệp Yammer nhưng thương vụ được xem là thất bại khi khách hàng doanh nghiệp không tỏ ra hào hứng với công cụ này như Microsoft kỳ vọng. Cuối cùng hãng phải tiến hành hạ giá và sáp nhập giải pháp này vào các dịch vụ đám mây khác của mình trong cùng năm đó.

Vậy liệu Microsoft có tiếp tục “ném tiền qua cửa sổ” với thương vụ lần này?

Hiện chưa ai có thể đưa ra được câu trả lời chắc chắn. Tuy nhiên, theo Chris Golec, CEO của Demandbase, công ty chuyên cung cấp giải pháp Account-based marketing, thì “vụ thâu tóm cho thấy bằng chứng rõ ràng hơn về việc các công ty công nghệ đám mây hàng đầu thế đang dần tiếp cận với người dùng doanh nghiệp.

Mảng kinh doanh B2B tiếp tục cho thấy tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, và đó là lý do Microsoft chịu chi một số tiền không nhỏ để có được thông tin người dùng trên Linkedln. Thương vụ cũng đánh dấu một bước chuyển lớn trên bản đồ hợp nhất giữa công nghệ quảng cáo (AdTech) và công nghệ tiếp thị (MarTech), qua đó giúp gắn kết với đối tượng khách hàng doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn”.

Hy vọng hồi sinh mảng quảng cáo số của Microsoft liệu có thành công?

Cũng đã gần một năm kể từ ngày Microsoft chuyển giao mảng kinh doanh quảng cáo hiển thị cho AOL-Verizon tiếp quản như một động thái cắt giảm các hoạt động thua lỗ. Theo hợp đồng thời hạn 10 năm này, AOL sẽ thay Microsoft bán quảng cáo trên MSN, Outlook.com, Xbox, Skype và một số ứng dụng tại những thị trường trọng điểm.

Trong khi đó, LinkedIn cũng chứng kiến mức sụt giảm doanh số hiển thị (có khi lên tới 30%) hết quý này sang quý khác do công ty đang ưu tiên đầu tư vào các quảng cáo tự nhiên và hòa hợp với bối cảnh nội dung trên bản tin như hình thức Sponsored Updates hay In-Mail, thay vì hình thức display ads. Các dạng nội dung được tài trợ này đóng góp tới 56% doanh thu mảng Marketing Solution trong quý I vừa qua.

Tuy nhiên với vụ sáp nhập trên, cả hai phía đều kỳ vọng rất lớn từ cơ hội tận dụng nguồn dữ liệu khổng lồ cho việc nhắm mục tiêu quảng cáo, nâng cao trải nghiệm và gia tăng doanh số.

Microsoft dự kiến bổ sung cơ sở dữ liệu người dùng Linkedln vào mạng lưới kết nối trong hệ sinh thái của mình - hiện đang có sẵn các phân lớp dữ liệu từ Microsoft Office 365 (các gói đăng ký tích hợp quyền truy nhập vào các ứng dụng Office và các phần mềm năng suất khác được hỗ trợ qua dịch vụ đám mây) và từ nền tảng quản trị dữ liệu khách hàng Dynamics.

mvoffice-1147-1465975602.jpg

LinkedIn là dịch vụ mạng xã hội hướng đến mảng nhân sự - việc làm. Thành lập vào năm 2002 và ra mắt một năm sau đó, LinkedIn đã có những bước phát triển vượt bậc. Năm 2015, doanh thu của mạng xã hội này chủ yếu đều từ việc bán quyền truy cập thông tin người dùng cho các nhà tuyển dụng. Theo báo cáo, thời điểm tháng 3, LinkedIn có hơn 400 triệu người dùng, 106 triệu tài khoản hoạt động thường xuyên. Ảnh văn phòng LinkedIn.

Trong buổi nói chuyện với các nhà đầu tư, Nadella cho biết “LinkedIn sẽ trở thành cánh tay đắc lực ở mảng xã hội của Microsoft. Hoạt động quảng cáo tự nhiên trên bản tin Linkedln hiện là mảng phát triển nhanh nhất trong các giải pháp marketing. Hãy tưởng tượng bản tin của bạn sẽ được cá nhân hóa một cách phù hợp hơn với các thông tin liên quan đến các dự án, lịch làm việc hay những đồng nghiệp, đối tác, khách hàng bạn sẽ gặp gỡ trong vòng 1 tháng tới,…”.

LinkedIn đã rất thành công khi xây dựng được bản đồ liên kết từng cá nhân trên mạng xã hội này, kèm theo địa chỉ liên lạc email và các thông tin giá trị khác liên tục được cập nhật. Những kết nối này vô cùng giá trị đối với Microsoft.

Phó Chủ tịch hãng nghiên cứu Gartner Martin Kihn nhận định rằng mối liên kết giữa dữ liệu từ Linkedln và các giải pháp công nghệ từ Microsoft có thể hỗ trợ gia tăng sức mạnh cho hoạt động giao dịch quảng cáo, và chỉ ra “có vô số cơ hội nhắm mục tiêu quảng cáo ở mức độ cao thông qua nhiều định dạng quảng cáo sáng tạo (như dynamic ad), nhưng hiện vẫn chưa được khai thác đối với cả sản phẩm/dịch vụ B2B và B2C”.

Về phía Linkedln, Weiner cho biết: “Chúng tôi có đội ngũ kinh doanh quảng cáo chuyên triển khai những dịch vụ tiếp thị và sẵn sàng khai thác nguồn inventory bổ sung từ hệ sinh thái Microsoft. Sẽ có thêm nhiều cơ hội để ứng dụng các định dạng quảng cáo tự nhiên (Native Ad), cũng như mở rộng hoạt động bán hàng qua mạng xã hội với nền tảng Dynamics nhờ sự kết hợp giữa các công cụ business intelligence (chỉ những công nghệ được sử dụng để khai thác dữ liệu phục vụ cho việc ra quyết định) và nguồn dữ liệu sẵn có trong hệ thống”.

Weiner cũng cho rằng những tài sản khác của Microsoft như Skype, Windows hay thậm chí Xbox đều có thể giúp cập nhật nội dung mới nhất trên bản tin LinkedIn nhờ kết hợp dữ liệu và triển khai quá trình cá nhân hóa tốt hơn.

LinkedIn sẽ vẫn tiếp tục hoạt động như một doanh nghiệp độc lập với Weiner là CEO và báo cáo trực tiếp cho Satya Nadella. Thương vụ hy vọng sẽ được thông qua và hoàn tất trong năm nay.

>> Truyền hình FPT bắt tay VTB tung gói dịch vụ siêu rẻ

ANTS (theo Adexchanger)

Ý kiến

()