Chúng ta

Trường Đại học FPT đào tạo ngành vi mạch bán dẫn

Thứ năm, 7/9/2023 | 15:57 GMT+7

Trường Đại học FPT cùng Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt tại Việt Nam.

Khoa dự kiến đón lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024 với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, thực hiện nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.

Trường Đại học FPT lên kế hoạch hợp tác với nhiều trường đại học tại Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) để thiết kế chương trình, giáo trình và chuẩn đào tạo. Đây là hai trong bốn thị trường dẫn đầu về chip và bán dẫn toàn cầu, gồm: Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc.

Song song, trường kết hợp với các cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp này để cung cấp nhiều loại bằng cấp, chứng chỉ từ ngắn hạn 6 tháng, hai năm đến các chương trình đào tạo nâng cao, văn bằng hai, cao đẳng, đại học, sau đại học.

-7893-1694077037.jpg

Khuôn viên Trường Đại học FPT Hà Nội. Ảnh: Trường Đại học FPT

Tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã giao cho các bộ ngành nhanh chóng xây dựng và triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Trong đó, Việt Nam dự kiến đào tạo khoảng 30.000 - 50.000 nhân lực, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Trường Đại học FPT đánh giá việc mở Khoa Vi mạch Bán là nhu cầu cấp thiết, nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch trọng điểm nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, chuẩn bị lực lượng nhân sự chất lượng cao cho thị trường toàn cầu.

Anh Nguyễn Vinh Quang - Giám đốc Công ty Bán dẫn FPT kiêm Quyền trưởng khoa Vi mạch Bán dẫn cho biết, bán dẫn là ngành công nghiệp tỷ đôla nhưng đang "khát" nhân lực trên toàn cầu. Các chuyên gia dự đoán đến năm 2030, ngành sẽ thiếu một triệu nhân sự trên toàn cầu khi bốn thị trường trên không đáp ứng đủ nguồn nhân lực. Riêng tại Việt Nam, hiện, số lượng nhân sự cho ngành công nghiệp bán dẫn mới chỉ đáp ứng dưới 20%.

"Khi đó, thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, có cơ hội nắm bắt nhu cầu toàn cầu này để vươn lên trong bảng xếp hạng về cả giáo dục và cung ứng nhân sự chất lượng cao", anh nói thêm.

Trong dịp mở văn phòng đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 7/9, ông Wade Cruse - Đối tác điều hành khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn tư vấn quản lý toàn cầu Bain & Company (Mỹ) cũng nhận định, Việt Nam đã trở thành một trong hai quốc gia hàng đầu được các nhà sản xuất bán dẫn trên thế giới cân nhắc lựa chọn đầu tư cho thế hệ tiếp theo.

-7888-1694077037.jpg

Sinh viên khoa Vi mạch Bán dẫn được học trong và ngoài nước. Ảnh: Trường Đại học FPT

Trước cơ hội lớn này, Trường Đại học FPT muốn tạo "bệ phóng" cho nhân sự trẻ Việt Nam tự tin bước ra thế giới với năng lực cạnh tranh toàn cầu. Đội ngũ lãnh đạo cũng nhận định đây là cơ hội để Việt Nam dần học hỏi, làm chủ công nghệ và thiết kế ra những dòng chip riêng của quốc gia.

Bên cạnh đó, Trường Đại học FPT xây dựng mô hình đưa học viên, sinh viên Vi mạch Bán dẫn ra nước ngoài làm việc trong ngành công nghiệp này bằng cách phối hợp nguồn lực có sẵn của Công ty Bán dẫn FPT và hệ thống công ty thuộc Tập đoàn FPT trên 30 quốc gia. Từ đó, các bạn trẻ có thể học hỏi, tích lũy và sớm có năng lực đóng góp cho sự phát triển toàn diện của ngành.

Nhật Lệ

Ý kiến

()