Chúng ta

Trí tuệ nhân tạo ‘qua mặt’ sinh viên CNTT

Thứ hai, 30/5/2016 | 17:50 GMT+7

Một giáo sư và các cộng sự tại Viện Khoa học Công nghệ Georgia (Mỹ) đã phát triển thành công trợ lý ảo, hỗ trợ giải đáp thắc mắc của sinh viên với độ chính xác lên tới 97%.

Câu chuyện tưởng như khó tin nhưng thực sự đã xảy ra tại Viện Khoa học Công nghệ Georgia, Mỹ. Một giáo sư tự tạo cho mình “người” trợ giảng không giống bất kỳ ai trên thế giới, có tên gọi Jill Watson. Trong suốt một học kỳ, cô hầu như trả lời mọi câu hỏi trực tuyến của sinh viên, giảm đáng kể lượng công việc quá tải của đội ngũ giảng viên.

Tuy nhiên, trên thực tế, Jill Watson là một chatbot mang trí tuệ nhân tạo - sản phẩm của giáo sư Ashok Goel ngành khoa học máy tính. Ông không tiết lộ danh tính thực sự của Watson cho tới bài kiểm tra cuối kỳ. Lúc biết sự thật, tất cả sinh viên đều tỏ ra ngạc nhiên. Trên diễn đàn trực tuyến của khoa, một sinh viên cho biết: “Tôi thậm chí còn muốn đề cử Jill Watson như trợ giảng xuất sắc nhất từ trước đến nay trong cuộc khảo sát của CIOS”.

2016-05-25-164037-6208-1464170263.png

Chatbot mang trí tuệ nhân tạo đã vô cùng thành công trong việc giải đáp thắc mắc của sinh viên với độ chính xác lên tới 97%.

Hiện Goel nỗ lực để đưa chatbot này vào hệ thống giáo dục, với tiềm năng trở thành tài sản vô giá cho các khóa học trực tuyến - nơi mà sinh viên thường khó tham dự đầy đủ tiết học và thiếu sự hỗ trợ đầy đủ từ người truyền tải kiến thức. Nhờ sáng kiến này, Goel hy vọng các khóa học trực tuyến sẽ trở nên hấp dẫn và đem lại kết quả giáo dục tốt hơn. “Với tôi, đây là một thách thức lớn”. Goel chia sẻ. “Đặc biệt là khi ngành giáo dục luôn nhận được sự ưu tiên của toàn thể nhân loại”.

Ý tưởng này nảy ra trong đầu Goel vào mùa xuân năm ngoái, khi mỗi học kỳ ông và các trợ giảng nhận được hơn 10.000 câu hỏi của sinh viên trên các diễn đàn, phần lớn trong số chúng đều lặp đi lặp lại. Lúc đó, mục đích của ông là làm sau để giảm gánh nặng của việc trả lời và chatbot là sự lựa chọn hoàn hảo cho công việc đó. Ông cùng các cộng sự quyết định xây dựng một trợ lý ảo, lập trình trên nền tảng của IBM.

Để “đào tạo” hệ thống trả lời câu hỏi một cách chính xác, Goel cho Jill học toàn bộ câu hỏi của kỳ trước, giúp cô hình thành kiến thức nền về những câu hỏi phố biến và cung cấp thông tin về lời giải đáp cho cô.

maxresdefault-6939-1464170263.jpg

Giáo sư Goel của Viện Khoa học Công nghệ Georgia - Georgia Tech.

Goel cùng với sự hỗ trợ của cộng sự thử nghiệm hệ thống này trong nhiều tháng, kiểm tra liệu các câu trả lời của Jill đã chính xác hay chưa. Ban đầu, Jill tỏ ra khá vật lộn với những câu hỏi có tính tương tự như “Tôi có thể tìm thấy bài tập 2 ở đâu?” hay “Khi nào bài tập 2 đến hạn nộp?”. Mỗi lần như vậy, Goel phải sửa lại phần mềm và đưa thêm nhiều lớp quyết định cho chatbot. Cuối cùng, sau nhiều cố gắng, Jill đã có thể độc lập trả lời các câu hỏi một cách chính xác nhất.

Hệ thống chỉ được phép trả lời câu hỏi có độ chính xác lên tới 97% hoặc tự tin đối với câu trả lời. Goel cho biết đó là ngưỡng để ông đảm bảo hệ thống hoạt động được chính xác nhất. Đối với câu hỏi mà Jill không thể tự xử lý, Goel và những trợ giảng khác sẽ làm việc đó.

Goel có kế hoạch đưa Jill vào hoạt động trong khóa học mùa thu sắp tới, nhưng với tên gọi khác và như thế sinh viên sẽ phải tự đoán xem trợ giảng nào mới là chatbot. “Điều đặc biệt là khi biết về Jill, sinh viên dường như có động lực hơn để tham gia khóa học về trí tuệ nhân tạo, và nó thực sự là điều rất tuyệt vời”, Goel chia sẻ.

>> Đồng sáng lập ELSA là MC sự kiện Obama trò chuyện với thủ lĩnh trẻ VN

Hải Thu (theo Washington Post)

Ý kiến

()