Chúng ta

Tham vọng của AT&T khi thâu tóm Time Warner

Thứ tư, 2/11/2016 | 15:10 GMT+7

Cú M&A cần nhận được sự chấp thuận từ Bộ Tư pháp Mỹ và Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC) trước khi có thể trở thành hiện thực. Truyền thông Mỹ gọi thương vụ AT&T thâu tóm Time Warner tốn nhiều giấy mực nhất.

Ngày 22/10, AT&T, nhà mạng di động lớn thứ hai nước Mỹ, thông báo đã đạt được thỏa thuận mua lại tổ hợp truyền thông hàng đầu thế giới Time Warner Inc. với giá trị hợp đồng là 85,4 tỷ USD. 

Tuy nhiên, theo Fortune, thương vụ có thể phải đối mặt với sự xem xét từ Bộ Tư pháp Mỹ và Uỷ ban Truyền thông liên bang (FCC). Cạnh đó, ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đã tuyên bố ngăn chặn thương vụ này nếu trúng cử.

Dự kiến, AT&T sẽ phải đối mặt một quá trình xem xét kéo dài và không mấy dễ dàng. David McAtee, Phó Chủ tịch điều hành AT&T, tỏ ra tin tưởng Chính phủ Mỹ luôn chấp thuận những thỏa thuận đem lại lợi ích cho người tiêu dùng, củng cố tính cạnh tranh, khuyến khích đầu tư và đổi mới.

Một câu hỏi lớn được đặt ra là: Vì sao AT&T, một nhà mạng di động, lại muốn sở hữu các thương hiệu truyền thông như CNN, HBO và Warner Bros?

Trong bài viết có tiêu đề "Tại sao AT&T muốn Time Warner", CNN lý giải rằng câu trả lời nằm ở cách điện thoại thông minh đang thay đổi cuộc sống của chúng ta ra sao. "Lượng người xem các nội dung trực tuyến qua thiết bị di động đang ngày càng tăng, trong khi con số dành cho các loại hình truyền thông truyền thống, trong đó có TV đang giảm mạnh. Bởi vậy, từ lâu hai nhà mạng di động hàng đầu nước Mỹ là Verizon và AT&T đã để mắt tới các công ty truyền thông và coi đây là cơ hội kinh doanh mới khi mảng kinh doanh cốt lõi là phát triển thuê bao di động có xu hướng chậm lại", CNN lý giải.

at-T-m-a-8380-1478060418.jpg

Hãng tin Bloomberg nhận định, mua lại Time Warner sẽ giúp AT&T tham gia sâu hơn vào các chương trình giải trí, bao gồm cả đài HBO và Cartoon Network, với số lượng người xem các kênh trả tiền trên TV, di động và qua mạng Internet lên tới hàng triệu người. Ảnh: NPR.

Trang tin Wired cho rằng, đang có xu hướng các công ty truyền thông trở thành công ty viễn thông. Các hãng Internet như Google, Facebook, Amazon và Netflix đang trở thành những cái tên mới trong làng truyền thông. Họ phân phối lượng lớn các video trực tuyến, tạo ra mối đe dọa trực tiếp tới truyền hình truyền thống và các công ty điện ảnh. Nhưng họ cũng đang trở thành các công ty viễn thông, đe dọa tới thị phần của AT&T và Verizon. Do đó, AT&T phải hành động nếu muốn trở nên hùng mạnh hơn.

Sự phát triển của hệ thống mạng truyền dữ liệu gói di động tốc độ cao từ 3G đến 4G, rồi tới đây là 5G cùng sự đầu tư nâng cấp rất lớn cả về nền tảng phần cứng lẫn phần mềm của các hãng điện thoại di động cho sản phẩm điện thoại thông minh của họ đã mang đến cho người dùng ngày nay cơ hội tiếp cận những tiện ích thông tin di động vô cùng phong phú gồm truyền hình, phim và các hình thức video khác.

Các số liệu khảo sát mới đây cho thấy số lượng người xem và dành nhiều thời gian cho nội dung trực tuyến qua các thiết bị di động đang ngày càng tăng, trong khi con số dành cho những loại hình truyền thông truyền thống, trong đó có truyền hình qua TV, đang giảm mạnh.

Từ xu hướng trên, các nhà lãnh đạo của hai nhà mạng di động hàng đầu nước Mỹ là Verizon và AT&T được cho là đã từ lâu để mắt tới các công ty truyền thông - những người còn đang loay hoay trước bài toán đảm bảo số lượng khách hàng trước xu hướng truyền thông di động đang ngày càng lớn mạnh - và coi đây là cơ hội kinh doanh mới khi mảng kinh doanh cốt lõi là phát triển thuê bao di động có xu hướng chậm lại.

Tuy nhiên, cách tiếp cận với giới kinh doanh truyền thông của hai nhà mạng trên lại có sự khác nhau. Trong khi Verizon có cách tiếp cận khá bảo thủ khi chi tiền mua lại những công ty truyền thông và kinh doanh nội dung trực tuyến đang gặp khó khăn hay đã lỗi thời như Yahoo và AOL với các bản hợp đồng khá "khiêm tốn:" 4,4 tỷ USD mua lại AOL và 4,83 tỷ USD mua Yahoo thì AT&T lại chọn cách tiếp cận mang tính mạo hiểm lớn hơn rất nhiều.

Năm ngoái, AT&T đã chi tới 49 tỷ USD thâu tóm DirecTV để trở thành nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền lớn nhất Mỹ. Và nay, thương vụ mua lại tổ hợp truyền thông Time Warner Inc. với giá trị hơn 85 tỷ USD (và nếu cộng cả điều khoản mua lại toàn bộ cổ phiếu và các khoản nợ của Time Warner Inc thì giá trị hợp đồng lên tới 108,7 tỷ USD) của AT&T được giới phân tích đánh giá là một động thái táo bạo chưa từng có của một hãng viễn thông, nhằm nắm quyền kiểm soát mảng nội dung trực tuyến đang thu hút ngày càng cao số lượng người xem.

AT&T tin rằng đa dạng hóa là "đường sống" của họ: Muốn sở hữu các chương trình truyền hình và cần giữ chặt quan hệ với Time Warner để không bị các đối thủ lớn giành mất. Và việc sở hữu những thương hiệu truyền thông khổng lồ như HBO sẽ hứa hẹn tạo ra những đòn bẩy thúc đẩy giá trị thương hiệu của chính AT&T.

Thêm một lý do nữa khiến AT&T buộc phải quyết định thâu tóm Time Warner, đó là Google. Theo Wired, thế giới công nghệ đang chứng kiến một xu hướng khá thú vị đó là các công ty viễn thông đang chuyển thành các công ty truyền thông và ngược lại các công ty truyền thông cũng lại chuyển mình thành các công ty viễn thông.

Những công ty Internet như Google, Facebook, Amazon và Netflix đang dần trở thành các công ty truyền thông mới. Họ cung cấp một lượng lớn video trực tuyến, đặt ra một mối đe dọa trực tiếp đến truyền hình và phim ảnh truyền thống. Nhưng họ cũng đang phát triển mảng viễn thông, đe dọa vị trí hiện tại của các hãng viễn thông như AT&T và Verizon.

161022144226-att-time-warner-m-1316-2993

Thương vụ AT&T thâu tóm Warner "phủ sóng" tranh luận khắp các báo và kênh truyền hình Mỹ thời gian qua. Ảnh: CNN.

Mới nhất, Google và Facebook đã tài trợ cho các dự án cáp ngầm dưới biển khổng lồ liên kết với những trung tâm dữ liệu của họ. Các hãng này cũng mua cơ sở hạ tầng cáp quang. Facebook xây dựng thiết bị viễn thông mã nguồn mở, Google cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao, Amazon hy vọng sẽ trở thành một nhà cung cấp dịch vụ Internet ở châu Âu.

Khi điều này xảy ra, các công ty viễn thông truyền thống như AT&T buộc phải chiến đấu để chống lại. Điều này có nghĩa là AT&T hay Verizon buộc phải vượt qua thách thức từ giới truyền thông ở phía trước. Hay nói cách khác, họ buộc phải chuyển mình thành những công ty Viễn thông - Truyền thông, vừa là nhà sản xuất vừa là nhà truyền tải nội dung.

Time Warner đang sở hữu những thương hiệu truyền thông "siêu khủng" gồm HBO, CNN, Warner Brothers, DC Comics, TBS, TNT, Cartoon Network và quyền phát sóng với nhiều sự kiện thể thao trực tiếp. Nhưng họ lại không sở hữu Time Warner Cable, một công ty độc lập mà hãng Charter Communications đã mua lại hồi đầu năm nay. Việc trở thành "người một nhà" với AT&T sẽ giúp tổ hợp truyền thông này khỏa lấp thiếu hụt trên. Đó là chi tiết thú vị, "đôi bên cùng có lợi" của thương vụ.

Thâu tóm Time Warner sẽ khiến AT&T trở thành đối thủ lớn của Comcast, chủ sở hữu NBCUniversal, cũng như Verizon, nhà mạng lớn nhất nước Mỹ, các đối thủ đang nổi lên như Netflix, Amazon vả cả những "ông lớn" như Facebook, Google.

Thêm nữa, người dùng lo ngại phí dịch vụ tăng do phần lớn nội dung nằm trong số ít đại gia. Tham vọng của AT&T nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với các nhóm bảo vệ quyền của người tiêu dùng và chống độc quyền. Ủy ban Chống độc quyền Thượng viện Mỹ đã lên kế hoạch tiến hành một buổi điều trần về thỏa thuận sáp nhập vào tháng 11 tới.

>> Di động chiếm 68% lưu lượng Internet toàn cầu

Chi Vy

Ý kiến

()