Chúng ta

Tại sao lại là People Soft?

Thứ hai, 20/8/2007 | 14:28 GMT+7

Dự án chuyển đổi phần mềm nhân sự từ FHRM sang People Soft HCM đã được Ban TGĐ FPT phê duyệt. Tại sao FPT không sử dụng sản phẩm “của nhà trồng được” là FPT.iHRP mà lại xa xỉ mua một sản phẩm đắt tiền khác? FPT.iRHP đã hết thời hay vẫn là trào lưu “sính hàng ngoại”?


Góc nhìn của nhà tư vấn phần mềm về việc sử dụng hệ quản trị nhân sự.

People Soft là sản phẩm phần mềm nhân sự rất nổi tiếng trên thế giới – điều đó không thể chối cãi. (Hiện nay trên thị trường HRIS thế giới, có 3 hãng chiếm 60% thị phần là Oracle (26%), SAP (24%) và Kronos (10%). Riêng hãng Oracle có 2 sản phẩm là Oracle HCM và PeopleSoft HRMS, trong đó PeopleSoft được đánh giá cao).

Nhưng việc áp dụng phần mềm People Soft vào FPT có phải là lựa chọn tối ưu, phù hợp với chế độ chính sách của FPT trong giai đoạn này?

Phần mềm quản lý nhân sự tiền lương FPT.iHRP của FPT là sản phẩm ưu việt với những danh hiệu “Sản phẩm phần mềm ưu việt năm 2007”, “Huy chương vàng sản phẩm phần mềm doanh số cao năm 2006, 2007”… Không ít tập đoàn kinh tế lớn tại Việt Nam cũng đã đặc biệt quan tâm đến FPT.iHRP. FPT đã triển khai phần mềm này cho rất nhiều khách hàng lớn như: Sony Việt Nam, Vietsovpetro, Prudential, Manulife, BAT Việt Nam, BOT Phú Mỹ 3, Libery, Muto, Ngân hàng ACB, ngân hàng Phương Đông, Dệt may Thành Công …sau khi những công ty này áp dụng các phần mềm của nước ngoài trong đó có People Soft nhưng nhận thấy không phù hợp.

Hiện tại quy trình quản lý và chế độ chính sách nhân sự tiền lương tại Việt Nam hoàn toàn khác so với các nước trên thế giới. Đó là lý do khiến các tập đoàn lớn như: Sony Việt Nam, Vietsovpetro, Prudential, Manulife, BAT Việt Nam, BOT Phú Mỹ 3, Libery, Muto…khi đến Việt Nam đã chọn chương trình quản trị nhân sự tiền lương FPT.iHRP mặc dù ở nước ngoài các công ty này vẫn sử dụng các phầm mềm quản lý nhân sự như SAP, People Soft… Công ty Ford Việt Nam, sau nhiều năm sử dụng phần mềm People Soft, đã tìm đến FPT.iHRP để thay thế. Và hầu như chưa có một đơn vị nào triển khai phân hệ quản lý tiền lương tại Việt Nam (phần tiền lương là 1 trong 4 phân hệ chúng ta sẽ triển khai trong giai đoạn 1). FPT cũng chưa có quy trình đánh giá việc People Soft không thực hiện được công việc tích hợp các phân hệ như tiền lương và bảo hiểm, dẫn đến việc sẽ phải thực hiện các công đoạn này bằng tay.

Vấn đề giá cả cũng là chuyện đáng bàn. Chi phí mà FPT phải trả cho Oracle trong việc mua People Soft lên đến USD355K, con số này sẽ tăng theo tỷ lệ thuận với số nhân viên của FPT trong thời gian tới. Trong khi đó, giá bán của FPT.iHRP cho khách hàng chỉ từ USD 20 - 30K.

Kinh nghiệm triển khai cũng là một yếu điểm mà People Soft sẽ gặp phải. Một phần mềm nhân sự lần đầu tiên triển khai ở Việt Nam sẽ là thách thức mà các nhà hoạch định chiến lược phải xem xét tới.

Việc triển khai một chương trình mới như People Soft cho gần 8.000 nhân viên FPT không phải là công việc đơn giản. Nhân sự của một công ty chưa bao giờ phải phụ thuộc hoàn toàn theo chuẩn quốc tế nên “toàn cầu hóa” trong việc này cũng chưa thật cần thiết. Nếu đó là sự học hỏi, tích nhặt những tinh hoa của thế giới để ngày một hoàn thiện sản phẩm của mình thì theo tôi, sẽ là lối thoát hay. Việc lựa chọn giải pháp hay của People Soft, từ đó cải tiến chương trình quản trị nhân sự tiền lương FPT.iHRP để triển khai sao phù hợp với quy mô của FPT, thích ứng với đặc thù của Việt Nam, xét nghĩ là phương án khả dĩ nhất cho chúng ta lúc này.

Tốn kém, phức tạp, góp phần bài xích chính sản phẩm của mình, theo tôi, đó là hệ quả của lối “sính ngoại” không cần thiết.

Ý kiến

()