Nguyễn Hà Đông là khách mời trong buổi giao lưu trực tuyến trên Facebook ĐH Trực tuyến kiểu FUNiX tối ngày 17/8. Anh đã dành thời gian gần 1,5 giờ để trả lời câu hỏi của người học FUNiX về lập trình, game di động và những bước khởi đầu khi làm công nghệ.
Anh Nguyễn Hà Đông xuất hiện trên sóng livestream với hình ảnh camera được làm mờ chỉ còn những chấm pixel. |
Trong cuộc trò chuyện, Nguyễn Hà Đông thẳng thắn thừa nhận anh rất khó làm việc với người khác. Công ty dotGear do anh sáng lập từng tuyển 6 người nhưng rồi do tính cách đó nên hiện giờ anh không tuyển dụng mà chỉ hợp tác với các công ty khác.
Anh Đông cho rằng bạn trẻ bắt tay vào làm ứng dụng hiện nay có nhiều thuận lợi, không có rào cản lớn bởi có rất nhiều công cụ mạnh để có thể làm các ứng dụng, game, thậm chí là miễn phí.
Từ quan sát của Hà Đông, anh cho rằng khu vực châu Á có điểm mạnh về sản xuất nội dung như phim ảnh, hoạt hình, truyện tranh. Còn phương Tây mạnh hơn về sản xuất các platform (nền tảng) có thể tạo ra những chợ ứng dụng lớn như AppStore, Amazon. "Tôi nghĩ các bạn nên tận dụng thế mạnh này để bắt đầu với việc làm content (nội dung). Công cụ sản xuất không đắt, không mất nhiều thời gian để nghiên cứu cách sử dụng", anh Đông nói.
Ngoài câu hỏi về chuyện khởi sự trong ngành công nghệ, Flappy Bird vẫn là chủ đề được người tham gia quan tâm khi trò chuyện cùng Hà Đông. Anh cho biết trò chơi này là một trong một loạt minigame mà anh sản xuất để tăng động lực làm việc trong những dự án lớn.
"Trước đây, tôi làm nhiều dự án lớn, mất rất nhiều tháng để hoàn thành các dự án đó và trong quá trình đó thì người ta dễ mất đi động lực để hoàn thiện. Do đó, tôi chọn làm những dự án nhỏ hơn, làm một loạt minigame, trong đó có Flappy Bird", anh Đông chia sẻ.
Trong quá trình làm game, Hà Đông gặp một trong điều khó nhất là làm thế nào để nhân vật sinh động, đủ để người dùng nhận biết ý đồ của nhân vật như đang cầm phi tiêu, đang quay đầu... trong khi chúng chỉ là những pixel bé con.
Trước câu hỏi về quyết định gây ngỡ ngàng của Hà Đông, gỡ bỏ trò chơi trên kho ứng dụng trong thời điểm Flappy Bird vẫn đang nổi như cồn, tác giả cho biết nếu chọn lại có thể anh đã không làm tương tự vì... "mọi người quên nhanh lắm".
Anh Đông nêu lên thực tế: "Vòng đời của game thường chỉ khoảng 3-6 tháng là tối đa. Có nhiều game còn ngắn hơn, chỉ vài tuần. Chẳng cần gỡ đi làm gì vì rất mất thời gian". Chính vì vậy, Hà Đông cho rằng anh có thể hồi sinh nhân vật trong game nhưng nguyên bản của trò chơi thì không.
>> Chị Chu Thanh Hà chia sẻ về khởi sự trong lòng doanh nghiệp
Kim Ngân
Ý kiến
()