Chúng ta

Người dùng Facebook ‘cô đơn và dễ tức giận’

Thứ tư, 11/11/2015 | 10:19 GMT+7

Sau khi ngôi sao Instagram người Australia Essena O’Neill quay lưng với mạng xã hội, một nghiên cứu mới nhất từ Viện nghiên cứu hạnh phúc (Happiness Research Institute) của Đan Mạch đã chỉ ra rằng những người không dùng mạng xã hội hạnh phúc hơn những người khác. 

Nghiên cứu này dựa trên 1.095 người Đan Mạch được chia làm hai nhóm. Một nhóm vẫn tiếp tục dùng Facebook và nhóm còn lại thì ngừng mạng xã hội này. “Chúng tôi tập trung vào Facebook vì đây là mạng xã hội có nhiều người dùng ở nhiều độ tuổi khác nhau nhất”, Meik Wiking, CEO của Viện nghiên cứu hạnh phúc cho hay.

Sau một tuần, những người không còn dùng Facebook nữa nói rằng họ thỏa mãn với cuộc sống của mình. 88% số này dùng từ “hạnh phúc” để diễn tả trạng thái của mình. Trong khi con số này ở nhóm còn lại là 84%. 84% người trong nhóm thứ nhất cho biết họ hài lòng với cuộc sống của mình và 75% là của nhóm vẫn tiếp tục dùng Facebook. Chỉ 12% trong nhóm dừng Facebook nói rằng họ không hài lòng với cuộc sống của mình trong khi con số này là 20% ở nhóm thứ 2.

face-3067-1447172460.jpg

Những người không dùng Facebook cảm thấy thỏa mãn với cuộc sống của mình hơn. 

Một điều thú vị là thời điểm khảo sát gần kết thúc, các nhà nghiên cứu khi phỏng vấn các thành viên đã phát hiện ra rằng những người không dùng Facebook có cuộc sống xã hội phong phú và ít bị xao nhãng hơn. Trong khi với nhóm vẫn dùng Facebook thì cuộc sống của họ không có gì thay đổi. Nghiên cứu chỉ ra rằng người dùng Facebook có đến 39% cảm thấy không được hạnh phúc bằng nhóm còn lại.

“Facebook làm méo mó nhận thức của chúng ta về thực tại cũng như đời sống thật sự của mọi người xung quanh. Chúng ta tham gia mạng xã hội để xem mình đang làm gì trong cuộc sống bằng cách so sánh với những người khác. Và vì đa phần mọi người chỉ chia sẻ những thứ tích cực trên Facebook khiến chúng ta có cái nhìn sai lệch với những điều diễn ra thật sự trên thực tế”, Wiking giải thích.

“Nếu chúng ta luôn luôn đăng tải những tin tốt đẹp, chúng ta có nguy cơ đánh giá cuộc sống của mình chưa được đúng lắm. Tất nhiên Facebook và mạng xã hội cũng có những mặt lợi ích tích cực nhưng tôi nghĩ điều thật sự cần phải quan tâm là ảnh hưởng của việc nhận thức được sự thật. Dòng chảy của những tin tức hay ho và tuyệt vời mà chúng ta thấy trên Facebook chỉ thể hiện cho 10% những gì đang xảy ra với cuộc sống của mọi người. Nó không nên được sử dụng như một nền tảng để đánh giá cuộc sống của chúng ta”, Wiking nói thêm.

essena-1492-1447172461.jpg

Những bức ảnh long lanh trên mạng xã hội đã giúp Essena nổi tiếng nhưng cũng chính nó khiến cô cảm thấy mệt mỏi và tội tệ. 

Nghiên cứu này ra đời khi mẫu teen người Australia Essena O’Neill đóng trang mạng xã hội của mình sau khi trải qua những ngày tháng mệt mỏi với thế giới ảo của một người nổi tiếng trên mạng. Cô gái này sở hữu gần một triệu người hâm mộ trên Instagram, nửa triệu người theo dõi trên Twitter, hơn 250.000 người đăng ký theo dõi Youtube và lượng xem trên Snapchat cũng vượt con số 60.000.

“Tôi đã tạo ra một trạng thái tâm lý người nổi tiếng hoặc một khái niệm nổi tiếng cho bản thân trên mạng. Tôi muốn dừng lại nó ngay bây giờ. Tôi đã tạo ra một hình mẫu cho chính mình mà tôi nghĩ là không ai khác cảm thấy họ có thể đạt được đến nó. Nhiều người nhìn tôi ở đấy như một người mẫu chuẩn mực, số khác thì cho rằng đây là một “con người hoàn hảo”. Song tất cả chỉ là giả tạo”, cô gái 18 tuổi chia sẻ.

>> Instagram khiến cuộc đời tôi tồi tệ

Yến Nhi (theo News Australia)

Ý kiến

()