Hồi đầu năm nay, Google Cloud mua lại AppSheet - một nền tảng low-code xây dựng ứng dụng (app) trên di động. Đến giữa năm, Microsoft ra mắt Project Oakdale - nền tảng low-code cho phép người dùng xây dựng và quản trị PowerApps trên Microsoft Teams. Trước đó, giới cầm quyền thành phố New York cũng chỉ mất vỏn vẹn 72 giờ để hoàn thiện cổng thông tin trực tuyến về Covid-19 nhờ vào nền tảng mã thấp từ Unqork.
Có thể thấy, bên cạnh làn sóng doanh nghiệp đổ xô lên “mây”, xu hướng app low-code đang được nhiều “ông lớn” CNTT dòm ngó vì chúng đáp ứng tính linh hoạt cao, mất ít thời gian và áp dụng được ngay. Không yêu cầu bộ mã dài dòng, lập trình viên chỉ cần một lượng mã hóa nhất định là có thể tạo ra một ứng dụng hợp ý. Riêng nền tảng no-code, người dùng không cần soạn thuật toán nhưng vẫn cho ra một app hoàn chỉnh.
Gartner dự đoán đến năm 2024, phong trào xây dựng app bằng low-code sẽ đạt xấp xỉ 65% số lượng app đang lưu hành và hơn 60% công ty lớn sẽ phát huy mô hình này rộng rãi trong hệ thống doanh nghiệp. Forrester nhận định thị trường nền tảng low-code tăng trưởng thường niên ở mức 40%, chạm mốc 21,2 tỷ USD đến năm 2022 (tăng từ mức 3,8 tỷ USD của năm 2017).
“Đi tắt - đón đầu” với low-code/no-code. |
Bước qua Covid-19
Sáng kiến về cách thức giản lược khâu lập trình khi làm app bắt nguồn từ mô hình RAD (Phát triển ứng dụng nhanh) do James Martin công bố vào năm 1991. Ông dựa vào các nghiên cứu trước đó của Barry Boehm về mô hình xoắn ốc (spiral model), mô hình thác nước (waterfall model) để tìm ra một phương pháp mới cho việc viết app với tốc độ nhanh hơn và dễ dàng tùy chỉnh.
Những giá trị từ mô hình RAD cũng được tìm thấy trong nền tảng low-code/no-code như ngày nay. Hàng vạn dòng lệnh phức tạp đều được tự động hóa để các nhà phát triển app tiết kiệm thời gian khi xây dựng giao diện, dữ liệu, logic một cách trực quan, hiệu quả.
“Với doanh nghiệp lâu năm, mỗi thay đổi nhỏ trong hệ thống cũng ảnh hưởng liên đới tới các bộ phận khác. Cho nên, giảm thời gian chờ bằng các giải pháp số hóa là cần thiết”, ông Raghunandan Dixit - GĐ Giải pháp & Tăng trưởng Persistent Systems, đánh giá, “điều này đặc biệt đúng với cuộc đua vượt qua Covid-19”.
Trong điều kiện toàn bộ người lao động phải làm ở nhà/làm từ xa (WFH), Rockwell - nhà cung cấp giải pháp tự hành, cho biết họ đang dùng nền tảng mã thấp từ Microsoft để huấn luyện 23.000 nhân viên trở thành các kỹ sư phần mềm low-code. “Là một phần của lộ trình chuyển đổi số, chúng tôi kỳ vọng toàn bộ nhân viên đều được trang bị kiến thức về lập trình để họ làm chủ chất lượng công việc bằng công nghệ”, Chris Wagner - Kiến trúc sư phân tích của hãng, đã viết trên Microsoft Blog.
Còn với Mphasis - hãng dịch vụ CNTT có trụ sở tại Bangalore (Ấn Độ), tiết lộ rằng họ vừa hoàn thiện một app low-code mang tên “Employee Outreach” với khả năng theo dõi sức khỏe và giải quyết phàn nàn từ 26.000 nhân viên trên toàn cầu. Họ xác định bất kỳ phương án cải tiến nào gọn, nhẹ, triển khai nhanh đều được đem ra thử nghiệm để giữ doanh nghiệp không tuột dốc trong thời kỳ khó khăn lúc này.
Rahul Ranjan - Nhà điều hành LeapLearner - công ty về công nghệ giáo dục, khẳng định rằng low-code đang thay đổi định nghĩa về một lập trình viên chuyên nghiệp. “Không cần bằng cấp, một người có tư duy toán học và những kỹ năng logic máy tính vẫn đủ điều kiện trở thành lập trình viên”, ông cho hay.
Trong quá trình đó, những nhà cung cấp dịch vụ low-code/no-code sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, giảm tồn đọng, và hơn hết là hạn chế phụ thuộc vào nguồn nhân lực kỹ sư IT vốn đang khan hiếm. Với đà đi lên của xu hướng này, Harvard Business Review nêu rõ, 52% trong số 450 chuyên gia được khảo sát, tin rằng việc triển khai low-code sẽ hỗ trợ những nhà lãnh đạo công ty có thể nghĩ ra các ý tưởng độc đáo mới cho sản phẩm.
Mô hình làm app đại chúng
Ngoài low-code, nền tảng no-code không yêu cầu người dùng hiểu biết về ngôn ngữ lập trình nhưng vẫn tạo ra app chỉ bằng vài đường trỏ chuột trên giao diện. Do đó, tờ Techcircle đã đặt tên gọi mới cho mô hình no-code là “Citizen Developers” (Những nhà phát triển phổ thông).
Ngài Amit Zavery - TGĐ kiêm VP Google Cloud chia sẻ, việc đơn giản hóa quy trình làm app thực chất đã có từ lâu nhưng lại giới hạn bởi chính nhà cung cấp. Tức nghĩa rằng người dùng sử dụng dịch vụ tạo app của công ty nào thì app đó chỉ xài được trên nền tảng của doanh nghiệp đó. Vì vậy, no-code đã phá vỡ lối cũ, cho phép các app làm ra được vận hành đa nền tảng và có nhiều giá trị hơn.
“No-code sẽ là thế hệ tiếp theo của sự phát triển về công nghệ”, ông Zavery lập luận và so sánh tiềm năng giữa nền tảng mã thấp và phi mã hóa. “Nếu low-code vẫn cần một nhóm chuyên gia IT để quản lý thì khi bạn chẳng biết gì vẫn có thể dùng no-code”.
Nhưng nếu không cần lập trình viên nữa, họ sẽ đi đâu? Chia sẻ với tờ CNBC, các nhà quản lý cho biết vai trò của coder hay developer sẽ không mất đi. Ngược lại, họ đảm nhận thêm nhiều nhiệm vụ đòi hỏi chuyên môn hóa cao và song hành cùng low-code/no-code.
“Khi tỷ lệ người dùng AppSheet tăng cao, chúng tôi vẫn cần đội ngũ duy trì chất lượng cơ sở hạ tầng và dòng chảy dữ liệu”, CEO Google Cloud tái khẳng định, “và kỹ sư phần mềm sẽ làm tốt chuyện đó”. Đồng thời, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phần mềm cũng hưởng lợi vì vẫn đảm bảo sản phẩm cho khách hàng khi số lượng chuyên gia IT còn hạn chế.
Unqork hiện có hơn 2.000 nhân viên được cấp chứng nhận đủ khả năng làm app trên nền tảng SaaS của họ. Đại diện của Unqork chia sẻ, tốc độ đào tạo nhân viên nhập môn chỉ mất từ 1 đến 3 tuần. Sau 3 tháng, họ sẽ nắm vững toàn bộ lý thuyết và nguyên lý sử dụng nền tảng low-code của công ty và bắt đầu kiếm tiền.
“Mọi người có thể học lập trình bằng ngôn ngữ Java trong 10 năm nhưng chưa chắc thành thạo tuyệt đối”, Alex Schmelkin - CMO Unqork cho hay và ông ủng hộ việc chuyển đổi sang dùng các nền tảng low-code để doanh nghiệp đi nhanh hơn.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của hàng loạt nền tảng low-code/no-code chỉ mới vừa khởi xướng trong vài năm gần đây. Như một "chú ngựa ô", mã thấp và phi mã hóa tuy còn sơ khai, chưa gây nhiều ấn tượng nhưng giàu tiềm năng phát triển, thúc đẩy doanh nghiệp bước chân vào lộ trình chuyển đổi số toàn diện. Vì vậy, sự hoàn thiện và độ tinh tế của hai mô hình công nghệ này cần thêm thời gian để thuyết phục doanh nghiệp và người dùng toàn cầu sử dụng mạnh mẽ trong tương lai. Khi đó, những công ty vừa và nhỏ có thể tận dụng ưu thế của chúng để chuyển mình trên thương trường.
>> Điện toán biên là bệ phóng cho 5G
Đình An
Ý kiến
()