Chúng ta

Kỳ lân WeWork dừng IPO khi nhà đầu tư quay lưng

Thứ ba, 1/10/2019 | 09:55 GMT+7

Trước sự e ngại của các nhà đầu tư, WeWork vừa hủy kế hoạch IPO. Trước đó vài ngày, CEO cũng đã từ chức.

Theo The New York Times, WeWork đã quyết định dừng kế hoạch chào bán công khai ra công chúng vào ngày 30/9, vài ngày sau khi CEO nộp đơn từ chức khi không chịu nổi áp lực.

wework-ipo-9139-1569897733.jpg

WeWork đang phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ trong công ty và sự e ngại của giới đầu tư. Ảnh: Image

Cách đây ít tuần, WeWork vẫn được xem là một trong những công ty khởi nghiệp có giá trị nhất thế giới, được định giá tới 47 tỷ USD. Chỉ trong một tháng, giá trị vốn hóa của doanh nghiệp này đã bốc hơi 37 tỷ USD, chỉ còn vỏn vẹn 10 tỷ USD và được dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm nặng nề hơn nữa.

Giới đầu tư đã chùn bước trước cổ phiếu này, trong bối cảnh doanh nghiệp đã lỗ hàng tỷ USD và không nhìn thấy triển vọng lợi nhuận. “Chúng tôi đã quyết định hoãn đợt chào bán công khai để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty”, ông Artie Minson và Sebastian Gunningham, đồng giám CEO của WeWork, cho biết trong thông cáo.

Minson và Gunningham đã nắm quyền điều hành công ty vào tuần trước sau khi Adam Neumann, người đồng sáng lập của công ty, nộp đơn từ chức. Thông tin về vụ việc này vẫn đang được tiếp tục cập nhật.

Những rắc rối của WeWork bắt đầu khi công ty nộp hồ sơ xin phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO). Thống kê tài chính của WeWork cho thấy trong năm 2016, công ty này đạt doanh thu 436 triệu USD nhưng lỗ 429 triệu USD. Năm 2017, doanh thu tăng lên 886 triệu và lỗ vọt lên tới 890 triệu USD. Đến năm ngoái, WeWork thu về 1,8 tỷ USD và lỗ 1,6 tỷ USD.

Tình hình năm 2019 không có gì khả quan hơn. Trong 6 tháng đầu năm, WeWork lỗ khoảng 1,3 tỷ USD với doanh thu 1,5 tỷ USD. Đến khi đó, giới đầu tư mới giật mình nhận ra tình trạng kinh doanh tệ hại của WeWork.

Trước cuộc khủng hoảng, WeWork được đánh giá là một trong những start-up hàng đầu Mỹ. Được thành lập năm 2010, công ty có trụ sở ở thành phố New York. Khác với các công ty văn phòng truyền thống, WeWork đi theo mô hình văn phòng chia sẻ.

“Một bài học được rút ra từ vụ WeWork là các nhà đầu tư không thông minh như họ nghĩ”, Slate bình luận. Tờ Business Insider cũng nhận định: “Mô hình kinh doanh của WeWork sai ngay từ đầu. Công ty này còn hoạt động nhờ các nhà đầu tư vẫn đủ ngu ngốc để đổ tiền vào nó”.

Có trụ sở tại New York, công ty này ra đời vào năm 2010 với tên WeWork bởi Adam Neumann và Miguel McKelvey. Hiện công ty mẹ The We Company đang cung cấp dịch vụ văn phòng chia sẻ tại hơn 100 thành phố trên khắp thế giới và là một trong những công ty chưa niêm yết giá trị nhất tại Mỹ. Sau nhiều vòng gọi vốn, tính tới đầu tháng 1/2019, công ty này được định giá 47 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra quan ngại về tính bền vững của hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu. Trong hồ sơ IPO, WeWork cũng đề cập tới tác động của các yếu tố như sự suy giảm của thị trường cho thuê văn phòng, không đàm phán được điểm thuê vừa ý hay việc duy trì các thành viên hiện tại, tới hoạt động kinh doanh.

The We Company, cũng giống như nhiều công ty công nghệ khác, gồm Facebook, Snap, và Lyft, đưa ra cấu trúc cổ phiếu phức tạp để đảm bảo người sáng lập có quyền kiểm soát lớn hơn với các quyết định của công ty. Trong cáo bạch IPO, công ty này cho biết người sáng lập, CEO Adam Neumann sẽ sở hữu hoặc kiểm soát hơn 50% quyền biểu quyết và nhờ đó "hạn chế khả năng các cổ đông khác can thiệp vào hoạt động của công ty".

Sau gần 10 năm hoạt động, WeWork đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác bên cạnh dịch vụ chia sẻ văn phòng, bao gồm chia sẻ không gian sống (WeLive), trung tâm thể thao và chăm sóc sức khỏe (WeRise) và giáo dục (WeGrow). Tháng 1/2019, công ty đổi tên thành The We Company, trở thành công ty mẹ cho các mảng kinh doanh trên.

>> Amazon đưa trợ lý ảo Alexa vào lò nướng, tai nghe và kính

Hải Ninh

Ý kiến

()