Chúng ta

Khởi nghiệp giúp săn tài năng công nghệ 'ăn nên làm ra'

Chủ nhật, 3/2/2019 | 08:00 GMT+7

Nhờ lấp khoảng trống trong mảng tuyển dụng nhân tài lĩnh vực công nghệ, GetLinks đang gặt hái thành công ở thị trường ngách nhưng rất sôi động nhờ xu hướng chuyển đổi số.

Khi nhà phát triển ứng dụng Sattha Puangput muốn chuyển từ công ty khởi nghiệp sang vị trí mới, anh đã đăng CV (hồ sơ) lên GetLinks, trang web giúp kết nối chuyên gia công nghệ với các công ty tìm kiếm nhân lực chất lượng cao ở mảng này, Reuters mô tả.

Screen-Shot-2019-02-02-at-14-5-8404-9908

GetLinks gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2016. 

Chỉ trong vài ngày, anh nhận được hàng loạt cuộc gọi phỏng vấn và cuối cùng chọn công việc tại chuỗi siêu thị Tesco Lotus. Anh sẽ phát triển một ứng dụng Android thông qua Kotlin, ngôn ngữ lập trình dựa trên Java nhưng cần ít câu lệnh hơn và giúp ứng dụng phát triển hiệu quả hơn.

Hiểu biết về ngôn ngữ mới và các công cụ lập trình giúp phần mềm được thiết kế nhanh hơn và các nhà phát triển dễ dàng làm việc với nhau hơn. Mô hình kinh doanh của GetLinks khá đơn giản. Các ứng viên tìm kiếm việc làm có thể đăng ký, sau đó chỉ những ứng viên giỏi nhất trong nhóm ứng viên mới được chọn để phỏng vấn. Những công ty công nghệ được lựa chọn có thể truy cập vào nhóm ứng viên, và họ sẽ phải trả tiền cho GetLinks với mỗi ứng viên tuyển dụng thành công.

Khách hàng tin rằng sự khác biệt ở GetLinks là trang này tập trung vào tìm kiếm những kỹ năng cụ thể như phát triển phần mềm và ngôn ngữ lập trình như Flutter và Docker, chứ không đơn thuần chỉ là lập trình chung chung, để đáp ứng nhu cầu của các công ty công nghệ đang phát triển mạnh ở châu Á và cả các doanh nghiệp truyền thống gặp khó khăn trong việc tuyển dụng chuyên gia công nghệ họ cần.

Năm ngoái, 'gã khổng lồ' công nghệ Trung Quốc là Alibaba cùng Siam Cement Group của Thái Lan và công ty chuyên hỗ trợ tuyển dụng SEEK Group của Australia đã tham gia vào một vòng gọi vốn của GetLinks tại Bangkok, giúp công ty này nhận được khoản đầu tư lên tới hàng chục triệu USD, nhà đồng sáng lập 26 tuổi gốc Pháp - Djoann Fal cho biết.

1-UY53rVHvsIrys7bXUKEZXQ-5214-1549095879

"Khoản tiền đầu tư mới sẽ giúp GetLinks phát triển chi nhánh tại Indonesia, Malaysia, Trung Quốc và Đài Loan", nhà đồng sáng lập Djoann Fal (giữa) nói. Ảnh: Reuters.

Sattha Puangput, 30 tuổi, cho biết anh đã thử tìm công việc mới ở các trang tuyển dụng khác, nhưng không thể kiếm được công ty cần đến kỹ năng đặc thù của bản thân. “Thông thường, quá trình tìm việc rất mất thời gian, nên tôi thực sự ấn tượng với GetLinks”, Sattha nói. “Cơ hội việc làm đến nhanh chóng và có nhiều lựa chọn tốt”.

Đến nay, GetLinks đã hoạt động được 3 năm và tạo cơ hội làm việc cho hơn 1.000 ứng viên tại các công ty như Tencent, Ngân hàng thương mại Siam (Thái Lan) và Traveloka, khởi nghiệp về du lịch của Indonesia, Fal nói.

"GetLinks là một “nền tảng tốt” giúp kết nối công ty với ứng viên, nhưng có thể gặp khó khăn trong việc tuyển dụng các nhà quản lý giàu kinh nghiệm", Punyanuch Sirisawadwattana, Giám đốc công ty tuyển dụng Robert Walters ở Thái Lan, cho biết.

Các công ty có thể mất ứng viên giỏi nếu không có một bên trung gian với “kỹ năng mềm” cần thiết có thể đứng ra thương lượng vấn đề nhạy cảm như lương, thưởng, điều mà nền tảng công nghệ chưa thể giải quyết ngay được.

Theo Fal, sự bùng nổ nhu cầu chuyên môn công nghệ tại châu Á là điều kiện tốt để trang web này phát triển. “Quá trình số hóa mà chúng ta thấy ở châu Âu đang diễn ra tại đây, ngay bây giờ”, ông nói.

Các ông lớn công nghệ tại Trung Quốc và công ty khởi nghiệp như Grab và Go-Jek đã mở rộng mạnh mẽ các mảng thanh toán kỹ thuật số và thương mại điện tử, thúc đẩy nhu cầu lập trình viên, nhà thiết kế và quảng cáo kỹ thuật số.

Một nghiên cứu của Google và Temasek từ tháng 11 dự báo nền công nghiệp Internet tại Đông Nam Á sẽ đạt 240 tỷ USD vào năm 2025, gấp 5 lần con số dự đoán năm 2016 do tăng kết nối điện thoại.

web-developer-thailand-1024x68-7092-4777

CEO và sáng lập của GetLinks cho biết ngành công nghệ ở châu Á đang bước vào giai đoạn cực thịnh, hầu như các công ty khởi nghiệp, tập đoàn, chính phủ đều muốn đầu tư vào công nghệ. Sự phát triển của ngành đòi hỏi một khối lượng lớn các nhân tài trong lĩnh vực này, tuy nhiên một “kho” các nhân sự cung cấp cho công nghệ lại thiếu. Do đó, GetLinks mở ra nhằm cung cấp những nhân sự công nghệ phù hợp với một mức giá phải chăng, Djoann nói.

SEA, kỳ lân trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ Đông Nam Á nổi tiếng trong lĩnh vực xuất bản trò chơi điện tử, “con cưng” của Tencent, đã sử dụng GetLinks để tuyển dụng. “Cái hay của hệ thống này là chúng ta có thể xem hồ sơ của ứng viên và liên hệ trực tiếp với họ”, Anyarin Teerachawansith, quản lý tuyển dụng tại SEA Thái Lan, cho biết.

SEA đã tuyển được hơn 10 người trên khắp các chi nhánh tại Thái Lan, từ nhân viên phát triển toàn hệ thống tới chuyên gia tối ưu hóa công cụ tìm kiếm. Tuy nhiên, Anyarin nói công ty vẫn chủ yếu tuyển dụng qua mạng lưới nội bộ, ứng viên được giới thiệu và hãng chuyên "săn nhân sự".

Theo Reuters, GetLinks tính phí cho các công ty bằng 15% lương năm đầu của ứng viên, hoặc phí theo tháng từ 1.000 USD cho 2 ứng viên mỗi tháng đến 10.000 USD để tuyển không giới hạn.

"Các doanh nghiệp truyền thống muốn đầu tư vào chuyển đổi số và công nghệ tiên tiến đều đánh giá cao GetLinks", Fal nói. Một trong các công ty đó là tập đoàn công nghiệp lớn nhất Thái Lan, Siam Cement Group, đã tự phát triển quá trình số hóa từ năm 2017.

“Chúng tôi còn mới và muốn gia nhập thị trường”, Joshua Pas, Giám đốc Chuyển đổi số và Công nghệ doanh nghiệp của Siam, cho biết. Tập đoàn này đã tuyển người qua đội tuyển dụng riêng, nhưng cũng tìm được tài năng công nghệ nhờ GetLinks, Pas nói. Cho đến nay, công ty đã có 20 vị trí được tuyển vào nhờ GetLinks.

Sự hỗ trợ từ GetLinks hiệu quả đến mức chi nhánh của Siam, một công ty đầu tư cũng do Pas đứng đầu, quyết định đầu tư cho công ty khởi nghiệp này. Lý do là quá trình tìm kiếm nhân tài đôi lúc khiến hoạt động doanh nghiệp bị đình trệ, và nhu cầu tuyển dụng còn tăng cao.

>> Forbes bật mí 10 xu hướng chuyển đổi số năm 2019

Chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số, bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty… Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.

Chuyển đổi số cho các khách hàng, đưa các công nghệ mới như AI, Big Data, IoT... vào mọi lĩnh vực như giao thông thông minh, y tế thông minh, chính phủ số, ngân hàng số… là những bài toán chiến lược đang được FPT tập trung giải quyết, với mục tiêu 10 năm tới FPT sẽ là tên tuổi về chuyển đổi số tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Hải Ninh

Ý kiến

()