“Năm nay, dòng tiền rót vào trung tâm dữ liệu (Data Center - DC) không phải là ưu tiên của doanh nghiệp cũng là điều dễ hiểu”, Naveen Mishra - GĐ nghiên cứu cấp cao tại Gartner - nhận định. “Nhưng đây chỉ là sự gián đoạn tạm thời. Những hoạch định mở rộng các DC sẽ được tiếp diễn vào năm tiếp theo”.
Hãng nghiên cứu nêu, 60% kế hoạch chi tiêu dành cho DC năm 2020 bị hoãn lại, dẫn tới mức sụt giảm hơn 10% của thị trường này. Phần lớn xuất phát từ sự lao dốc của nhiều lĩnh vực khiến các nhà quản trị cần chú trọng vào sức khỏe doanh nghiệp hơn là nâng cấp hay mở rộng cơ sở hạ tầng DC. Trong đó, nguồn đầu tư lại được chuyển sang cho hạ tầng điện toán đám mây, một mảng dịch vụ thu hút rất lớn sự quan tâm của nhà đầu tư.
Dù vậy, Gartner vẫn cho rằng DC vẫn là hạng mục then chốt trong lộ trình chuyển đổi số để giữ vững mạng lưới giao thông dữ liệu. Làn sóng của dịch vụ điện toán đám mây (cloud) cần vai trò của DC để cam kết tính ổn định, đồng thời việc lưu trữ các cơ sở dữ liệu bằng một kiến trúc vật lý như mô hình các DC là nền tảng phát triển cho hàng loạt công nghệ tiên tiến. Công nghệ càng hiện đại thì lưu lượng dữ liệu càng lớn nên giải pháp phần cứng tại chỗ sẽ góp phần hình thành xương sống cho xu hướng 4.0.
Data Center của FPT Telecom. |
Trung tâm dữ liệu là ‘đòn bẩy’ cho môi trường Cloud
Câu hỏi băn khoăn liệu doanh nghiệp nên thuê máy chủ tại DC hay sử dụng máy chủ cloud luôn là đề tài bàn tán từ năm 2015. Trên Quora, Tejas Ambekar, một chuyên gia SEO tại CloudCodes Softwares, nhận định mô hình cloud linh hoạt hơn vì không tốn chi phí nhân sự quản lý, bảo trì và không giới hạn về lượng máy chủ cần tạo mới.
Còn Sahil Makhija - Nhà nghiên cứu về DC, khẳng định việc sở hữu máy chủ tại DC sẽ tối ưu tính bảo mật cho dữ liệu người dùng vì không có sự can thiệp của bên thứ 3. Giống như việc đi mua nhà, khi khách hàng là người chủ quản thì mọi thay đổi sẽ do họ tự quyết định mà không cần sự cho phép của bất cứ bên nào.
Đây đều là giải pháp lưu trữ dữ liệu, với một bên có thể tùy biến thông qua mạng Internet, do công ty dịch vụ quản lý nên không cần nhân viên vận hành. Phía còn lại thì được nắm quyền vận hành máy chủ và cần người theo dõi thường xuyên. Nhưng có lẽ riêng năm 2020, xu hướng tập trung vào hệ thống DC đành “chùn bước” trước đối thủ cloud khi chi tiêu trên thị trường này giảm mạnh do dịch bệnh.
Theo Bill West, GĐ Cloud Services tại Connectria Hosting, những doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể lựa chọn cloud để tiết kiệm ngân sách, thay vì thuê hẳn máy chủ vật lý tại DC. Các doanh nghiệp dịch vụ như AWS, Microsoft Azure,... đều có riêng các DC dành cho cloud nên sẽ đảm bảo tính ổn định lâu dài cho hệ thống cloud của khách hàng.
Việc cá nhân hóa theo yêu cầu của khách hàng cũng đơn giản hơn với mô hình Private Cloud (mây tư nhân). Doanh nghiệp sẽ có khoảng không gian riêng trên “mây”, đóng vai trò như một máy chủ độc lập dành cho đơn vị và được kết nối 24/7. Cho nên yếu tố này phù hợp với mô hình làm việc từ xa (Work From Home) và mọi công cụ phục vụ cho việc quản trị cũng dễ dàng thao tác trên mạng.
Tuy nhiên, cả cloud và DC sẽ cùng tồn tại trong hệ sinh thái 4.0 mà ở đó cả hai có những sự giao thoa cần thiết để phát triển mô hình mang tên Hybrid Cloud. Lúc này, cả public cloud, private cloud và data center là những hạt nhân bổ trợ, tương tác lẫn nhau để duy trì hệ sinh thái mới, phù hợp với mọi phân khúc khách hàng.
Do đó, Gartner tin rằng sang năm 2021, mức chi tiêu cho các DC vẫn sẽ nằm ở mức cao, tăng 6% với quy mô thị trường đạt 200 tỷ đô. Đồng thời, IDC cho biết, quy mô thị trường điện toán đám mây dự kiến tăng từ 233 tỷ USD năm 2019, lên 295 tỷ USD vào năm 2021, với tỷ lệ tăng trưởng lũy kế thường niên (CAGR) là 12,5%.
Các yếu tố chính thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường bao gồm nhu cầu của các doanh nghiệp hỗ trợ lực lượng lao động từ xa để thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin, các nhà cung cấp dịch vụ đám mây (CSP), các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) và các nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ.
Tại Việt Nam, FPT là đơn vị tiên phong hàng đầu trong việc cung cấp các giải pháp, dịch vụ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo dành cho doanh nghiệp. FPT cũng là đơn vị duy nhất vừa khởi công Trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam với diện tích 10.000 m2 và cung cấp 3.600 Rack - tủ chứa các thiết bị mạng, được thiết kế theo chuẩn Leed Certification - hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh. Trung tâm dữ liệu sử dụng công nghệ Drups mới nhất, đang được áp dụng tại các Data Center hiện đại trên thế giới, không sử dụng ắc quy nên góp phần bảo vệ môi trường và đảm bảo độ tin cậy cao cho các hệ thống điện toán đám mây quan trọng. |
>> AI tăng ‘phi mã’ trong ngành dịch vụ khách hàng
Đình An
Ý kiến
()