Chúng ta

Gần 800 'tay đua' tham gia Cuộc đua số mùa thứ hai

Thứ ba, 28/11/2017 | 16:36 GMT+7

Sau gần một tháng phát động, gần 800 sinh viên (260 đội) đến từ 32 trường đại học trên cả nước đã đăng ký tham gia Cuộc đua số 2017-2018. Sau khi sơ loại, BTC đã chọn 205 đội vào vòng thi trường và các đội sẽ được khám phá công nghệ xe tự hành do FPT tổ chức tại ba miền Bắc, Trung, Nam trong tháng 12.

TP HCM là khu vực có đông thí sinh đăng ký nhất (117 đội), tiếp theo là Hà Nội (102 đội) và Đà Nẵng dù là năm đầu tiên tham gia nhưng cũng đã có lượt thí sinh đăng ký đông đảo (41 đội).

Sau khi tiến hành sơ loại, BTC đã chọn ra 205 đội lọt vào vòng thi trường. Tất cả thí sinh vượt qua vòng sơ loại sẽ được tham gia chương trình tìm hiểu và khám phá công nghệ xe tự hành do FPT tổ chức tại ba miền Bắc, Trung, Nam trong tháng 12.

Ở vòng thi trường, BTC sẽ tổ chức 10 trận thi đấu để tìm ra 20 đội tranh tài tại trận bán kết. Thời gian và thách thức của vòng này được công bố vào ngày 30/11. BTC sẽ chọn ra 10 đội thi xuất sắc tham gia thiết lập xe tự hành tiến vào vòng đấu cuối cùng. 

Gần 800 'tay đua' trên cả nước đăng ký tham dự Cuộc đua số 2017-2018

Gần 800 'tay đua' trên cả nước đăng ký tham dự Cuộc đua số 2017-2018.

Trận chung kết dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 4/2018. Các đội sẽ phải lập trình để xe chạy được trong điều kiện đường không có vạch chỉ dẫn màu trắng cố định mà có vạch không liền mạch và mô phỏng ánh sáng ngoài trời, tránh được chướng ngại vật cố định và tự nhận diện một số biển báo giao thông cơ bản.

Chia sẻ về những thử thách các thí sinh sẽ phải vượt qua trong cuộc thi năm nay, anh Lê Ngọc Tuấn, Trưởng phòng IoTs (Ban Công nghệ FPT), cho biết, khác với cuộc thi năm ngoái, điều kiện ánh sáng sẽ không cố định nữa. Năm nay, điều kiện này sẽ thay đổi theo từng vòng thi, thậm chí là từng đoạn đường khác nhau.

Anh Lê Ngọc Tuấn trao đổi về Cuộc đua số 2017-2018 cùng sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội.

Anh Lê Ngọc Tuấn trao đổi về Cuộc đua số 2017-2018 cùng sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội.

Ngoài ra, đường đi sẽ không đơn thuần là vạch kẻ trắng mà thay vào đó có thể là thảm cỏ hoặc những nền đường giống như điều kiện thực tế. Điều này khiến cho cuộc đua trở nên gay cấn hơn rất nhiều. 

"Đặc biệt, cuộc thi năm nay sẽ có sự xuất hiện của các biển báo giao thông, đặt ra những bài toán mới cho các thí sinh. Xe của các đội sẽ phải được lập trình để phân biệt được các biển báo khác nhau và đi được đúng luật giao thông giống như trong thực tế", anh Tuấn cho biết.  

Theo dõi Cuộc đua số từ những ngày đầu, cô Lê Thị Lan, Phòng Thị giác máy tính viện MICA (ĐH Bách khoa Hà Nội), nhận định, đây là cuộc thi rất bổ ích cho sinh viên và các thầy cô sẽ đồng hành, hỗ trợ về kỹ thuật và chiến thuật cho sinh viên trong suốt quá trình thi. "Cuộc thi không chỉ mang lại cho sinh viên những kiến thức mới như xử lý ảnh, lập trình, trí tuệ nhân tạo… mà còn bổ sung các kỹ năng mềm như làm việc nhóm. Sinh viên đến từ các khoa/ngành khác nhau như CNTT, điện tử viễn thông, cơ điện tử… cũng có thể kết hợp để phát huy thế mạnh của từng cá nhân và cả nhóm", cô Lan nói.

"Công nghệ của Cuộc đua số có thể là mới trên thế giới nhưng không quá khó để sinh viên nghiên cứu và ứng dụng được. Tôi tin rằng, với sự tự tin và nền tảng tốt, sinh viên Việt Nam sẽ nhanh chóng học hỏi công nghệ mới, từ đó ứng dụng để đạt được kết quả tốt nhất trong cuộc thi”, cô Lan nói. 

Lần đầu tiên biết đến Cuộc đua số, Ôn Hồ Đăng Dương, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, xem cuộc thi này là sân chơi quan trọng để thỏa mãn niềm đam mê công nghệ: “Đây là sân chơi trí tuệ, hứa hẹn nhiều khám phá thú vị về công nghệ dù mục tiêu chính vẫn là học hỏi kinh nghiệm”. 

Cuộc đua số mùa thứ hai dự kiến diễn ra từ tháng 10/2017 đến tháng 4/2018. Đây là cuộc thi lập trình công nghệ xe tự hành dành cho tất cả sinh viên đại học trên cả nước. Đề bài của cuộc thi năm nay cũng được nâng cao độ khó so với năm trước. Cụ thể, tại vòng chung kết, các thí sinh sẽ phải lập trình để xe có thể chạy được với điều kiện mô phỏng ánh sáng ngoài trời, nhận diện biển báo giao thông, rẽ trái/phải theo quy định…

Tổng giá trị giải thưởng hơn 4 tỷ đồng. Đội vô địch sẽ được nhận tổng giá trị phần thưởng của các vòng là 450 triệu đồng, trong đó có một chuyến trải nghiệm, tìm hiểu về công nghệ mới tại Nhật Bản trong vòng một tuần và được FPT Software tuyển thẳng vào làm theo lĩnh vực mà cá nhân mong muốn. Tất cả thành viên Top 20 đội xuất sắc của vòng thi trường sẽ được FPT Software tài trợ tham gia khóa học Kỹ sư lập trình nhúng theo chuẩn châu Âu trong vòng 10 tuần trị giá 2.000 USD (bao gồm trợ cấp đào tạo theo tháng, đào tạo lý thuyết, thực hành lab và huấn luyện thực địa tại các dự án về tự động hóa đang triển khai tại FPT Software). Các thành viên vượt qua kỳ thi cuối khóa sẽ được ký hợp đồng trở thành nhân viên chính thức tại FPT Software.

Trước đó, Cuộc đua số 2016-2017 thu hút hơn 500 thí sinh của 26 trường đại học trên cả nước tham dự. Đội MTA Racer của Học viện Kỹ thuật quân sự là nhà vô địch của Cuộc đua số 2016-2017. Tháng 8 vừa qua, 4 sinh viên của đội có hành trình tham quan, trải nghiệm tại Mỹ khi đến thăm Google, Facebook, Tesla và một số công ty công nghệ khác tại Thung lũng Silicon (Silicon Valley), gặp gỡ các chuyên gia công nghệ và đặc biệt trải nghiệm xe tự hành.

Đức Anh

Ý kiến

()