Các gã khổng lồ công nghệ Mỹ vội vã rót tiền vào quốc gia Nam Á. Các ông chủ và những nhà điều hành gồm CEO Mark Zuckerberg của Facebook và CEO Jack Dorsey của Twitter nhanh chóng tới thăm Ấn Độ và có những cuộc hội ngộ chớp nhoáng với Thủ tướng Narendra Modi, tờ CNN viết. Trong khi đó, CEO Sundar Pichai của Google và CEO Satya Nadella của Microsoft đều sinh ra và lớn lên ở Ấn Độ. Cả Nadella của Microsoft và CEO Jeff Bezos của Amazon đều đã có chuyến thăm thứ hai tới đất nước này vào đầu năm nay mang theo nhiều hứa hẹn.
Với các ông lớn công nghệ, thị trường tỷ dân của Ấn Độ quá hấp dẫn và khó để bỏ qua. Ảnh: Delhi Capital. |
Tất cả những gã khổng lồ công nghệ này, cùng với những ông lớn khác như Uber, Netflix đều đã đầu tư hàng tỷ USD vào các hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ, tung ra một số tính năng “đầu tiên tại Ấn Độ” và phiên bản dùng ngôn ngữ địa phương cho các nền tảng. Cạnh đó, những ‘người anh em cùng ngành’ kiêm đối thủ của họ đến từ châu Á như SoftBank, Tencent, Bytedance và Alibaba lại chủ yếu đầu tư thông qua việc rót vốn vào các công ty khởi nghiệp mới nổi và lớn nhất tại Ấn Độ.
Nhưng giờ đây, Ấn Độ đang thực hiện các thay đổi về quy tắc hoạt động tại quốc gia này, khiến cho viễn cảnh của các công ty công nghệ toàn cầu đang cố gắng tìm kiếm lợi nhuận từ thị trường khổng lồ có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong thập kỷ tới. Trong đó, một loạt quy định mới sẽ ảnh hưởng đến các công ty công nghệ lớn - đặc biệt là các công ty nước ngoài đang đầu tư ở Ấn Độ - trong việc thu thập, lưu trữ dữ liệu, bán hàng trực tuyến và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Thậm chí, chính phủ Ấn Độ sẵn sàng cắt internet ở nhiều nơi khắp quốc gia mỗi khi có biểu tình, làm gián đoạn quyền truy cập cơ bản của nhiều người.
Theo CNN, dường như những động thái đó là dấu hiệu cảnh báo mọi thứ đã thay đổi, cả Bezos và Nadella - người gần đây đã chỉ trích dự luật công dân mới đang gây tranh cãi của Ấn Độ, đã công khai vấn đề trên khi gặp Thủ tướng Modi trong chuyến thăm của họ vừa qua. Có vẻ như các ông lớn công nghệ rất khó bỏ qua thị trường hiện có gần 700 triệu người dùng internet này, nhưng việc thắt chặt hạn chế đối với các công ty công nghệ nước ngoài và sự can thiệp sâu của chính phủ trong việc kiểm soát internet đã làm dấy lên mối lo ngại Ấn Độ đang ngày càng có xu hướng kiểm soát gắt gao giống với Trung Quốc.
Tuy nhiên, bất chấp những trở ngại ngày càng tăng, các công ty công nghệ toàn cầu khó có thể ngừng coi Ấn Độ là ưu tiên hàng đầu, chỉ là họ không có đủ khả năng để thay đổi cách mà chính quyền nước này muốn kiểm soát họ mà thôi.
>> Thủ đô Ấn Độ tiên phong cung cấp Wi-fi miễn phí
Hồng Đào
Ý kiến
()