Chúng ta

FPT School - Từ quyết định dạy Code đến ‘Oscar CNTT’

Chủ nhật, 1/12/2019 | 07:00 GMT+7

Thời điểm mạnh dạn đưa kiến thức CNTT vào chương trình giảng dạy - một hành trình đầy thách thức, Ban Giám hiệu FPT School chẳng nghĩ quyết định này sẽ gặt hái thành tựu sớm tới vậy.

Quyết tâm cải cách phương pháp đào tạo trong thời kỳ công nghệ 4.0, Tiểu học và Trung học cơ sở FPT Cầu Giấy đã đưa kiến thức công nghệ vào chương trình giảng dạy. Nhờ đó, chương trình học tập của trường vừa bám sát với chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa kế thừa tinh hoa công nghệ với thế mạnh “của nhà trồng được” từ tập đoàn nhà F.

Học sinh FPT được tiếp xúc với kiến thức khoa học công nghệ từ rất sớm. Ngay cả học sinh lớp 1 cũng được làm quen với các chuyên đề về công nghệ thông tin thông qua dự án học lập trình kéo thả. Từ lớp 2 trở đi, mỗi tuần, các bạn nhỏ đều được học 2 tiết Tin học với chương trình “Coding for Kids” do các chuyên gia đến từ Đại học FPT và Đại học Greenwich Việt Nam thiết kế.

Không thể không nhắc đến Coding - Bộ môn Công nghệ lập trình bắt đầu được giảng dạy cho học sinh cấp THCS của nhà trường từ năm học 2019 - 2020. Coding là môn học hội tụ đầy đủ 4 lĩnh vực đào tạo của phương pháp STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) - phương pháp được đưa vào giáo trình đào tạo cho học sinh nhà F cũng từ năm nay.

Được lồng ghép trong môn Tin học ở mức độ nhất định, Coding được coi là môn học chính thức của nhà trường. Đây là một môn học khá khó, yêu cầu nhiều sự nỗ lực, tìm tòi nghiên cứu của học sinh nhà F. Tuy nhiên, với sự sáng tạo trong phương pháp giảng dạy của nhà trường, học sinh FPT đang ngày một thích thú và đam mê với công nghệ lập trình. Nhất là khi các “lập trình viên" nhí được vận dụng các kiến thức của Coding để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống hoặc trình bày những ý tưởng xuất phát từ thực tiễn.

Ngoài việc học trên lớp, trường còn xây dựng một CLB Coding với nội dung học về Makecode Minecraft nâng cao hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển về lập trình của một số học sinh. Hiện tại, CLB Coding có 15 học sinh tham gia, hoạt động 1 buổi/tuần. CLB Coding đang được phụ trách bởi cô giáo Nguyễn Phương Thùy - giáo viên giảng dạy bộ môn Coding. Tại các lần sinh hoạt, có nhiều ý tưởng hay được các em học sinh hăng say thảo luận, và trao đổi thêm nhiều kỹ năng lập trình kéo thả thú vị. Các thành viên CLB đã chế tạo ra nhiều sản phẩm như: Đèn thông minh, cửa thông minh, các trò chơi nhanh trên máy tính,...

Có thể kể đến sản phẩm “Thành phố thông minh” - dự án nằm trong môn học Coding - được xây dựng bởi các học sinh khối 7 của trường hồi tháng 10. Các “lập trình viên” nhí đã xây dựng thành phố với quy hoạch rõ ràng, đường xá giao thông xuyên suốt, các khu vực trong khuôn viên thành phố đều được bố trí hợp lý và ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại cho cuộc sống như: cửa tự động, đèn tự động bật tắt, cửa mật khẩu, thang máy thông minh,… Đặc biệt, thay vì ô nhiễm môi trường như thành phố thực thì “Thành phố thông minh” mang đến cuộc sống xanh, thân thiện và gần gũi với môi trường hơn.

Tuy nhiên, vì là một môn học khá mới, việc giảng dạy Coding tại FPT School cũng đối mặt nhiều khó khăn và thách thức. Giáo viên phải tự nghiên cứu và xây dựng giáo án cho riêng mình vì nguồn tham khảo còn hiếm hoi. “Phần lớn thông tin môn học là từ trang chủ chương trình nên các bài giảng cần được trau chuốt, chỉnh sửa và thậm chí là giảng thử rất nhiều trước khi đưa ra giảng dạy thực tế”, cô giáo Phương Thùy tiết lộ. Tuy nhiên, được nhà trường quan tâm đầu tư nhiều nguồn lực và các em học sinh đều thích thú, ham học nên cô giáo Phương Thùy được tiếp thêm nhiều động lực cho mỗi bài giảng.

Chỉ vỏn vẹn nửa năm kể từ khi đưa môn học Coding vào giảng dạy, thầy và trò FPT đã gặt hái được thành tựu đáng nể ngoài mong đợi. Cụ thể, sản phẩm F Journey xây dựng bởi học sinh khối 7 FPT School mới đây đã được trao bằng khen Merit tại Apicta Awards 2019 - một Lễ trao giải tầm cỡ quốc tế, vốn được coi là “Oscar ngành CNTT”.

“Chúng tôi tin rằng mình đang đi đúng hướng” - đó là lời khẳng định của chị Phạm Thị Khánh Ly, hiệu trưởng Tiểu học và Trung học cơ sở FPT Cầu Giấy. Với chị Ly, sự vinh danh của Apicta đã tiếp thêm niềm tin cho nhà trường, rằng kiến thức mà học sinh học trong trường cũng rất giá trị và thực tế.

Fschool-Apicta-top-1498-1574687308.jpg

Cô giáo Nguyễn Phương Thùy (ngoài cùng bên phải) cùng 5 "lập trình viên" nhí nhà F tại buổi lễ trao giải Apicta 2019. Ảnh: NVCC

Đối với học sinh giỏi hay còn gọi là “gà nòi”, việc đạt thành tích cao không khó. Nhưng đối với học sinh học đại trà thì hoàn toàn chưa có kinh nghiệm thi đấu, đồng thời giáo viên cũng chưa có kinh nghiệm luyện “gà nòi”. Hơn nữa, thời gian chuẩn bị để tham gia Apicta chỉ vỏn vẹn 4 tuần. Do vậy, thành tích này là sự khích lệ to lớn đối với tập thể các thầy cô giáo và các học sinh nhà trường, chị Khánh Ly xúc động.

Học sinh FPT School tham gia các kỳ thi chưa bao giờ bị áp lực thành tích từ Ban giám hiệu. “Điều các con nhận được là những lời động viên và hỗ trợ tài chính từ phía Ban giám hiệu với mong muốn các con có một trải nghiệm thú vị. Chúng tôi mong các con được thể hiện hết mình, dù kết quả có ra sao thì cũng là một kỷ niệm đẹp và ghi dấu nhiệt huyết của thầy cô trong lòng các con”, chị Khánh Ly hướng đến trải nghiệm của học trò hơn là áp lực điểm số. Từ đó, đối với các thử thách trong cuộc sống, nhà trường mong các học sinh sẽ luôn nỗ lực, lạc quan và không ngại vượt khó.

F Journey là sản phẩm hỗ trợ học tập được lập trình trên nền tảng Minecraft, tương tự như một trò chơi. Với F Journey, học sinh có trải nghiệm học tập mới, thú vị như hành trình khám phá một chuyến du lịch. Không chỉ dừng lại ở đó, F Journey cũng sẽ góp phần thay đổi suy nghĩ và tư duy của nhiều phụ huynh, học sinh về việc học lập trình và ứng dụng chơi game trong học tập. 

Tham gia xây dựng F Journey là 5 học sinh khối 7 trường F, gồm: Đoàn Đình Anh (7A1), Nguyễn Lân (7A1), Nguyễn Hoàng An Khánh (7A4), Nguyễn Bằng Nguyên (7A3) và Cao Quang Anh (7A2). Với sự hướng dẫn, hỗ trợ của cô giáo Nguyễn Phương Thùy (Giáo viên bộ môn Coding), các học sinh đã hoàn thành sản phẩm sau hơn 5 tháng.

Trong thời gian tới, sản phẩm này sẽ được mở rộng hơn về nội dung câu hỏi và hình thức tham gia, cô giáo Nguyễn Phương Thùy tiết lộ. Cô giáo trẻ cùng các học trò rất phấn khởi khi nhận được giải thưởng quốc tế danh giá về Công nghệ thông tin. Bằng khen Merit của Apicta như tiếp thêm động lực để cô và trò tiếp tục cố gắng và sáng tạo. Đồng thời, sự công nhận này cũng góp phần lan tỏa cảm hứng sáng tạo, áp dụng công nghệ vào học tập tới nhiều học sinh trong nhà trường.

Bên cạnh F Journey, Hurry-up SOS - một sản phẩm khác đến từ học sinh FPT School cũng được vinh danh tại Apicta Award 2019. Đây là một robot cứu hộ được nghiên cứu và chế tạo bởi học sinh CLB Robotics thuộc THPT FPT Hòa Lạc. Sản phẩm này có khả năng nâng vật nặng, tự dò đường, kháng nước,... phù hợp cứu hộ ở những nơi nguy hiểm. 

Hiệu trưởng Phạm Thị Khánh Ly cam kết mạnh mẽ, nhà trường sẽ phấn đấu làm tốt hơn nữa trong công tác dạy và học để các học sinh có thêm nhiều cơ hội phát huy năng lực của chính mình.

Demo sản phẩm F Journey được xây dựng bởi chính các "lập trình viên" tương lai nhà F:

Trường Tiểu học và THCS FPT Cầu Giấy trực thuộc Tổ chức Giáo dục FPT, là trường học hoạt động theo mô hình bán trú. FPT Schools luôn hướng tới sứ mệnh “Cung cấp năng lực cạnh tranh cho người học, góp phần mở mang bờ cõi trí tuệ của đất nước” dựa trên hệ giá trị cốt lõi gồm 5 yếu tố: tri thức, nhân cách, kỹ năng, tự lập và bản lĩnh.

Khánh Linh

Ý kiến

()
 

Hãy là người đầu tiên
bình luận