Chúng ta

École 42 - trường ‘miễn phí’ đào tạo lập trình viên ‘chuẩn’ Google

Thứ ba, 28/11/2017 | 18:33 GMT+7

Gặp khó khăn trong việc tìm nhân tài lập trình, Xavier Niel cho rằng hệ thống giáo dục Pháp "có vấn đề" và ông quyết định thành lập École 42 vào mùa thu năm 2013.

Đúng 8h42 mỗi sáng, các sinh viên trường École 42 sẽ nhận dự án để thực hiện trong vòng 48 giờ. Vì École 42 không có giáo viên nên sinh viên học cách tự giải quyết vấn đề và hỗ trợ lẫn nhau.

home-big-9842-1511863134.jpg

École 42 được xem là ngôi trường đại học đến từ tương lai.

Trường không có giáo sư, không có giảng viên giảng dạy trực tiếp như ở trường đại học thông thường và cũng không yêu cầu bằng cấp đối với sinh viên theo học. Mô hình đào tạo của trường được áp dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến bao gồm sư phạm kiểu tự chữa lỗi cho nhau (Peer-to-peer) và học theo dự án (PBL). 

Ecóle 42 là trường đào tạo lập trình viên phi lợi nhuận được tài trợ bởi tỷ phú Xavier Niel cùng các cộng sự: Nicolas Sadirac, nguyên CEO Trường lập trình Epitech; Kwame Yamgnane và Florian Bucher, cựu CEO Epitech. Ecóle 42 mở khóa chiêu sinh đầu tiên tại Pháp vào năm 2013 và cơ sở thứ 2 được xây dựng tại Fremont, California vào năm 2016. 

Celeste, một học viên nữ 25 tuổi, cho rằng: "Đôi khi tôi cần một người thầy để có thể giải quyết vấn đề nhanh hơn. Tuy nhiên, khi "thu hoạch" được câu trả lời bằng tự lực của bản thân, tôi cảm thấy hài lòng hơn như vậy".

Hiện tại ở Pháp, khi các trường đại học công lập chỉ chọn lọc những sinh viên có kiến thức tốt trong lĩnh vực khoa học, công nghệ thì các trường tư thục lại có học phí cao, khó có thể thu hút được nhiều nhân tài. Từ đó, Xavier Niel "nung nấu" ý tưởng thành lập École 42 để kích thích nhân tài lập trình từ mọi khía cạnh trong cuộc sống.

Sinh viên theo học tại ngôi trường này không cần trả bất kỳ khoản học phí nào. Công việc duy nhất của họ là sáng tạo. Họ có thể trao đổi ý tưởng của mình với sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu thế giới như Stanford hay MIT.

Ngôi trường này không quan tâm tới nền tảng học vấn, xã hội của sinh viên, không quan tâm chất lượng đầu vào. Điều khiến họ quan tâm là cách sinh viên tự thử thách mình trong lớp học, tự nhiên nảy sinh và phát triển các suy nghĩ sáng tạo. 

nicolas-sadirac-ecole-42-930x6-1952-4552

"Chúng tôi không dạy gì cả, mọi nhu cầu đều do học viên tự tạo nên", Nicolas Sadirac, Hiệu trưởng École 42, chia sẻ với Quartz. Ảnh: Jenny Anderson.

Trường École 42 sẽ lựa chọn ra 3.000 học viên xuất sắc nhất trong 70.000 đơn xin nhập học, dựa trên bài kiểm tra trực tuyến để đánh giá về khả năng tư duy logic của ứng viên. Sau đó, các học viên được chọn sẽ được tham gia chương trình đào tạo lập trình mang tên ‘Piscine’. 

Sébastien Faucher, 25 tuổi, bỏ học hồi cấp 3 và đang làm việc tại các nhà máy gần Limoges, dành dụm mỗi tháng được khoảng 1.100 bảng. Anh quyết định tham gia "Piscine" với hy vọng nhận được cơ hội học tại École 42 để hiện thực hóa ước mơ trở thành một nhà thiết kế trò chơi điện tử. "Tôi đã nghĩ đến việc bỏ cuộc, tôi chỉ muốn trở về nhà, nhưng khi nghĩ rằng sẽ khó có cơ hội thứ hai, tôi trở lại và tiếp tục với khóa học", Sébastien vừa khóc vừa chia sẻ.

Sau khi hoàn thành "Piscine", sinh viên chính thức tham gia chương trình đào tạo kéo dài tối thiểu 3 năm. Học phần đầu tiên sẽ chú trọng vào hệ điều hành Unix bằng ngôn ngữ lập trình C. Sau đó, sinh viên sẽ được sử dụng các ngôn ngữ khác như PHP, C++, OCAML và có một số dự án được phép tự chọn ngôn ngữ lập trình. Đặc biệt, người học sẽ không phải trả bất kỳ khoản học phí nào trong suốt quá trình học từ 3-5 năm tại trường. Ngoài ra, cơ sở École 42 tại thung lũng Silicon còn hỗ trợ ký túc xá cho những học viên cần nơi sinh hoạt khi theo học. 

Mỗi học viên sẽ phải thực hiện quy trình sửa bài cho học viên khác. Khi thực hiện việc này, người học sẽ được tích lũy điểm (correction point) để "lên cấp" và cho phép họ thực hiện những thử thách mới và khó hơn. Trong khoảng thời gian học tại trường, khi sinh viên muốn thực tập ở doanh nghiệp, họ phải được xác nhận đủ số lượng dự án đã thực hiện và vượt qua 5 bài kiểm tra. 

42-1484144775057-2804-1511863134.jpg

Khoảng 80% sinh viên có việc làm trước khi tốt nghiệp và 100% sinh viên được nhận làm việc sau khi hoàn thành khóa học. Ảnh: Thibault Camus.

Trong buổi trả lời phỏng vấn BloombergNiel thẳng thắn cho rằng thách thức của École 42 Silicon đang gặp phải chính là sự nghi ngờ của người Mỹ vào ngôi trường "miễn phí" này. Một ví dụ điển hình, việc nhận hồ sơ ở Pháp đạt hơn 70.000 người đăng ký, nhưng ở Mỹ lại chỉ ở mức vài nghìn ứng viên từ lứa tuổi 18 đến 30. Ngoài ra, École 42 tại Mỹ chưa được công nhận và điều này cản trở quá trình hỗ trợ sinh viên lấy thị thực. Đối với những sinh viên đã tốt nghiệp, họ sẽ không được tạm hoãn khoản nợ khi theo học tại trường.

Tuy nhiên, nhìn nhận ở một góc độ khác, École 42 vẫn mang lại một môi trường giáo dục hiệu quả và đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu thực tế từ doanh nghiệp. "Mô hình hoạt động của École 42 có thể được nhân rộng vì trường học mang tính phi lợi nhuận", Niel cho biết.

Theo Hiệu trưởng École 42 Nicolas Sadirac, việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số vào chuyển đổi quy trình vận hành công ty đòi hỏi đơn vị đó phải có cơ cấu tổ chức chuyên nghiệp và có hiểu biết tốt về công nghệ. "Điều này đòi hỏi con người phải làm việc cùng nhau và nghĩ rộng hơn để đưa ra giải pháp cho các vấn đề thực tiễn". 

Vì thế, mỗi dự án mà sinh viên École 42 thực hiện đều dựa trên chính nhu cầu thực tế, như việc Bộ Văn hóa Pháp muốn xây dựng một bảo tàng số hóa, Chính phủ Pháp đặt hàng thực hiện các giải pháp cao cấp cho an ninh mạng hay PSA - công ty mẹ của Peugeot - đề xuất cho sinh viên suy nghĩ về viễn cảnh xe hơi tự hành sẽ thay đổi như thế nào cuộc sống trong tương lai.

>> Anh Nguyễn Thành Nam: 'Lạc đường thì hỏi ai?'

Đình An

Ý kiến

()