Chúng ta

Dàn diễn giả đáng mong đợi tại hội thảo trí tuệ nhân tạo FPT 2021

Thứ tư, 11/8/2021 | 16:15 GMT+7

Tại FPT AI Conference (FAIC) sắp tới, cộng đồng công nghệ sẽ có cơ hội lắng nghe chia sẻ và giao lưu cùng những tên tuổi đầu ngành về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam và trên thế giới.

"Bố già AI" Yoshua Bengio là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo và người tiên phong trong lĩnh vực học sâu. Ông cũng là người sáng lập, Giám đốc khoa học của Viện Trí tuệ nhân tạo Mila - nhóm nghiên cứu lớn nhất thế giới về học sâu. Ngoài ra, Yoshua Bengio còn giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu tiên tiến CIFAR AI của Canada, Nghiên cứu viên cao cấp và là Giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu giá trị dữ liệu IVADO.

Yoshua Bengio được xếp hạng là nhà khoa học máy tính có nhiều trích dẫn mới nhất trên toàn thế giới năm 2018, đồng thời là chủ nhân của hàng loạt các giải thưởng khoa học công nghệ danh giá, trong đó có ACM A.M. Turing Award - giải thưởng được ví như Nobel của ngành khoa học máy tính.

csm-20190325-bengio-0b188063c2-5812-1628

"Bố già AI" Yoshua Bengio - một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo.

GS TS Hồ Tú Bảo hiện là Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) và Giám đốc Khoa học của Viện John von Neumann của Đại học Quốc gia, TP HCM.

Ông có kinh nghiệm nghiên cứu, ứng dụng và giảng dạy trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, học máy và khai phá dữ liệu (data mining), gần đây là khoa học dữ liệu (data science). Ông là Giáo sư và Trưởng phòng Thí nghiệm học máy và khai phá dữ liệu tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST) giai đoạn 1993-2018 và Giáo sư danh dự của JAIST từ 4/2018.

Hiện tại, ông tập trung vào các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) sử dụng học máy vào các lĩnh vực khác nhau ở Việt Nam. Những lời khuyên, chỉ dẫn của Giáo sư Hồ Tú Bảo được tìm kiếm và ứng dụng cho các hoạt động nghiên cứu trong kinh tế và xã hội.

Tại FAIC 2021, GS Hồ Tú Bảo sẽ có phần trình bày về Khoa học nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng AI hiện nay.

gs-ho-tu-bao-7562-jpeg-5765-1628671323.j

GS TS Hồ Tú Bảo hiện là Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu Cao cấp Về Toán (VIASM) và Giám đốc khoa học của Viện John von Neumann của Đại học Quốc gia, TP HCM.

Sự xuất hiện của PGS TS Truyền Trần cũng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng công nghệ. PGS TS Truyền Trần hiện công tác tại Viện Trí tuệ nhân tạo Ứng dụng, Đại học Deakin, chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu học sâu và ứng dụng trong lĩnh vực khoa học sức khỏe, y tế và kỹ thuật. Trước đó, anh nhận bằng Cử nhân Khoa học máy tính tại Đại học Melbourne (Australia) năm 2001 và bằng Tiến sĩ Khoa học Máy tính tại Đại học Curtin (Australia) năm 2018.

Mr-Truyen-Tran-04-9573-1628678332.png

PGS TS Truyền Trần công tác tại Viện Trí tuệ nhân tạo Ứng dụng, Đại học Deakin.

Diễn giả PGS TS Trần Thanh Long đang giữ học vị Phó Giáo sư Khoa học Máy tính tại Đại học Warwick (Vương quốc Anh). Năm 2007, anh hoàn thành chương trình Cử nhân và Thạc sĩ tại Đại học Kinh tế và Công nghệ Budapest (Hungary), chương trình Tiến sĩ Khoa học Máy tính tại Đại học Southampton (Vương quốc Anh). Trần Thanh Long là chủ nhân của rất nhiều bài báo tại các hội nghị và tạp chí AI hàng đầu, đồng thời nhận được một số giải thưởng quốc tế danh giá.

Mr-Long-Thanh-Tran-04-4940-1628678333.pn

PGS TS Trần Thanh Long đang giữ học vị Phó Giáo sư Khoa học Máy tính tại Đại học Warwick (Vương quốc Anh). 

Nguyễn Hoàng Bảo Đại là một trong những kỹ sư trẻ đặc biệt của cộng đồng AI Việt Nam. Sinh năm 1994, anh là người thứ 3 tại Việt Nam được Google công nhận là Google Developer Expert. Anh vừa có thể lập trình, lại có thể sáng tác và biểu diễn âm nhạc. Tốt nghiệp Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM, Đại giành được nhiều chứng chỉ chuyên môn từ Coursera.

Năm 24 tuổi, anh cùng đồng đội giành giải nhất cuộc thi Zalo AI Challenge trong thử thách nhận diện giọng nói. Hai năm sau, Bảo Đại tự xây dựng mô hình “AI sáng tác nhạc” của riêng mình. Sau hai năm xây dựng, mô hình này đã có thể viết được 10 bài hát trong vòng một giây. Hiện, Bảo Đại nghiên cứu NLP (Natural language processing - xử lý ngôn ngữ tự nhiên) tại Knorex - một trong những công ty công nghệ nổi tiếng chuyên về AI và NLP.

Tại sự kiện FAIC năm nay, diễn giả Nguyễn Hoàng Bảo Đại chia sẻ vè "A path to becoming an AI researcher (tạm dịch: Con đường trở thành nhà nghiên cứu AI). 

Bao-Dai-1-jpeg-5849-1628671323.jpg

Diễn giả Nguyễn Hoàng Bảo Đại là người thứ 3 tại Việt Nam được Google công nhận là Google Developer Expert. 

FAIC 2021 dự kiến diễn ra vào 16-20/8 tại Hà Nội, với tổng giải thưởng cho các nghiên cứu khoa học hơn 100 triệu đồng. Sự kiện do Tập đoàn, FPT Software và Khối Giáo dục FPT đồng tổ chức, dành cho các chuyên gia trí tuệ nhân tạo, sinh viên theo học ngành này tại ĐH FPT và những người mong muốn tìm hiểu về AI. 

Tại FAIC, cộng đồng công nghệ nhà F sẽ có cơ hội cùng nhau nhìn nhận bức tranh tổng thể về AI, từ vấn đề chiến lược cho đến góc nhìn thực chiến qua câu chuyện phát triển sản phẩm AI Made by FPT (ngày 17/8). 

Trong tuần lễ AI, các hội thảo khoa học với các chủ đề Học máy và xử lý ngôn ngữ tự nhiên; Thị giác máy tính; Học tăng cường; Trí tuệ nhân tạo Giải thích được và Nội dung khác sẽ đem đến các bài nghiên cứu khoa học chất lượng từ các chuyên gia và nhà khoa học FPT.

Đặc biệt, cơ hội giao lưu với "bố già AI" GS Yoshua Bengio sẽ là điểm nhấn của ngày 19/8 mà người yêu công nghệ khó bỏ qua. 

Ngày cuối hội thảo tiếp tục đem đến nội dung hấp dẫn là cuộc giao lưu về Hành trang trở thành chuyên gia AI toàn cầu và trao các giải thưởng của FAIC. Lần đầu tiên tổ chức, FAIC có hạng mục giải thưởng hấp dẫn tổng giá trị lên đến 169 triệu đồng, trong đó: Quán quân bài khoa học (30 triệu đồng), á quân (10 triệu đồng), bài khoa học của sinh viên xuất sắc (10 triệu đồng), cùng nhiều giải thưởng khác dành cho các câu hỏi hay nhất tại các ngày hội thảo diễn ra.  

Người F quan tâm và yêu thích công nghệ vui lòng đăng ký tham gia tại đây.

>> Hội thảo đầu tiên của FPT về AI: Từ vấn đề chiến lược đến góc nhìn thực chiến

Ý kiến

()