Chúng ta

Đám mây và AI hỗ trợ chống virus corona

Thứ sáu, 7/2/2020 | 16:02 GMT+7

Với công nghệ chẩn đoán bằng AI, nền tảng phân tích gene tự động của Alibaba có thể rút ngắn thời gian chẩn đoán gene cho một trường hợp nghi nhiễm, từ vài giờ xuống còn nửa giờ.

Các hãng công nghệ Trung Quốc đang tích cực hỗ trợ chính quyền trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV) gây ra, với sự trợ giúp của công nghệ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI), theo SCMP.

ap709334104582-9372-1581066097.jpg

Theo các chuyên gia dữ liệu y tế, trước đợt bùng phát dịch toàn cầu của virus corona, lần đầu tiên AI đã trở thành một công cụ hữu ích trong nỗ lực theo dõi và ứng phó với khủng hoảng.

Damo Academy, bộ phận nghiên cứu của tập đoàn Alibaba, đã giúp trung tâm kiểm soát và phòng dịch (CDC) tỉnh Chiết Giang phát triển một nền tảng phân tích gene tự động. Với công nghệ chẩn đoán bằng AI, nền tảng này có thể rút ngắn thời gian chẩn đoán gene cho một trường hợp nghi nhiễm, từ vài giờ xuống còn nửa giờ.

Dựa trên máy tính của Aliyun từ một chi nhánh điện toán đám mây của Alibaba, nền tảng này cũng có thể xử lý nhiều trường hợp đã được xác định nhiễm trong tương lai và góp phần bào chế vắcxin cũng như nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị.

Sau khi lưu giữ một loạt kiến thức liên quan đến nCoV do các chuyên gia y tế chuẩn bị, một hệ thống máy tính do Damo Academy phát triển sẽ giúp trả lời các câu hỏi của mọi người về tình hình dịch bệnh thông qua một ứng dụng.

Vì nhiều tỉnh và thành phố tại Trung Quốc đã kéo dài kỳ nghỉ Tết và lùi thời gian nối lại hoạt động của doanh nghiệp nhằm ngăn chặn sự lây lan từ người sang người, nên hình thức làm việc ở nhà đã trở thành một xu thế mới đối với các công ty và thể chế trên cả nước.

Trong bối cảnh này, Alibaba đã thông báo toàn bộ kết nối dịch vụ của hệ thống làm việc tại nhà, do chi nhánh chuyên mảng văn phòng di động DingTalk của hãng sản xuất, sẽ được cung cấp miễn phí cho 10 triệu doanh nghiệp. Gần 200 triệu người làm việc tại nhà sử dụng DingTalk từ ngày 3/2.

Trong khi đó, Tencent, một "gã khổng lồ" công nghệ khác, đã cung cấp dịch vụ miễn phí cho hệ thống thông tin nghe - nhìn trong thời gian thực, cho phép 300 người tham gia một cuộc họp online cùng lúc.

Công ty này cũng giúp xây dựng các phòng học online và các trường học thông minh cho sinh viên tại Vũ Hán, tâm dịch nCoV, với các tài nguyên điện toán đám mây. Giáo viên có thể giảng qua phầm mềm truyền trực tiếp, học sinh có thể ngồi nhà nghe giảng.

Trong khi đó, hãng Baidu đã phát triển một nền tảng online tại sáu quốc gia cho chi nhánh tại Bắc Kinh của Hiệp hội Y học Trung Quốc để cung cấp cho công dân các dịch vụ tham vấn về chủng virus mới này.

Nền tảng mới kết nối với hơn 1.000 bác sĩ thuộc các khoa hô hấp và truyền nhiễm ở các bệnh viện của Bắc Kinh, áp dụng AI 5G, các công nghệ thông tin video và y tế từ xa, cho phép bác sĩ trả lời các câu hỏi thông qua truyền hình trực tiếp hoặc tin nhắn online.

Các bác sĩ được xếp theo một lịch thông minh để có thể cung cấp dịch vụ tham vấn 24/24h. Bệnh nhân có thể đăng ký và trả chi phí y tế online thông qua nền tảng này.

Công ty AI Megvii chuyên phát triển hệ thống quét thân nhiệt, cho biết các kỹ sư của mình đã tối ưu hóa hệ thống này để nhận dạng tốt hơn những người đeo khẩu trang hoặc đội mũ, với sai số khoảng 0,3 độ C. Hệ thống này cũng hỗ trợ thiết bị đo thân nhiệt không cần tiếp xúc trực tiếp, ở khoảng cách 3m.

Các nhà nghiên cứu của Megvii cho biết hệ thống này có thể gửi cảnh báo sốt của 15 người trong mỗi giây và một hệ thống có thể giám sát 16 dòng người trong khi chỉ cần một nhân viên làm việc tại chỗ, giảm nguy cơ nhiễm bệnh đối với các nhân viên phải làm việc ở khu vực nguy cơ cao này.>> 

Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát từ thủ phủ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc từ tháng 12/2019. Dịch đã lan ra 31 tỉnh thành của Trung Quốc đại lục và 26 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến 636 người thiệt mạng và ít nhất 31.000 người nhiễm bệnh.

FPT Software phát triển AI giúp phát hiện sớm các bệnh về phổi

Hồng Đào

Ý kiến

()