Ngày 14/12, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 trong đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh và tình hình tài chính của các doanh nghiệp”.
Chủ tịch FPT là khách mời chia sẻ tại sự kiện. |
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp - ông Nguyễn Hoàng Anh cho hay trong năm 2019, Ủy ban sẽ nâng cấp, bổ sung các chỉ số riêng cho từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm cập nhật thường xuyên liên tục tình hình và giám sát đầy đủ hoạt động của doanh nghiệp.
Theo đó, chậm nhất đến tháng 1/2019, phải đưa hệ thống quản lý trực tuyến theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD vào sử dụng. Hệ thống này sẽ kết nối với các doanh nghiệp trực thuộc để Ủy ban theo dõi liên tục 24/24 giờ các hoạt động của doanh nghiệp với các diễn biến về vốn, về sản xuất, năng suất lao động, hàng vào hàng ra cũng như diễn biến về nhân sự, nộp thuế.
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến chia sẻ và đóng góp về định hướng phát triển công nghệ thông tin trong việc giám sát, quản trị vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đến từ đại diện các Tập đoàn lớn như FPT, Viettel...
“Trước hết ta cần hiểu 1 cách khái quát về cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 hay còn gọi là cách mạng 4.0”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình bắt đầu phần chia sẻ. Theo anh bất cứ cuộc cách mạng nào đều thay cái cũ bằng cái mới để đạt được mục đích tăng trưởng đột biến năng suất lao động. Đặc biệt trong cuộc cách mạng lần này, năng suất lao động được đánh giá sẽ tăng trưởng ở mức chưa từng có với những công nghệ mới như AI, Big Data, Mobility…
Công nghệ làm thay đổi phương thức sản xuất nên các doanh nghiệp không thể đứng ngoài sự thay đổi. Giờ đây, bất cứ doanh nghiệp nào trên thế giới cũng hiểu được rằng cần phải chuyển đổi số nhưng mới chỉ có rất ít trong số đó thành công. Anh Bình khẳng định nguyên nhân là do chúng ta chưa giải quyết được vấn đề mấu chốt của công việc này.
Các công ty vẫn đang cố gắng đưa thật nhiều những hệ thống, giải pháp bằng phần mềm để quản trị và hỗ trợ sản xuất. Điều này sẽ cải thiện tình hình trước mắt nhưng xét về lâu dài lại không bền vững. Tập đoàn Dupont, một trong số hiếm hoi các tổ chức lớn chuyển đổi số thành công, có những bước đi trái ngược hoàn toàn với xu thế, người đứng đầu nhà F dẫn chứng.
Đầu tiên, Dupont thay đổi tổ chức cấp cao, thành lập các vị trí chuyên trách chuyển đổi số. Không vội vàng tìm kiếm giải pháp bằng công nghệ, tập đoàn này tập trung tìm các vấn đề ở cơ sở. Các cuộc khảo sát dưới nhiều hình thức được thực hiện. Họ tổ chức các cuộc hội thảo gồm nhiều đơn vị liên quan để cùng nhau tìm ra vướng mắc và cách giải quyết. Cuối cùng, đã có 9.000 vấn đề được đưa ra, trong đó có tới 7.000 vấn đề được cho là cần phải giải quyết ngay. Toàn bộ tổ chức hàng chục nghìn con người cùng nhau hành động để thực hiện 900 đề án.
Theo Chủ tịch Trương Gia Bình, các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thành công phải tái suy nghĩ về doanh nghiệp của mình. |
“Không phải những tâm tư của lãnh đạo mà chính những tâm tư của nhân viên mới là vấn đề của tổ chức. Đó là triết lý của Dupont mà tôi đã học được”, anh Bình chia sẻ.
Đến lúc này vai trò của các công nghệ được thể hiện. Những hệ thống, những giải pháp phù hợp sẽ được áp dụng để làm biến mất các đoạn tắc nghẽn trong quy trình vận hành, biến những công việc tiêu tốn nhiều thời gian và nhân lực trở nên tinh gọn, tiện lợi hơn.
Theo anh Bình, đây là bước chuyển đổi số thận trọng nhưng sẽ đem lại thành công cho doanh nghiệp. Kinh nghiệm của Dupont chỉ ra rằng, sẽ không thể có một hệ thống công nghệ thông tin nào áp dụng cho toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp. Hãy giữ lại những hệ thống cũ, làm cho nó tốt hơn lên bằng những công nghệ mới. Những dữ liệu cũng không cần thiết phải tập trung. Hãy để nguyên dữ liệu ở bộ phận của nó. Khi cần, những nhà quản trị mới tập hợp những dữ liệu phân tán để xử lý và chỉ giữ lại phần kết quả này.
“Chuyển đổi số là việc của cả tổ chức chứ không phải của mấy ông công nghệ. Quá trình này không hề tốn kém nếu chúng ta làm đúng. Công nghệ đã nắm trong tay, việc chúng ta phải làm nhắm tới mục đích tăng đột biến năng suất lao động để tìm ra đúng vấn đề cần phải giải quyết”, anh Bình bày tỏ.
Chuyển đổi số là định hướng của FPT trong những năm gần đây. Với tiềm lực và kinh nghiệm của mình cùng với sự giúp đỡ của các chuyên gia hàng đầu thế giới, FPT đặt mục tiêu đến hết năm 2019 sẽ trở thành một trong số ít các tổ chức chuyển đổi số thành công.
Mới đây, tập đoàn đã thành lập Ban Chuyển đổi số FPT (FPT Digital) do anh Trần Huy Bảo Giang - nguyên Giám đốc Công nghệ FPT Software sẽ đảm nhận vị trí Giám đốc Chuyển đổi số (CDTO) kiêm Trưởng ban Chuyển đổi số và Cố vấn cấp cao Học viện số.
Cùng thời điểm, Học viện số FPT (FPT Digital Academy) cũng được thành lập với mục tiêu kết nối và phát triển tri thức Việt toàn cầu trong công cuộc đưa Việt Nam lên danh sách những nước đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số. Anh Lê Hùng Cường, nguyên Phó Giám đốc Công nghệ FPT Software, sẽ đảm nhận vị trí Giám đốc Học viện.
Đây là những động thái mạnh mẽ cho thấy FPT quyết tâm đạt được mục tiêu đầy thách thức này.
Chuyển đổi số trong tổ chức, doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số, bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty… Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao. Chuyển đổi số cho các khách hàng, đưa các công nghệ mới như AI, Big Data, IoT... vào mọi lĩnh vực như giao thông thông minh, y tế thông minh, chính phủ số, ngân hàng số… là những bài toán chiến lược đang được FPT tập trung giải quyết, với mục tiêu 10 năm tới FPT sẽ là tên tuổi về chuyển đổi số tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Thế mạnh nổi bật của FPT chính là năng lực công nghệ vượt trội. Là một trong số ít doanh nghiệp công nghệ thông tin tại Việt Nam hiện nay làm chủ các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn… FPT hiện sở hữu đội ngũ 15.000 chuyên gia công nghệ có kinh nghiệm, chất lượng chuẩn quốc tế và năng lực chuyên môn sâu để xây dựng các mô hình cung cấp dịch vụ với chi phí hiệu quả nhất cho khách hàng. |
Nguyễn Thắng
Ý kiến
()