Buổi Techtalk 2017 thu hút hơn 100 khách mời trong lĩnh vực CNTT tham gia. Mở đầu buổi trò chuyện, Chủ tịch FPT Software chia sẻ trước khi diễn ra buổi hội thảo, anh đã đề nghị BTC chỉ mời những người có kinh nghiệm tham dự chương trình. Theo anh Tiến, những câu chuyện tại Techtalk 2017 sẽ bàn luận về IoT, AI, AR-VR, các xu hướng mới trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, hàng loạt cơ hội nghề nghiệp dành cho lập trình viên sẽ được các diễn giả chia sẻ trực tiếp.
Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến kể chuyện "Chiến trường IT". |
Để khách mời hiểu hơn về FPT Software, anh Tiến đã cung cấp những con số ấn tượng về nhân sự trong công ty. "Hiện chúng tôi có 12.443 người. Trong đó, 2.100 nhân viên làm việc ở nước ngoài. Thị trường Nhật Bản đông nhất với 920 người".
Trước đây có hàng trăm nhân viên đã rời FPT Software vì mức lương thấp, không phát huy được thế mạnh công nghệ,... Tuy nhiên, con số 24 tiến sĩ, phần lớn học ở các nước G7 trên thế giới, và 463 người có bằng thạc sĩ ngành IT chứng tỏ một điều "FPT Software đã khác xưa". Điều đáng chú ý, Phần mềm FPT đã và đang đầu tư hàng triệu USD vào nghiên cứu các công nghệ mới.
"Khi vào FPT Software, tôi phát hiện ra khoảng cách của chúng ta với các công ty hàng đầu thế giới là khoảng 20-30 năm. Cách đây 5 năm, FPT Software đầu tư vào IoT, Big Data, AI,... thì ngày hôm nay chúng tôi đang đầu tư vào những công nghệ mới nhất trên thế giới". Lấy ví dụ cụ thể, anh Tiến nhắc đến công nghệ xe không người lái. Anh hồ hởi bật mí, cán bộ nhân viên Phần mềm FPT đã tự mình làm được những vi mạch và giải các bài toán Deep Learning rất cụ thể.
Với mục tiêu 1 tỷ USD vào năm 2020 và 30.000 người, để đạt con số này, FPT Software cần tăng trưởng ít nhất 40% mỗi năm. "Chúng tôi sẽ đạt được 700 triệu USD và 30% còn lại bằng các hợp đồng mua bán, sáp nhập", anh Tiến nói.
Trước nhiều câu hỏi về việc FPT Software có điểm gì khác biệt so với các công ty khác, anh Tiến đã chỉ ra 3 điểm khác biệt cơ bản. Đầu tiên, FPT Software là một công ty toàn cầu, làm việc với nhiều khách hàng lớn trên thế giới: Đức, Pháp, Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Australia... Ngoài các công nghệ IoT, Big Data, AI..., FPT Software sẽ "đặt cược vào Smart Factory''.
"Trong những năm tới, cơ hội tại FPT Software dành cho các bạn trẻ là không giới hạn. Trong suốt 6 năm qua, công ty luôn tăng trưởng 25-30%, một con số không hề ảo tưởng", Chủ tịch FPT Software khẳng định.
Là Tiến sĩ học ở Pháp, anh Lê Hùng Cường, Phó ban Quản lý giải pháp và công nghệ FPT Software, đã tạo sự tò mò và thích thú của các bạn trẻ trong buổi hội thảo bằng cách trình diễn tính năng đặt vé bằng giọng nói thông qua chatbot. Qua giọng nói, chatbot sẽ phân tích, đưa ra các lựa chọn cần thiết cho người dùng lựa chọn tính năng. Đặc biệt hơn, một khách mời nam được lựa chọn để trải nghiệm trực tiếp kính thực tế ảo tăng cường (AR) Microsoft HoloLens. Qua đó, người tham dự đã có cái nhìn sơ lược về Làng phần mềm F-Ville 2, Hòa Lạc (Hà Nội) thông qua công nghệ mới này.
Khán giả trải nghiệm công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) Microsoft HoloLens. |
Ngồi ở hàng ghế khán giả, anh Trịnh Minh Đức, FSU2.BU68, nhận xét: "Mặc dù làm ở FPT, tôi vẫn chưa khám phá hết được các công nghệ mới của công ty. Đến với Techtalk 2017, tôi đã được trải nghiệm rất nhiều công nghệ mới như Microsoft HoloLens".
Một công nghệ khác mà FPT Software chia sẻ tại hội thảo là công nghệ xe tự lái (Autonomous Car). Là người trực tiếp quản trị dự án, Giám đốc FPT Global Automotive Đinh Đức Hiệp đã trình bày các bài toán Deep Learning, công nghệ xử lý hình ảnh… tới người tham dự. “Khi chúng tôi chạy thử xe, một tình huống bất ngờ xảy ra khi cô công nhân vệ sinh đang đẩy xe rác ở phía trước. Anh Tiến ngồi trong xe “thót tim” nhưng thật vui mừng vì nó đã tự động phanh và đánh lái một cách mượt mà”, anh Hiệp kể lại.
Không dừng lại ở phát triển xe tự lái, lãnh đạo FPT Global Automotive còn nói tới những thành công khác của FPT Software khi đặt chân lên các thị trường như Bắc Mỹ, châu Âu và các nước Đông Á. Anh hào hứng nhắc tới những sản phẩm như xe ô tô tại các thị trường này xuất hiện những dòng lệnh (code line) do chính người FPT viết.
Cuối buổi Techtalk, diễn giả Nguyễn Ngọc Sơn, chuyên gia công nghệ cấp tập đoàn, đảm nhiệm vị trí Quản lý kỹ thuật - công nghệ (Techlead), đã chia sẻ cởi mở về dự án M35 được mệnh danh “khủng long” của FPT Software với giá trị có thể lên tới 50 triệu USD. Bên cạnh đó, anh Trần Văn Dũng, GĐ FSU1.BU9, tiết lộ về câu chuyện hợp tác với các hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới cũng nhận được rất nhiều câu hỏi từ khán giả.
Chủ tịch FPT Software trao phần thưởng cho các khán giả may mắn. Trong ảnh: anh Vũ Văn Tư (áo xanh) nhận thưởng cao nhất là chiếc TV Samsung. |
Trong gần 3 giờ đồng hồ, Techtalk 2017 - "Chiến trường IT - Chuyện chưa kể" đã vén màn bí mật công nghệ giúp FPT Software tiếp cận và trở thành đối tác của các tên tuổi hàng đầu thế giới, các xu hướng mới của công nghệ trên thế giới trong Cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội của các bạn trẻ tại FPT Software...
Từng làm việc ở Công ty Phần mềm, anh Trần Trung Hiếu đánh giá: ''Chủ tịch Hoàng Nam Tiến đã truyền cảm hứng cho người tham dự với các câu chuyện thực tế tại FPT Software. Tôi rất ấn tượng khi anh tiết lộ công ty sẽ đầu tư vào Smart Factory trong thời gian tới”.
Video Chủ tịch FPT Software kể chuyện "Chiến trường IT":
Trọng Nghĩa - Thanh Tùng
Ý kiến
()