5h sáng ngày 18/12 tại "chiến trường" Facebook Hackathon. |
Ba sinh viên FUNiX tham dự chung kết Facebook Hackathon lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội là anh Nguyễn Trí Dũng, anh Lê Phước Văn và anh Phạm Minh.
Hiện làm việc tại nhiều lĩnh vực khác nhau như ngân hàng, game, lập trình, ba sinh viên của ĐH trực tuyến FUNiX mang tới Facebook Hackathon lần này ý tưởng về một ứng dụng giải quyết bài toán cho phép người dùng tạo hồ sơ vay tiền khi có nhu cầu và liên kết tới mạng lưới dịch vụ tín dụng. Giải pháp của đội là chatbot có tên gọi QuickMoney.
25 đội thi được chia thành 5 phòng thi với thử thách thuyết trình thật nhanh cho đại diện của Facebook. Mỗi phòng chỉ có hai đội được chọn vào Top 10.
Tại vòng Top 10, từng đội chỉ có ba phút để demo sản phẩm, sau đó là hai phút hỏi đáp của Ban giám khảo. “Chính vì thế áp lực cũng kha khá vì không có thời gian để làm lại, cả đội cùng phải tập trung “nhảy” lên sân khấu, mỗi người một việc, người nói, người điều khiển máy để phần thuyết trình thật suôn sẻ”, anh Phước Văn nói.
Chatbot vay tiền online QuickMoney của đội thi cùng tên được ban giám khảo Facebook Hackathon đánh giá là khá tiềm năng. |
Trong phần Hỏi đáp, Ban giám khảo tập trung "xoáy" vào sự khác biệt của QuickMoney so với sản phẩm đã có tại Việt Nam như Gobear (trang web so sánh các loại thẻ, dịch vụ, lãi suất của các ngân hàng).
Theo anh Trí Dũng, ngoài việc là một chatbot tích hợp trên Facebook Messenger thân thiện với người dùng, điểm khác biệt cơ bản của QuickMoney là thay vì đưa khách hàng theo hướng tư vấn để chọn cho mình sản phẩm ngân hàng phù hợp, sau đó "rũ bỏ" trách nhiệm thì ứng dụng này đưa thẳng nhu cầu của người dùng đến hệ thống liên kết của các ngân hàng, nhân viên tín dụng (banker network).
Có thể tưởng tượng QuickMoney như một ứng dụng gọi xe Uber mảng ngân hàng. Người có nhu cầu và cung cấp dịch vụ được kết nối với nhau và sẽ được “khớp lệnh” khi cả hai phía cùng thấy phù hợp. "Kiểu tư vấn cũ để khách hàng chọn một ngân hàng cụ thể rất dễ dẫn đến trường hợp người dùng chọn ngân hàng nhưng ngân hàng lại từ chối", anh Dũng lý giải.
Ý tưởng của sinh viên FUNiX dừng lại tại Top 10 cuộc thi năm nay. Các thành viên của đội cho biết sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm này bởi có tính ứng dụng cao trong chính công việc hiện tại của mình tại công ty.
Kết quả chung cuộc, đội Số 9 với một ứng dụng về bảo mật đã giành ngôi vô địch cuộc thi. Facebook Hackathon cũng trao giải thưởng đặc biệt dành cho đội có nhiều thành viên nữ xuất sắc nhất với giá trị giải thưởng tương đương giải Nhất.
Ngọc Dung
Ảnh: NVCC
Ý kiến
()