Việt Nam đang là điểm đến được các doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên hàng đầu về ủy thác dịch vụ CNTT (IT Outsourcing). Kết quả khảo sát của Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho thấy, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp CNTT Việt với Nhật năm 2014 tăng trung bình 77%, thậm chí có doanh nghiệp tăng tới 400-500%.
Chỉ nửa đầu năm 2015, số lượng nhân viên làm việc cho thị trường Nhật tăng 46,4% so với cùng kỳ 2014. Trong số này, công ty FPT Software có đến 4.500 nhân viên làm việc trong các dự án với khách hàng Nhật (500 người làm trực tiếp tại Nhật Bản, còn lại là thực hiện dự án từ Việt Nam).
Khi làm việc với đối tác Nhật, nhiều công ty Việt Nam gặp hai khó khăn cơ bản là làm thế nào để chiếm lòng tin của khách hàng và xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao (vừa có trình độ kỹ thuật và biết tiếng Nhật). Chính vì thế, không ít công ty cảm thấy e ngại khi tham gia thị trường đầy tiềm năng này. Trong khi đó, doanh nghiệp Nhật lại đánh giá khá cao kỹ sư CNTT Việt Nam.
Từ trái sang: ông Toshinori Nakamura, Giám đốc SDNA, ông Nobuyuki Ichiba, Giám đốc Nissen và ông Kaichiro Sakuma, Giám đốc Hitachi Solution. |
"Rất khó để đánh giá kỹ năng, năng lực của kỹ sư CNTT Việt Nam nói chung vì mỗi người mỗi khác. Có người giỏi tiếng Nhật, có người giỏi tiếng Anh và năng lực, trình độ cũng rất khác nhau. Tuy nhiên, tôi sẽ chấm kỹ sư CNTT Việt Nam điểm 10, kỹ sư Trung Quốc 12 điểm và các nước khác đang làm với Nhật như Bangladesh khoảng 8 điểm", ông Toshinori Nakamura, Giám đốc công ty SDNA (Sony Digital Network Applications) và có 5 năm kinh nghiệm làm việc với Việt Nam, cho biết.
Dù cho điểm khá cao, ông Nakamura góp ý rằng kỹ sư CNTT Việt Nam không nên chỉ cố hoàn thành tốt việc được giao mà cần sáng tạo hơn và chủ động đề đạt cách cải thiện công việc. Các kỹ sư cũng cần tự học hỏi công nghệ mới nhất, còn để giao tiếp tốt hơn với khách hàng thì nên đầu tư thêm việc học tiếng Nhật, cũng như cần nghĩ mình có thể làm gì giúp cho công ty đối tác tốt hơn nữa.
Cùng quan điểm, ông Nobuyuki Ichiba, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nissen, chia sẻ: "Chúng tôi có quan hệ hợp tác với Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc. Sau đó, chúng tôi có ý định làm với Philippines nhưng đã chọn Việt Nam và FPT. Khi làm việc với kỹ sư CNTT các nước, tôi có những cảm xúc rất khác nhau. Nếu phải chấm điểm, tôi nghĩ kỹ sư CNTT Việt Nam sẽ đạt 7/10 điểm. Người Việt không hoàn toàn là người Nhật, không thể chấm điểm 10 vì ngôn ngữ rất quan trọng".
Tuy vậy, kỹ sư trẻ người Việt lại rất nhiệt tình và cố gắng trong công việc, trong khi tại Nhật, những người già đang nỗ lực nhiều hơn so với thế hệ trẻ. "Nếu kỹ sư Nhật Bản không cố gắng thì sẽ thua kỹ sư Việt Nam một ngày nào đó", ông Ichiba nhấn mạnh. "Nhưng kỹ sư Việt Nam khi nghe khách hàng nói cũng cần hiểu chính xác điều họ muốn. Kỹ sư Việt không chỉ giỏi về kỹ thuật mà còn có cảm nhận tinh tế, nếu kết hợp được hai phẩm chất này và thêm phán đoán của bản thân thì các bạn trẻ sẽ rất thành công".
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Hitachi Solutions, ông Kaichiro Sakuma, lại cảm thấy hài lòng vì "người Việt Nam và Nhật Bản rất tâm đầu ý hợp, có suy nghĩ gần gũi và điều này rất thuận lợi cho công việc". Ông cũng chia sẻ sự cảm kích của mình khi năm 2011, Nhật Bản hứng chịu động đất, sóng thần và Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã trực tiếp bay sang Nhật thăm hỏi và giúp đỡ. Ngày 14/11, Hitachi và FPT cùng đi thăm vùng Đông Bắc Nhật Bản, nơi xảy ra thảm họa khi xưa. "Người Nhật hay các nước Đông Á có thành ngữ rằng 'Chỉ khi gặp khó khăn mới biết ai là bè bạn' và tôi luôn cảm động vì điều rất tuyệt vời mà FPT đã làm", ông Sakuma nói.
Ông Ryuichiro Nakao, Chủ tịch Recruit Technologies (trái) và ông Hitoshi Fujiwara, Phó chủ tịch Fuji Xerox (phải). |
Rất nhiều CEO của các doanh nghiệp Nhật tiết lộ, họ chọn Việt Nam vì sự tương đồng về văn hóa và ẩm thực. "Điểm tôi đánh giá cao là người Việt Nam rất thích văn hóa Nhật. Người Nhật cũng thích người Việt Nam. Đây là cơ sở tốt để phát triển kinh doanh. Qua 4 năm hợp tác, tôi thấy năng lực của từng cá nhân rất cao. Nhiều kỹ sư Việt mới bắt đầu vào làm việc nhưng rất cố gắng và chỉ sau một vài năm thôi đã có thể lên một level cao rồi", Ryuichiro Nakao, Chủ tịch Recruit Technologies, nhận định. "Khi làm việc trong một tập thể thì sẽ vẫn đòi hỏi cần có năng lực cao hơn nữa. Nhiều người có khả năng làm việc trong một nhóm nhỏ nhưng khi làm việc trong một nhóm lớn thì lại chưa quen với công việc. Nhưng tôi tin là trong tương lai vấn đề này sẽ được giải quyết".
Ông Hitoshi Fujiwara, Phó chủ tịch Fuji Xerox, lại cho biết ông không chấm điểm cụ thể vì mỗi công ty có một giá trị khác nhau. "Nhưng đối với tôi, Việt Nam luôn xếp hạng ở trên và là đối tác có giá trị tương đương với Trung Quốc", ông Fujiwara khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết Việt Nam đang được xem như một điểm đến ưu tiên trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp Nhật. Theo số liệu thống kê, trong năm 2014, có trên 1.400 doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam, tăng 11% so với năm 2013. Trong đó, số doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT có xu hướng tăng mạnh.
Theo khảo sát của Cơ quan Xúc tiến CNTT Nhật Bản (IPA), trong 5 năm qua, có trên 60% doanh nghiệp Nhật khẳng định thiếu và rất thiếu nhân lực CNTT. Để góp phần giúp Nhật Bản giải quyết bài toán nhân lực, Việt Nam đang tích cực triển khai các chương trình đào tạo nhân lực CNTT thông thạo về ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật) và giỏi chuyên môn. Trong đó, sáng kiến triển khai Chương trình 10.000 kỹ sư cầu nối của Tập đoàn FPT cho thị trường Nhật Bản giai đoạn 2015-2020 được đánh giá cao.
Theo VnExpress
Ý kiến
()