Chia sẻ về "Nền tảng dữ liệu nguồn mở trong xây dựng Chính phủ số" trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế về Đô thị thông minh 2017 (Smart City 2017), CEO FPT IS Phạm Minh Tuấn cho biết, chương trình Công khai hóa dữ liệu (Open Data Program) đã được nhiều nước trên thế giới triển khai. Tại Singapore, từ năm 2011, Chính phủ đã thực hiện công khai hóa dữ liệu, và đến nay, hơn 70 cơ quan, bộ ban ngành áp dụng chương trình này. Singapore cũng đang lên kế hoạch cho chương trình tầm cỡ hơn, đó là số hóa toàn bộ đất nước và bắt tay với các "ông lớn" công nghệ để triển khai trong 3 năm tới.
Theo CEO FPT IS, ngoài việc làm minh bạch số liệu, giảm thiểu các vấn đề của chính quyền, Công khai hóa dữ liệu còn tạo ra công ăn việc làm, giúp doanh nghiệp tạo thêm những giá trị gia tăng. Thống kê năm 2016, Công khai hóa dữ liệu đã tạo ra hơn 25.000 việc làm cho khối cộng đồng châu Âu, mỗi năm tiết kiệm được 3,25 tỷ Euro.
Nhiều lãnh đạo trên thế giới đánh giá, dữ liệu đang được coi là mỏ dầu mới của xã hội, là loại tiền tệ mới giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho mỗi quốc gia. Mới đây, Gartner cũng đã công bố những giai đoạn chuyển đổi Chính phủ thông minh và đưa ra các mức độ trưởng thành của Chính phủ số. Giai đoạn đầu tiên là Chính phủ điện tử và mức độ 5 cao nhất là Chính phủ thông minh. Những giai đoạn ở giữa chủ yếu tập trung vào dữ liệu, lấy dữ liệu làm trung tâm.
Theo anh Phạm Minh Tuấn, FPT IS đã làm một đánh giá với TP HCM về độ sẵn sàng có thể triển khai chương trình Dữ liệu mở và kết quả rất khả quan. |
CEO FPT IS cho rằng, tại các thành phố lớn của Việt Nam (như TP HCM và Hà Nội) chỉ đang ở giai đoạn 1 và chuyển tiếp sang giai đoạn 2-3 của quá trình này. Do đó, việc công khai hóa dữ liệu là điều cần thiết hơn bao giờ hết.
Để công khai hóa dữ liệu, các nước trên thế giới chia làm 5 yếu tố chính: Xác định được dữ liệu nào ưu tiên công khai; Dữ liệu sạch, đảm bảo tính chính xác và kịp thời; Cần có một nền tảng quản trị dữ liệu khi công khai, đảm bảo truy cập theo phương thức thuận tiện nhất; Cần có cơ chế, thể chế đảm bảo quyền truy cập của người dân/doanh nghiệp đến kho dữ liệu này; Phân tích để tạo ra dữ liệu có giá trị cao đối với người sử dụng, đảm bảo cho việc khai thác, phân phối lại.
"Các nước trên thế giới đã triển khai dữ liệu mở đều gặp vấn đề chung khi chuyển đổi từ Chính phủ điện tử lên mô hình Chính phủ mở/Chính phủ số, đó là "cát cứ" dữ liệu, bởi kho dữ liệu của các sở, ban ngành đều có kho dữ liệu riêng và chúng rất ít được liên thông vì nhiều lý do. Lý do kỹ thuật thường được nhắc đến nhiều nhất, nhưng lý do chính là văn hóa, thói quen không chia sẻ, giữ lại sức mạnh cho riêng mình. Do đó, tháo bỏ được rào cản này sẽ là yếu tố quyết định đến việc thành công trong công khai hóa dữ liệu, đảm bảo được quy mô và giá trị cho dữ liệu khi cung cấp ra ngoài xã hội", anh Tuấn nhấn mạnh.
Gian hàng triển lãm giải pháp thông minh của FPT IS tại Hội nghị SmartCity 2017. |
FPT IS đã làm một đánh giá với TP HCM về độ sẵn sàng có thể triển khai chương trình Dữ liệu mở và kết quả rất khả quan.
Theo người điều hành FPT IS, có 4 yếu tố chính đảm bảo TP HCM triển khai chương trình này thành công: Sự quan tâm của lãnh đạo thành phố; Hạ tầng ICT của TP HCM đang ở mức tốt, sẵn sàng cho truy cập, công bố dữ liệu mọi lúc mọi nơi; Thành phố cũng có những dự án gom dữ liệu từ các quận/sở ban ngành về một trung tâm tập trung đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung; TP HCM luôn là đầu tàu phát triển kinh tế của cả nước nên quy mô dữ liệu là rất lớn, là tiền đề để các doanh nghiệp/tổ chức/thành phần kinh tế khai thác dữ liệu để tạo ra các giá trị gia tăng, thúc đẩy kinh tế trong tương lai.
“TP HCM đã áp dụng CNTT 20 năm qua nên có rất nhiều dữ liệu nằm ở khắp nơi. Vì vậy, FPT IS đề xuất, việc đầu tiên là thành phố cần gom dữ liệu tập trung về một ngân hàng dữ liệu, không phân biệt dữ liệu có cấu trúc hay phi cấu trúc; Lựa chọn thí điểm ngay một số bộ dữ liệu quan trọng với xã hội, có thể tạo ra giá trị gia tăng; Viết tiếp phần 2 của chương trình rất thành công của thành phố những năm 2000 là City Web, bây giờ sẽ xây dựng thành City API, cho phép người dân, các tổ chức có thể truy cập đầy đủ và kịp thời vào kho dữ liệu của thành phố", anh Tuấn cho hay.
Những dữ liệu ưu tiên công bố gồm: Y tế, sức khỏe, những thông tin liên quan đến license (giấy phép) các phòng khám, nhà thuốc; Dữ liệu về giao thông công cộng; Dữ liệu về cấp phép xây dựng. Việc công bố thể lệ qua website theo cách thức thông thường hoặc thông qua City API.
CEO FPT IS cho biết thêm, FPT trong thời gian qua đã xây dựng thành công hàng loạt platform, hỗ trợ rất nhiều chương trình và xây dựng các giải pháp liên quan đến thành phố thông minh, các chương trình dữ liệu mở như: Data scientists, FPT AI, FPT Cloud, FPT Open API, FPT Chat bot... Ví dụ, FPT AI đã tự động thực hiện hơn 50.000 cuộc gọi mỗi ngày dựa trên cơ sở dữ liệu của ngân hàng, bảo hiểm; Đo đếm lưu lượng giao thông, thông báo tình hình kẹt xe, dự báo giờ xe buýt… cũng đều được thực hiện dựa trên những platform của FPT.
“FPT có nguyện vọng được đồng hành TP HCM trong việc thực hiện công khai hóa dữ liệu, ứng dụng các công nghệ nền tảng của FPT đã được triển khai thành công tại Việt Nam và một số quốc gia khác để hiện thực hóa phần 2 của câu chuyện City Web là City API, góp phần thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa, minh bạch và tạo ra nhiều giá trị gia tăng trong xã hội, hỗ trợ TP HCM tiếp tục dẫn đầu về kinh tế - chính trị - xã hội", anh bày tỏ.
Với nhu cầu xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh, UBND thành phố phối hợp với Tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức “Hội nghị quốc tế về Thành phố thông minh” vào ngày 25/10, tại khách sạn Sheraton Sài Gòn. Sự kiện được tài trợ chính bởi FPT. Hội nghị đã thu hút trên 550 đại biểu, trong đó có hơn 50 đại biểu quốc tế đến từ 6 quốc gia và nền kinh tế gồm: Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Nga, Đài loan và Thái Lan; lãnh đạo thành phố và các sở ban ngành đến từ 31 tỉnh, thành phố trên cả nước... Trong khuôn khổ sự kiện, Chủ tịch FPT kiêm Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình đã điều phối phiên thảo luận liên quan đến chuyên đề Thành phố thông minh - tầm nhìn của lãnh đạo các thành phố; anh Phan Thanh Sơn - GĐ Công nghệ FPT IS, điều phối phiên thảo luận "Nền tảng Internet vạn vật cho thành phố thông minh"; anh Phạm Minh Tuấn - TGĐ FPT IS, với phần chia sẻ về Nền tảng dữ liệu nguồn mở trong xây dựng Chính phủ số. Trong lễ vinh danh 50 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2017 (Vietnam's 50 Leading IT Companies), FPT IS và FPT Software là hai đơn vị đại diện của FPT lọt vào danh sách này. |
Hà Dương
Ý kiến
()