TGB - Seminar on Leadership với chủ đề "Blockchain và ICO" diễn ra lúc 14h-16h ngày 30/7 tại tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội.
Chủ trì buổi thảo luận là Chủ tịch FPT Trương Gia Bình. Người chia sẻ nội dung là anh Vương Quang Long (Long Vương), người sáng lập Tomochain, một trong hai ICO thành công nhất Việt Nam. Chương trình thu hút sự tham dự của TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc, PTGĐ FPT Nguyễn Thế Phương và CTO FPT Lê Hồng Việt cùng hơn 40 CBNV đến từ các đơn vị trong tập đoàn.
Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 40 CBNV FPT đến từ các đơn vị trong tập đoàn. |
Mở đầu buổi chia sẻ, anh Long Vương đã giới thiệu dự án Tomochain mà anh và các cộng sự đang phát triển. Ra đời năm 2016, Tomochain là giải pháp được sử dụng để giải quyết vấn đề mở rộng vốn gặp phải trên nền tảng Ethereum nói chung, cũng như các hệ sinh thái blockchain nói riêng.
“Sứ mệnh của chúng tôi là trở thành một lực lượng hàng đầu trong việc xây dựng Internet giá trị, thiết kế cơ sở hạ tầng và làm việc để tạo ra một hệ thống tài chính thay thế an toàn, minh bạch, hiệu quả, hòa nhập và công bằng hơn cho tất cả mọi người”, anh Long chia sẻ. Tầm nhìn của Tomochain là trở thành công ty dẫn đầu về công nghệ và ứng dụng Blockchain tác động mạnh đến xã hội trong tương lai.
Tomochain đang tập trung nghiên cứu và phát triển hạ tầng Blockchain bao gồm: Sự đồng thuận (Consensus); Khả năng mở rộng (Scalability) và Nhận dạng - Bảo mật (Identity & Privacy). Bên cạnh đó, Tomochain còn phát triển những ứng dụng cụ thể của Blockchain để tìm ra đâu là những điểm mạnh đã đưa Blockchain trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống công nghệ.
Blockchain - Chuỗi khối, tên ban đầu của nó là block chain, là một hệ thống cơ sở dữ liệu chứa thông tin, được dùng để lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau, và được quản lý bởi tất cả mọi người tham gia hệ thống, thay vì một bên thứ ba riêng lẻ như nhà nước hay ngân hàng trung ương; đồng thời cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn bằng một hệ thống mã hóa phức tạp, và được mở rộng theo thời gian.
Blockchain được tạo ra để chống lại sự thay đổi dữ liệu trong hệ thống, đồng thời công nghệ blockchain (Blockchain technology) cũng có một tính năng rất đặc biệt, đó là truyền tải dữ liệu không đòi hỏi một trung gian nào để xác nhận thông tin. Bởi trong hệ thống Blockchain tồn tại rất nhiều nút hoạt động độc lập có khả năng xác thực thông tin trong hệ thống mà không đòi hỏi “dấu hiệu của niềm tin”.
Blockchain được các chuyên gia trên thế giới ví như một cuốn sổ kế toán chính (hay còn gọi là cuốn sổ cái) của một công ty, nơi mà mọi hoạt động liên quan đến tiền của công ty được giám sát rất chặt chẽ. Trong trường hợp này, Blockchain là một cuốn sổ cái hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, và dữ liệu được lưu trữ là các dữ liệu số.
Anh Vương Quang Long (Long Vương), CEO Tomoapp Vietnam và là người đứng đầu dự án của Tomocoin. Anh nghiên cứu blockchain và bitcoin vào khoảng tháng 8/2013, sau đó tham gia đóng góp xây dựng NXT blockchain và sau đó đồng sáng lập NEM blockchain từ tháng 1 đến 8/2014. Dự án Tomo bắt đầu có ý tưởng vào tháng 10/2016 và bắt đầu phát triển từ tháng 1/2017. |
Trong hệ thống Blockchain chia thành 3 loại chính, gồm: Public Blockchain là hệ thống blockchain mà bất kỳ ai cũng có quyền đọc và ghi dữ liệu trên Blockchain được. Quá trình xác thực giao dịch trên Blockchain này đòi hỏi phải có hàng nghìn hay thậm chí là hàng vạn nút tham gia. Do đó, để tấn công vào hệ thống Blockchain này là điều bất khả thi vì chi phí rất cao.
Loại thứ hai là Private Blockchain. Đây là hệ thống blockchain cho phép người dùng chỉ được quyền đọc dữ liệu, không có quyền ghi vì điều này thuộc về một bên thứ ba tuyệt đối tin cậy. Bên thứ ba này có thể hoặc không cho phép người dùng đọc dữ liệu trong một số trường hợp. Bên thứ ba toàn quyền quyết định mọi thay đổi trên Blockchain.
Cuối cùng là Permissioned Blockchain, hay còn gọi là Consortium, là một dạng của Private Blockchain nhưng bổ sung một số tính năng nhất định, kết hợp giữa “niềm tin” khi tham gia vào Public và “niềm tin tuyệt đối” khi tham gia vào Private. Ví dụ: Các ngân hàng hay tổ chức tài chính liên doanh sẽ sử dụng Blockchain cho riêng mình.
Anh Long cho biết, Blockchain là một công nghệ với rất nhiều ứng dụng hữu ích trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: ngân hàng, giáo dục, kinh tế, y tế, game, thương mại điện tử... và thậm chí là nông nghiệp. Tuy nhiên, ở thị trường Việt Nam hiện nay, sự phát triển của Blockchain còn khá hạn chế, bó hẹp.
“Việt Nam mới chỉ quan tâm tới công nghệ này khoảng một năm trở lại đây. Ngay cả những nước có nền công nghệ phát triển họ cũng mới phát triển công nghệ này 2-3 năm nay”, người sáng lập Tomochain cho hay. Anh Long cũng khẳng định, Việt Nam vẫn là thị trường có quy mô nhỏ nên những nhà đầu tư trong nước phát triển công nghệ blockchain vẫn hoạt động nhiều ở thị trường quốc tế.
“Vì là công nghệ mới nên Việt Nam đang đứng trước cơ hội giành vị trí tiên phong trong công nghệ cách mạng mới nếu có sự đầu tư bài bản về nguồn lực của nhà nước và cộng đồng để phát triển. Về mặt thuận lợi, Việt Nam có nền tảng công nghệ rất tốt. Thậm chí, một số công ty công nghệ thế giới muốn đặt trụ sở ở Việt Nam để tận dụng nguồn nhân lực có chất lượng cao, tiếp thu nhanh. Nếu trong tương lai, Việt Nam có hành lang pháp lý cho hoạt động này thì đây là cơ hội phát triển mạnh mẽ”, anh Long nói.
Đại diện ICO thành công nhất Việt Nam cũng cho biết, mặc dù Việt Nam chưa có văn bản pháp lý cụ thể cho hoạt động công nghệ này nhưng qua trao đổi, lãnh đạo các bộ, ngành đều tỏ ra ủng hộ sự phát triển công nghệ mới này. Đó cũng là lý do những đối tác, chủ yếu đến từ Trung Quốc, đang rất quan tâm tới thị trường blockchain tại Việt Nam.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đánh giá cao những thành công trong việc tiên phong phát triển công nghệ Blockchain tại Việt Nam của Tomochain. |
“Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm hiểu và đầu tư blockchain vào Việt Nam nhưng họ không biết làm cách nào để đầu tư hợp pháp”, anh Long nhận định.
Đứng trước bài toán làm sao để không gian Blockchain ở Việt Nam được mở rộng và phát triển, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đưa ra giải pháp là mở diễn đàn về Blockchain để cùng bàn luận sâu hơn về nó, từ đó, các doanh nghiệp sẽ cùng đưa ra đề xuất với Chính phủ. Tuy nhiên, anh Bình nhấn mạnh rằng để Chính phủ chấp nhận những đề xuất đó, cộng đồng chuyên gia Blockchain cần phải nêu rõ lợi ích của ứng dụng Blockchain đối với đất nước và đưa ra được các ví dụ điển hình về sự thành công của Blockchain mà các nước khác đã triển khai.
Rất hào hứng với những nội dung mà diễn giả chia sẻ tại hội thảo, anh Bùi Đình Giáp (FPT Software) bày tỏ: “Qua hội thảo, tôi biết thêm được câu chuyện thành công rất tuyệt vời về ICO và ứng dụng của Blockchain ở Việt Nam. Mặc dù chưa thể áp dụng nhiều vào công việc nhưng đó cũng là một thứ mà mình sẽ nghĩ đến trong quá trình xây dựng giải pháp cho khách hàng”.
Nội dung buổi hội thảo không chỉ thu hút sự thảo luận, đóng góp từ chính những người tham gia trực tiếp mà còn nhận được rất nhiều sự quan tâm từ những CBNV FPT theo dõi qua livestream trên FPT Workplace, với hơn 2.000 lượt xem cùng gần 50 bình luận.
Diệu Anh
Ý kiến
()