Chúng ta

Biến ứng dụng thành một người bạn

Thứ bảy, 14/11/2015 | 16:38 GMT+7

Với mong muốn tạo ra một ứng dụng chỉ đường không chỉ là “cẩm nang” mà còn là một người bạn thật sự của người dùng, 5 thành viên của nhóm AWI từ ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TPHCM) đã mang “Bạn đồng hành giao thông” đến với SMAC Challenge năm nay. 

"Đội quân" AWI có đến 4 thành viên đã quen nhau từ trước gồm Trần Văn Toàn, Phạm Hoàng Long, Vũ An Khang (đều đang là sinh viên khoa Mạng máy tính và truyền thông) và Nguyễn Văn Tân (sinh viên khoa Kỹ thuật phần mềm). Khi biết đến cuộc thi SMAC Challenge do FPT tổ chức, cả nhóm quyết định đăng ký tham dự. Lúc ấy, Tân rủ bạn cùng lớp của mình là Lưu Công Chình “nhập bọn”.

Số thành viên đã chốt, nhưng ý tưởng thì chưa có. Buổi họp đầu tiên của cả nhóm bắt đầu bằng việc cân nhắc ý tưởng. “Chúng tôi đề ra kế hoạch ban đầu là mỗi người cố gắng có ít nhất một ý tưởng, sau đó sẽ tổng hợp lại, chọn ra cái duy nhất và phù hợp nhất”, Tân kể. Quá trình bầu chọn nhóm trưởng cũng diễn ra ngay sau đó với lựa chọn là “ma mới” Công Chình.

DSC-2929-JPG-7892-1447488760.jpg

Các thành viên AWI đều đang là sinh viên năm thứ 4 trường ĐH CNTT (ĐHQG TPHCM). Ảnh: V.N.

Song, việc nghĩ ra ý tưởng không hề dễ dàng. “Khá khó khăn trong khâu này vì chúng tôi không chắc liệu ý tưởng của mình có thực tiễn và đáp ứng nhu cầu của người dùng hay không”, Toàn nhớ lại. Cuối cùng thì cả đội đã tán thành với “Bạn đồng hành giao thông”. “Ý tưởng này xuất phát từ nhu cầu thực tế của không chỉ các thành viên AWI mà cũng là của các bạn sinh viên trong trường nói chung. Khi chúng tôi muốn đến một địa điểm, nhiều lúc không biết phải di chuyển như thế nào, đường đi nào là ngắn nhất. Và nhóm đã nghĩ đến việc tạo ra một ứng dụng qua giọng nói giải quyết vấn đề này”, Long chia sẻ.

Chình cho hay, trước khi bắt tay vào làm việc, các thành viên đã nghiên cứu các ứng dụng tương tự trên thị trường và nhìn nhận đây là một hướng đi hoàn toàn mới mẻ với cả nhóm. “Vì vậy chúng tôi phải nghiên cứu rất kỹ thị trường cũng như sở thích người dùng để có được sản phẩm ưng ý nhất”, trưởng nhóm tiết lộ.

Trong khi đó, Toàn phân tích rằng các ứng dụng tại Việt Nam thường ít kết hợp chỉ đường bằng giọng nói, đồng thời cũng không có sự tương tác trực tiếp giữa người và máy. “Bạn đồng hành giao thông” sẽ làm được điều này. Cụ thể hơn, đó là vấn đề giao tiếp giữa người dùng và ứng dụng. “Chúng tôi muốn tạo cảm giác thân thiện với người dùng, biến ứng dụng trên điện thoại thành một người bạn chứ không đơn thuần là một sản phẩm mà khi cần đến người ta mới sử dụng”, Khang dẫn giải.

Từ lúc chốt ý tưởng cho đến khi có được sản phẩm ban đầu với các tính năng chỉ đường cơ bản, AWI mất hơn một tuần để làm được điều đó. “Chủ yếu là việc tìm hiểu các dịch vụ được FPT cung cấp và cách lấy dữ liệu đường đi từ Google”, Khang tiếp lời.

DSC-2926-JPG-4034-1447488760.jpg

AWI trình bày sản phẩm của mình tại vòng loại. Ảnh: V.N.

Công việc được phân chia rất cụ thể. Chình đóng vai trò người dẫn dắt, quản lý tiến độ, thiết kế dịch vụ web và khách hàng. Tân và Long chịu trách nhiệm phần xử lý ngôn ngữ tự nhiên và AIML.Trong khi đó, Toàn và Khang sẽ cùng nhau làm phần việc sử dụng API Google để lấy dữ liệu về địa điểm, đường đi. Việc phân chia này dựa vào thế mạnh riêng của từng thành viên. “Trong quá trình thực hiện, nếu có bất kỳ vấn đề gì thì các thành viên thông báo với nhau qua Facebook để cùng tìm hướng giải quyết”, Long thổ lộ.

Không chỉ liên tục nắm bắt tình hình của nhau qua mạng xã hội, cả nhóm thường xuyên có những buổi gặp mặt hằng tuần để cùng nhau trả lời các câu hỏi như đã thực hiện những công việc gì, việc tiếp theo là gì và thực hiện ra sao. “Cũng trong lúc đó, chúng tôi sẽ điều chỉnh công việc sao cho phù hợp nhất”, Tân nói.

“Bạn đồng hành giao thông” là ứng dụng có khả năng tìm địa điểm và chỉ đường bằng giọng nói. Khi người dùng muốn đến một địa điểm, họ chỉ cần nói ra vị trí đó. Ngay lập tức, ứng dụng sẽ làm công việc tìm kiếm và xác nhận địa điểm bắt đầu cũng như kết thúc. Sau đó, sản phẩm thông minh này sẽ hỏi người dùng phương tiện mà họ muốn di chuyển và tùy thuộc vào từng loại hình sẽ trả những kết quả tương ứng.

Ứng dụng có ưu điểm là sử dụng giọng nói. Khi người dùng đang điều khiển giao thông, sẽ rất nguy hiểm khi cùng lúc dò đường. “Sẽ dễ dàng hơn nếu ta chỉ cần nghe qua điện thoại và không cần nhìn vào màn hình. Bên cạnh đó, ứng dụng cũng hỗ trợ tốt cho trẻ em chưa biết đọc và người khuyết tật”, AWI mô tả.

“Bạn đồng hành giao thông” bao gồm các chức năng: tìm địa điểm, chỉ đường đến điểm được yêu cầu, chỉ đường cho các phương tiện cụ thể, chỉ dẫn các lựa chọn ưu tiên khi di chuyển và tính toán khoảng cách, thời gian của hành trình. Ứng dụng có thể chạy được trên nhiều nền tảng, hệ thống khác nhau với mô hình Client – Server. Các công nghệ được áp dụng bao gồm: Speech to Text: API Google, Tech to Speech: API FPT Software, Ngôn ngữ trí tuệ nhân tạo: AIML, Cloud: CitusPass và WebService: J2EE.

DSC-2931-JPG-7647-1447488760.jpg

Các thành viên AWI chạy thử và diễn giải ứng dụng của mình trước Ban giám khảo. Ảnh: V.N.

Sau vòng thi trước, cả nhóm cho biết sản phẩm đã chạy thành công nhưng cũng nhìn nhận là các tính năng vẫn còn hạn chế và chưa chuyên sâu. Sau khi cùng nhóm họp, AWI quyết định bổ sung vào ứng dụng của mình các chức năng như hiển thị bản đồ kết hợp giọng nói, chỉ đường có cung cấp thêm GPS, hỗ trợ thêm phương tiện xe buýt cũng như hoàn thiện hơn chức năng tìm kiếm địa điểm.

Trước vòng thi bán kết, hỏi họ đã chuẩn bị gì, ngoài việc hoàn thiện các tính năng, sự tự tin cũng là điều mà AWI trang bị cho mình. “Vì chúng tôi biết rằng sự cạnh tranh và căng thẳng của vòng bán kết là không hề nhỏ”, Long hóm hỉnh bày tỏ.

Cả 5 nhân tố của AWI đều đang là sinh viên năm thứ 4 với bộn bề giữa việc học và hoạch định tương lai của một năm áp chót (số năm học tại trường ĐH CNTT là 4,5 năm). Chặng đường sinh viên của họ sắp kết thúc và tất cả đều tán thành SMAC Challenge là một cơ hội “thử lửa” thật sự để tích lũy kinh nghiệm trước khi chính thức bước ra “trường đời”. Bằng sự nghiêm túc và không ngừng học hỏi, những chàng sinh viên này đang tự tạo bàn đạp cho chính mình trong tương lai không xa.

>> Chàng trai "một mình một ngựa" thi SMAC Challenge

Yến Nhi

Ý kiến

()