Chúng ta

Biến dữ liệu lớn thành công cụ kinh doanh

Thứ sáu, 9/1/2015 | 14:27 GMT+7

Khối lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra mỗi ngày đang dẫn đến cuộc cách mạng trong việc khai thác để phục vụ doanh nghiệp. Theo Mashable, ngày càng nhiều các "ông lớn" dùng dữ liệu lớn để phân tích xu hướng thị trường như công cụ kinh doanh.

Trang công nghệ Mashable nhận định, những đột phá trong phân tích dữ liệu lớn (Big Data) từ nhiều năm trước đang đem đến thành quả là các sản phẩm và dịch vụ ra đời trong năm nay, với mức ảnh hưởng sâu rộng trong tương lai loài người.

Năm 2010, CEO Google - Eric Schmidt, công bố thế giới tạo ra 5 exabyte dữ liệu trong 2 ngày, và bây giờ con số đó có thể tăng gấp đôi. Chúng ta không chỉ tạo ra dữ liệu; chúng ta đang chiếm giữ nó ở một tốc độ chưa từng có, đầu tiên là thông qua các trang web và bây giờ là thông qua các ứng dụng điện thoại di động và cảm biến mà chúng ta sẽ mang trong năm 2015.

Với tốc độ tạo ra và thu thập dữ liệu ở mức "không tưởng" như hiện tại, cụ thể là trong 2 ngày thế giới có thể tạo ra khoảng 10 exabyte (1 exabyte = 1 triệu ổ cứng dung lượng 1 TB), những công ty như Intel và IBM sẽ biến khối lượng dữ liệu này thành công cụ lợi hại trong quy trình ra quyết định, phục vụ cho mảng kinh doanh và dịch vụ.

ibm-watson-800px.jpg

Siêu máy tính Watson của IBM sẽ tăng khả phân tích dữ liệu lớn cho từng ngành kinh doanh riêng. Ảnh: WSJ.

Rõ ràng hơn, IBM sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của siêu máy tính Watson để xử lý dữ liệu lớn (Big Data) và giới thiệu công nghệ máy tính thông minh cho từng ngành nghề riêng biệt. Trong khi đó, Intel lại đang nỗ lực xây dựng các phần cứng và nền tảng cần thiết cho những công ty cần sử dụng dữ liệu lớn để phân tích xu hướng thị trường với tham vọng biến dữ liệu lớn thành công cụ kinh doanh. Thay vì ra quyết định dựa trên xu hướng thị trường hoặc nhu cầu khách hàng như trước đây, trong năm tới doanh nghiệp sẽ dựa trên các phân tích dữ liệu cứng mà họ có sẵn để tung ra sản phẩm và dịch vụ mới.

Theo một báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu thị trường IDC, doanh thu đến từ thị trường dữ liệu lớn đã tăng lên 16,1 tỷ USD trong năm 2014 và sẽ tiếp tục tăng trưởng kép với tốc độ 27% và đạt đến 32,4 tỷ USD vào năm 2017.

Big Data hứa hẹn sẽ cho phép các doanh nghiệp mới khai thác thị trường nhanh chóng và hiệu quả hơn trước rất nhiều. Mảng bán lẻ hiện là nơi mà Big Data và Internet được đầu tư rõ ràng và dễ thấy nhất. Chẳng hạn, khi mua sắm online trên eBay, Amazon hoặc những trang thương mại điện tử, các trang này sẽ đưa ra những sản phẩm gợi ý tiếp theo. Nếu bạn xem điện thoại, nó sẽ gợi ý mua thêm ốp lưng, pin dự phòng; hoặc khi mua áo thun sẽ có thêm gợi ý quần jean, dây nịt… Do đó, nghiên cứu được sở thích, thói quen của khách hàng cũng gián tiếp giúp doanh nghiệp bán được nhiều hàng hóa hơn. Những thông tin về thói quen, sở thích này có được từ lượng dữ liệu khổng lồ các doanh nghiệp thu thập trong lúc khách hàng ghé thăm và tương tác với trang web của mình.

26408581-ml.jpg

Big Data hứa hẹn sẽ cho phép các doanh nghiệp mới khai thác thị trường nhanh chóng và hiệu quả hơn trước rất nhiều. Ảnhrcrwireless.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp không kinh doanh trực tuyến vẫn có thể tận dụng được Big Data để nâng cao doanh thu. Chẳng hạn một nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh cũng có thể dùng những dữ liệu ghi lại khi khách hàng mua sắm ở cửa hàng để nghiên cứu cách người tiêu dùng lựa chọn ở các kệ hàng, rồi cải tiến bao bì sản phẩm để thu hút họ tốt hơn.

Khối lượng dữ liệu khổng lồ trên cũng dẫn đến cuộc cách mạng trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. Chẳng hạn, Microsoft đang sử dụng năng lực học hỏi của máy tính để phân tích các cuộc đối thoại nhằm giúp phần mềm Skype Translator không những dịch trực tiếp mà còn bắt chước lối nói mang đậm phong cách cá nhân riêng lẻ. Trong năm 2014, chương trình máy tính Eugne Groostman đã đánh bại phép thử Turing (là một bài kiểm tra khả năng trí tuệ của máy tính). Năm nay, đến lượt các phần mềm, phần cứng có thể học hỏi và suy nghĩ như con người, hứa hẹn viễn cảnh dựng nên cách tư duy giống người trên máy tính. Chẳng hạn, nhà nghiên cứu trí thông minh nhân tạo Demis Hassabis của Google đang nỗ lực tái tạo, hay ít nhất là bắt chước, cách thức các dây thần kinh ở người hoạt động trong môi trường silicon và mật mã máy tính.

Big Data là thách thức đặt ra cho các tổ chức, doanh nghiệp trong thời đại số hiện nay. Một khi làm chủ được dữ liệu lớn thì họ sẽ có cơ hội thành công lớn hơn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong khi người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi hơn từ việc trích xuất thông tin một cách chính xác hơn, hữu ích hơn với chi phí thấp hơn.

Nguyên Văn

Ý kiến

()