Ngoài sự hiện diện rộng khắp trong lĩnh vực thương mại điện tử toàn cầu, Amazon vẫn giữ vị trí top 1 trên thị trường điện toán đám mây (cloud) trong quý vừa qua với doanh thu chạm mốc hơn 11 tỷ USD, tương đương 32%, cao hơn so với quý liền trước (31%). Xếp sau là Azure với tỷ lệ tăng trưởng 19%, Google vượt 7% và Alibaba tăng 6%.
"Kết quả của Amazon cho thấy họ vẫn tiếp tục là người hưởng lợi từ việc hoạt động thường ngày bị gián đoạn do đại dịch", Neil Saunders - nhà phân tích tại GlobalData Retail nhận định.
Các doanh nghiệp cloud còn lại chiếm 37%, trong đó gồm IBM, Oracle với tỷ lệ thấp hơn 6%, Tencent và Huawei cũng chưa ghi nhận ấn tượng mới trong mảng dịch vụ này.
Matthew Ball - Trưởng nhóm nghiên cứu Canalys, khẳng định phần lớn doanh nghiệp đã rút ra được bài học sau đợt dịch đầu tiên, khiến họ không còn lưỡng lự khi dành nguồn vốn để đầu tư vào cloud. Sự bất ổn định của thời điểm hiện tại khiến giải pháp làm việc trực tuyến được đưa lên hàng đầu, dẫn tới việc các hãng dịch vụ cloud “chốt” được thêm hợp đồng mới và vẫn phát triển đều đặn.
“Tối ưu tài chính là xu hướng chung mà các doanh nghiệp đang tập trung. Họ giảm ngân sách vào các trung tâm dữ liệu, hạ chi tiêu cho việc thuê ngoài. Một số khác chuyển hẳn sang mô hình kinh doanh mới hoàn toàn, lấy cloud làm nền tảng”, Matthew Ball nhận định.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết đội ngũ vận hành doanh nghiệp nên xác định đúng bộ phận nào của công ty cần chuyển dịch lên cloud. Các khoản đầu tư cần nhắm tới những mục tiêu xa hơn, khi mô hình Multi-cloud (đa mây) và Hybrid Cloud (mây phức hợp) sẽ bổ sung thêm các loại hình dịch vụ mới cho thị trường.
“Điều này bao gồm sự giao thoa giữa cloud và 5G, mang lại làn sóng tăng trưởng tiếp theo cho các hãng cung cấp dịch vụ cloud”, Blake Murray, Chuyên gia phân tích tại Canalys, đánh giá, “Đồng thời, sự cạnh tranh của các ‘gã khổng lồ’ ở phân khúc điện toán biên cũng hấp dẫn không kém. AWS có Wavelength, Microsoft có Edge Zones và Google có Mobile Edge Cloud”.
Cloud là thị trường sốt dẻo nhất trong năm 2020. |
Hãng nghiên cứu Gartner cho biết, AWS vốn đã chiếm lĩnh thị trường nhiều năm, với 45% thị phần kể từ năm 2019. Cho đến khi các phương thức giao tiếp trực tuyến bùng nổ hồi đầu năm nay, đơn cử như Slack và Zoom, xu hướng này đã tiếp tục đưa lợi nhuận của AWS lên cao bao giờ hết. Trong đó, nguồn thu chính của mảng cloud đến từ trường học, chính phủ, công ty khởi nghiệp, các tập đoàn lớn trong suốt mùa dịch.
Trả lời tờ CNBC, Amazon CFO Brian Olsavsky chia sẻ rằng nhóm khách hàng hiện tại đã tiết kiệm phần lớn chi phí khi có sẵn nền tảng cloud do AWS quản lý. Phần còn lại là giúp họ tối ưu hóa việc vận hành trên không gian mạng và bổ trợ thêm công cụ quản lý.
Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng dương của mảng cloud cũng đã góp phần duy trì sự ổn định cho Amazon khi chiếm gần 57% lợi nhuận trước thuế của hãng này. Hồi đầu tháng, bản báo cáo dài 449 trang được gửi cho Cơ quan Tư pháp Hạ viện Mỹ nêu rõ việc Amazon dùng lợi nhuận từ AWS để bù đắp cho các mảng kinh doanh khác của công ty.
Vị GĐ tài chính của Amazon cũng đề cập việc sử dụng nguồn thu nhập để cải thiện môi trường làm việc của nhân viên tại các kho bãi, đảm bảo vệ sinh, nới lỏng thời gian nghỉ ngơi, thực hiện quy định giãn cách tối thiểu và quan trọng nhất là lương tháng cho phần lớn người lao động của Amazon.
Năm nay, số lượng nhân viên Amazon tăng 50%, đạt quy mô 1,12 triệu lao động toàn thời gian. Con số này chưa bao gồm bộ phận làm việc theo hợp đồng khoán và thời vụ. 2020 cũng là năm đầu tiên Amazon tổ chức Hội nghị khách hàng thường niên bằng hình thức trực tuyến tại Las Vegas từ 30/11 đến 18/12. Ở đó, họ công bố doanh thu Amazon quý III tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái và ước tính sẽ kết thúc năm với doanh thu 112,3 tỷ USD.
>> 9 ‘chữ vàng’ đưa Amazon thành thương hiệu nghìn tỷ USD
Đình An
Ý kiến
()