Chúng ta

Apple dùng quyền riêng tư để cạnh tranh

Thứ sáu, 18/12/2020 | 11:55 GMT+7

Bảo vệ quyền riêng tư dường như trở thành "mặt trận" để các hãng công nghệ thu hút người dùng từ phía đối thủ

62-Privacy-1-4935-1608197179.jpg

“Privacy” trở thành ưu thế cạnh tranh. Ảnh: TechCrunch

Tháng trước, bang California vừa bỏ phiếu thông qua Dự luật 24 - loại tài liệu pháp lý trình bày quy định mới về việc thu thập dữ liệu khách hàng. Như một phần trong Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư tại California (CCPA) công bố từ hai năm trước, Dự luật 24 ghi rõ, công dân giờ đây có quyền không tham gia vào điều khoản chia sẻ hoặc bán dữ liệu cá nhân. Đồng thời, các công ty công nghệ phải “tuân thủ” việc giảm hoạt động lấy dữ liệu từ người dùng.

TechCrunch nhận định, cơ sở pháp lý vừa nêu sẽ giới hạn năng lực thu thập thông tin của doanh nghiệp, trong đó gồm Facebook, Apple, Uber và Google - những “gã khổng lồ” công nghệ có trụ sở tại California.

Tuy nhiên, giới chuyên gia lại nhận định trong “nguy” vẫn có “cơ”. Bên cạnh việc chấp hành quy định mới, đây sẽ là điều kiện phù hợp để các hãng tạo nên khác biệt so với đối thủ bằng việc tạo ra những mô hình công nghệ thích hợp, hỗ trợ người dùng tăng khả năng kiểm soát dữ liệu.

Lấy Apple làm ví dụ. Vào thời điểm Google và Facebook đang loay hoay với những giải trình về việc khai thác thông tin người dùng, CEO Tim Cook đã đưa vai trò của quyền riêng tư thành lợi thế cạnh tranh của hãng.

“Sign In With Apple” - một trong những tính năng đẩy tối đa quyền riêng tư, cho phép khách hàng đăng nhập vào bất kỳ ứng dụng nào có liên kết với Apple mà không cần chia sẻ thông tin cá nhân với nhà phát triển ứng dụng. Gần đây nhất, “Privacy Matters” là chiến lược tiếp thị đã xuất hiện trên hơn 10.000 bảng quảng cáo từ năm 2019, liên tục có mặt trong khung giờ vàng nhằm nhấn mạnh việc Apple luôn lấy bảo mật thông tin khách hàng làm trọng tâm.

Tháng 9 vừa qua, đoạn videoclip dài hơn 1 phút với tên gọi “Privacy. That’s iPhone” đã thu hút hơn 25 triệu người xem, đưa Apple thành chủ đề sôi nổi khi nói đến tính bảo mật. “Sự thật là, chúng tôi hoàn toàn có thể kiếm lợi từ người dùng”, vị CEO Apple trả lời kênh truyền hình MSNBC, “nhưng Apple được sinh ra không phải để làm chuyện đó”.

Qua đó, lập luận từ phía công ty có giá trị nhất thế giới không chỉ giúp họ thỏa điều kiện về quy định bảo mật trong CCPA mà còn thay Apple gửi một thông điệp mạnh mẽ đến các hãng cùng ngành, đồng thời khẳng định vị thế của họ với “fan Táo”.

Thời đại của quyền riêng tư

Có thể thấy, thông tin cá nhân bị sử dụng không kiểm soát đã trở thành đề tài tranh luận trong những năm gần đây. Những vụ người dùng bị tuồng dữ liệu ra ngoài - như Cambridge Analytica hay công ty báo cáo tín dụng của Mỹ Equifax từng mắc phải, đã đặt nghi vấn về phương thức thu thập và bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng dịch vụ từ các hãng.

Theo tổng hợp, Edelman Communications tiết lộ chỉ 52% người tiêu dùng tin tưởng doanh nghiệp và chỉ 41% người dùng trên thế giới có niềm tin vào chính phủ. Hãng IBM bổ sung thêm rằng có đến 85% người tiêu dùng cho rằng các hãng nên chủ động hơn trong quy trình bảo mật dữ liệu. Riêng Salesforces - hãng dịch vụ điện toán đám mây của Mỹ, thống kê có hơn 60% khách hàng lo lắng về tài khoản cá nhân trong suốt hai năm qua.

TechCrunch nhận định, sẽ khó để dự đoán cuộc khủng hoảng “niềm tin” diễn ra vào thời điểm nào khi đã có nhiều làn sóng phản đối, như phong trào #DeleteFacebook cho thấy hơn 75% người dùng sẽ không sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp mà họ không tin vào hệ thống an ninh dữ liệu.

Đây không những là câu chuyện chung của “Big Tẹch” (các tập đoàn công nghệ tư nhân vĩ mô) mà ngay cả lĩnh vực do nhà nước làm chủ cũng chịu tác động. Từ đó, sự cam kết bảo mật của giới doanh nghiệp như Apple đang thực hiện, hay bộ quy tắc được nêu rõ trong Đạo luật CCPA sẽ song hành cùng nhau để giữ sự trung thành của công chúng với hoạt động công nghệ.

>> Microsoft cập nhật Office trên Macbook dùng chip M1

Đình An

Ý kiến

()