Chúng ta

Anh Hoàng Việt Anh: 'Doanh nghiệp không chuyển đổi số sẽ bị bỏ lại'

Thứ sáu, 23/7/2021 | 11:49 GMT+7

PTGĐ FPT phụ trách chuyển đổi số Hoàng Việt Anh cùng 2 Chủ tịch tập đoàn TH True Milk và Asanzo bàn về nhu cầu phải chuyển đổi số để đảm bảo hoạt động sản xuất trong giai đoạn giãn cách.

Trong khuôn khổ CTO Summit 2021 do VnExpress tổ chức, CTO Talks với chủ đề "Chuyển đổi số trong sản xuất" diễn ra ngày 22/7, bàn về việc các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đang chuyển đổi số đến đâu, gặp những khó khăn gì và làm sao để chuyển đổi số hiệu quả. Ba diễn giả của buổi tọa đàm trực tuyến là PTGĐ FPT kiêm Chủ tịch FPT Digital Hoàng Việt Anh, Chủ tịch Tập đoàn TH True Milk Ngô Minh Hải và Chủ tịch Tập đoàn điện tử Asanzo Phạm Văn Tam.

Bật mí kinh nghiệm duy trì sản xuất, vượt qua bất ổn của đại dịch, ông Ngô Minh Hải cho biết: "Chuyển đổi số là cứu tinh của kinh tế toàn cầu trong bối cảnh Covid-19 phủ bóng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Nhưng nhìn theo hướng tích cực, đại dịch cũng giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp vẫn có thể duy trì hoạt động sản xuất và phát triển ổn định nhờ ứng dụng công nghệ".

Chia sẻ quan điểm này, anh Hoàng Việt Anh cho rằng một trong những lý do giúp các doanh nghiệp duy trì được sản xuất, kinh doanh bình thường là đầu tư công nghệ, chuyển đổi số từ sớm. Ở vai trò nhà cung cấp các giải pháp số, anh chỉ ra bốn bài học quan trọng trong quá trình chuyển đổi số: tự động hoá khối hành chính văn phòng, không giấy tờ; đảm bảo kinh doanh, vận hành, triển khai nền tảng online, kết nối khách hàng, nhà cung cấp; tự động hoá, có hình thức kết nối giữa thông tin dây chuyền sản xuất và thông tin doanh nghiệp; dùng công nghệ số để đảm bảo an toàn cho công nhân.

hva-8693-1627013609.jpg

"Trong quá trình tư vấn, chúng tôi nhận thấy nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đang hiểu thiếu về chuyển đổi số. Không ít người cho rằng chuyển đổi số đơn giản là áp dụng công nghệ. Nhưng bản chất quá trình này là tập hợp ba yếu tố không tách rời, gồm môi trường kinh doanh, hạ tầng công nghệ và con người", lãnh đạo FPT chia sẻ.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ông Phạm Văn Tam cho biết, thách thức đầu tiên với tổ chức khi thực hiện chuyển đổi số là thay đổi tư duy của cả lãnh đạo lẫn nhân viên trong công ty. 

"Sẽ có những điểm chênh nhất định giữa tư duy của người lãnh đạo với các công nhân, nhân viên khi thực hiện chuyển đổi số. Chưa kể nhiều người trong nhóm quản lý rất ngại phải học thêm cái mới, đặc biệt là công nghệ. Người quản lý giỏi là làm sao thuyết phục và đào tạo được người của mình cùng tham gia chuyển đổi số, vì mục đích chung của tổ chức chứ không phải thay nguyên bộ máy sản xuất, đưa những người biết dùng công nghệ, kỹ thuật vào thay thế lao động cũ đã gắn bó với tổ chức trong thời gian dài", ông Tam nhận định.

Chia sẻ những khó khăn trong quá trình chuyển đổi số, đại diện Tập đoàn TH True Milk cho rằng chuyển đổi số trong ngành công nghệ đã khó nhưng trong ngành nông nghiệp còn khó hơn nhiều. "Những ngành nghề khác, mình đào tạo không được thì có thể chuyển đến khâu khác. Nhưng trong nông nghiệp, mình không chuyển người nông dân đi đâu, buộc phải kiên nhẫn, thực hiện từng chút một", ông Ngô Minh Hải chia sẻ. Ngoài ra, một khó khăn khác với ngành nông nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số là thách thức về hạ tầng, vì đặc thù không gian rộng lớn.

Theo các lãnh đạo công nghệ, mỗi doanh nghiệp sẽ gặp những thách thức khác nhau trong quá trình chuyển đổi số. Nhưng lãnh đạo tổ chức phải tư duy được rằng đây là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. 

CTO-17-6017-1626838112-3532-1627013609.j

3 diễn giả của CTO Talks ngày 22/7. Từ trái qua: Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH True Milk Ngô Minh Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn điện tử Asanzo Phạm Văn Tam và Phó Tổng Giám đốc FPT kiêm Chủ tịch FPT Digital Hoàng Việt Anh.

Chia sẻ bài học chuyển đổi số từng gặp trên thực tế, anh Hoàng Việt Anh cho rằng cả doanh nghiệp vừa và nhỏ lẫn doanh nghiệp lớn đều có những lợi thế, khó khăn nhất định khi thực hiện chuyển đổi số. Với doanh nghiệp lớn, lợi thế là có nguồn kinh phí lớn, kho dữ liệu dày. Tuy nhiên, thách thức là quá trình chuyển đổi sẽ diễn ra lâu, ì ạch do tư duy cũ, tổ chức cồng kềnh. Còn với doanh nghiệp nhỏ, chuyển đổi số có thể diễn ra nhanh hơn nhưng lại thiếu kinh phí vận hành.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ, không dư dả về tài chính, ông Phạm Văn Tam gợi ý lãnh đạo công nghệ có thể chia sẻ mô hình kinh doanh với những đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số. "Thay vì mua một bộ giải pháp, mình có thể trao đổi ý tưởng kinh doanh với các đối tác, nếu thành công, có thể chia lợi nhuận cùng nhau", lãnh đạo Asanzo gợi ý. Ngoài ra các doanh nghiệp có ít vốn có thể trả tiền theo dịch vụ, số lượng người dùng. Điều quan trọng nhất là mỗi doanh nghiệp phải biết "lựa cơm, gắp mắm", tìm được mô hình phù hợp nhất, vừa với yêu cầu chuyển đổi số lẫn tài chính cho phép.

Cuối cùng, các lãnh đạo công nghệ lưu ý, số hoá doanh nghiệp là một quá trình lâu dài, cần phải xây dựng văn hoá chuyển đổi số mới đảm bảo thành công. "Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, không doanh nghiệp nào có thể đứng ngoài xu thế này nếu không muốn bị bỏ lại", anh Hoàng Việt Anh khẳng định. "Nếu tổ chức đã tiến hành chuyển đổi số, cần nghĩ đến một kịch bản dài hơi hơn. Nếu chưa, phải tìm ra được vấn đề nhức nhối nhất hiện tại của doanh nghiệp, tìm công cụ chuyển đổi phù hợp nhất, bắt đầu số hoá từ những vấn đề đơn giản nhất", PTGĐ FPT kiêm Chủ tịch FPT Digital lưu ý.

>> Giám đốc Văn phòng Chuyển đổi số FPT: ‘Tập đoàn tiết kiệm 250 tỷ từ sáng kiến số’

Theo VnExpress

Ý kiến

()