Chúng ta

Amazon mở chuỗi hội thảo công nghệ cho các nhà phát triển Việt Nam

Chủ nhật, 20/8/2017 | 14:09 GMT+7

Ngay tại sự kiện người tham dự sẽ được chính các diễn giả hướng dẫn và trải nghiệm cách sử dụng các bộ công cụ và khai thác nền tảng công nghệ của AWS để phát triển ứng dụng trong thực tiễn.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, Amazon Web Services (AWS), công ty hàng đầu thế giới về nền tảng điện toán đám mây, phối hợp với FPT Software tổ chức hai sự kiện lớn chuyên sâu về công nghệ cho các nhà phát triển ứng dụng - AWS DevDay Vietnam 2017. Sự kiện sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 19/8 với sự tham gia của hơn 150 người và tại TP.HCM vào ngày 20/8 với sự tham gia của 200 người.

Diễn giả của sự kiện là các chuyên gia công nghệ, kiến trúc sư giải pháp nhiều năm kinh nghiệm của AWS và FPT. Tại sự kiện, các diễn giả chia sẻ chuyên sâu về các dịch vụ điện toán đám mây trên nền tảng công nghệ của AWS như: các công cụ DevOps, CI/CD, AWS SDK, cách phát triển ứng dụng chạy trên các container và áp dụng mô hình Serverless trên AWS… Đặc biệt, ngay tại sự kiện người tham dự sẽ được chính các diễn giả hướng dẫn và trải nghiệm cách sử dụng các bộ công cụ và khai thác nền tảng công nghệ của AWS để phát triển ứng dụng trong thực tiễn.

1-JPG-7945-1503202865.jpg

Ngày đầu tiên sự kiện AWS DevDay Vietnam 2017 thu hút 170 nhà phát triển tại Hà Nội tham gia.

Chuỗi sự kiện này nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện công nghệ thường niên được AWS tổ chức tại các nước trên phạm vi toàn cầu. Năm nay, trong vai trò là đối tác công nghệ, FPT Software đã phối hợp với AWS tổ chức chuỗi sự kiện này lần đầu tiên tại Việt Nam. 

FPT Software kỳ vọng sự kiện sẽ tạo ra sân chơi công nghệ thực sự chất lượng cho cộng đồng các nhà phát triển ứng dụng tại Việt Nam.

Là một trong những đối tác lớn nhất của AWS trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), FPT Software đã và đang sử dụng các công nghệ AWS để phát triển giải pháp cho khách hàng trên phạm vi toàn cầu. Chẳng hạn, giải bài toán tự động hóa trung tâm hỗ trợ khách hàng (Call Center) sử dụng công nghệ chatbot tiên tiến nhất của AWS là AWS Connect và AWS Lex; giải pháp IoT để phân tích và xử lý dữ liệu cho khách hàng trong lĩnh vực HealthCare, sản xuất thiết bị ô tô… tại Malaysia, Mỹ, Nhật; giải pháp Self Service Portal giúp khách hàng quản lý hệ thống hạ tầng và chi phí trên AWS với kiến trúc microservices, multi-tenancy dựa trên AWS lamdba và API Gateway cho 2 khách hàng lớn về năng lượng và viễn thông ở châu Âu và Australia.

Ngoài ra FPT Software cũng nâng cấp các hệ thống về Recommendation System cho nhà mạng viễn thông lớn nhất thế giới lên kiến trúc microservices mới của AWS để nâng cao khả năng mở rộng (scalability) và phụ hồi nhanh (resiliency). Các dự án giúp khách hàng chuyển đổi (migrate) các ứng dụng dùng các CSDL truyền thống như Oracle sang sử dụng các công nghệ CSDL mới của AWS là Aurora để tăng khả năng mở rộng (scalability) và giảm chi phí 50%.

Hiện, FPT Software cũng là doanh nghiệp có số chứng chỉ công nghệ AWS cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với 373 chứng chỉ, trong đó có 48 AWS Certified Solution Architect - Professional, 1 AWS Certified DevOps Engineer - Professional. Công ty đặt mục tiêu kết thúc 2017, sẽ đạt 500 chứng chỉ AWS cho các cấp độ. Việc sở hữu nhiều chứng chỉ công nghệ ở các cấp độ khác nhau của AWS giúp FPT Software được công nhận là Partner Network Certification Distinction, danh hiệu dành riêng cho công ty có hơn 200 chứng chỉ AWS trở lên. Điều này cũng thể hiện FPT Software đầu tư nghiêm túc, lâu dài và có tính chiến lược vào nền tảng công nghệ của AWS, một trong những hướng đi quan trọng của công ty nhằm xây dựng năng lực công nghệ theo các xu hướng mới. 

Trong vòng 6 tháng tới, FPT Software cần tuyển khoảng 500 ứng viên liên quan đến nền tảng AWS. Trong đó cần khoảng 10% ứng viên ở mức Solution Architect - Professional.

AWS DevDay 2017 ngày đầu tại Hà Nội thu hút 150 người tham dự:

1-JPG-5575-1503202866.jpg

Sáng thứ Bảy, hội thảo AWS DevDay 2017 ngày đầu tiên chính thức diễn ra tại Hà Nội. Đây là sự kiện công nghệ được phối hợp tổ chức bởi hai tập đoàn công nghệ hàng đầu là Amazon Web Services (AWS) và FPT, dành cho các lập trình viên quan tâm đến dịch vụ điện toán đám mây của Amazon, và cách khai thác tối đa nguồn tài nguyên trên nền tảng Amazon Web Services.

2-1165-1503202866.jpg

Ông Parijat Mishra, Giám đốc, kiến trúc sư giải pháp Amazon Web Services, khai mạc với những kiến thức về việc xây dựng kiến trúc ứng dụng trên AWS.

Parijat Mishra kể, Amazon bắt đầu là một ứng dụng nguyên khối, với hệ thống triển khai đơn giản, chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống cơ sở dữ liệu. Nhưng trong quá trình phát triển, việc thêm source code liên tục làm cho hệ thống trở nên cồng kềnh, chậm chạp và không còn phù hợp. "Để giải quyết vấn đề này, Amazon đã tiến hành thực hiện một cuộc “cải tổ”, chuyển từ Monolith sang Services, việc chuyển đổi này buộc các nhóm phải có trách nhiệm từ đầu đến cuối đảm bảo một chu trình hoàn chỉnh. Kết quả cho thấy, chất lượng code tăng đáng kể", Giám đốc, kiến trúc sư giải pháp Amazon Web Services, tiết lộ.

3-2042-1503202866.jpg

Tại phiên thảo luận thứ 2, ông Seon Yong Park, Kiến trúc sư Giải pháp AWS, đi sâu vào phần trình bày những vấn đề liên quan đến các tính năng của AWS SDK (bộ thư viện phục vụ cho việc phát triển phần mềm trên AWS).

SDK của AWS hỗ trợ nhiều ngôn ngữ lập trình như Java, .NET, PHP, Python, Ruby. Đó là lí do tại sao linh hoạt là điều mà Amazon vẫn luôn tự hào về các dịch vụ của mình. Cạnh đó, ông Seon cũng nhấn mạnh về sự quan trọng của Credential khi bắt đầu lập trình trên AWS để đảm bảo tính bảo mật cho ứng dụng.

4-1430-1503202866.jpg

Phiên thảo luận thứ 3 tiếp tục với những kiến thức về Serverless và AWS X-Ray được chia sẻ bởi ông Parijat Mishra. Tại phần trình bày của mình, ông giải thích về các thành phần của Serverless, và tại sao các lập trình viên nên quan tâm đến nó trong khi lập trình.

Cụ thể, ông đi sâu về Lambda function, một service có sẵn và được sử dụng hiệu quả trên AWS. Lambda function có thể ứng dụng ở nhiều ngôn ngữ khác nhau, lập trình viên nên tagging cho Lambda để tận dụng được những lợi ích về quản trị như theo dõi, hay tách biệt chi phí cho các nhóm, các dự án khác nhau. Từ đó có thể so sánh giữa chi phí và lơi ích để có được quyết định “đầu tư” lâu dài.

IMG-0878-696x464-7092-1503202866.jpg

Sau thời gian nghỉ trưa, các lập trình viên trở lại hội trường để tiếp tục cho phần hội thảo và thực hành. Mở đầu cho phiên thảo luận buổi chiều là phần trình bày của Kiến trúc sư Giải pháp đến từ AWS, bà Rohini Gaonkar với chủ đề DevOps trên AWS.

DevOps là sự kết hợp của developer (nhà phát triển) và Operator (kĩ sư hệ thống). Về bản chất, developer và operator hoạt động một cách riêng biệt, developer thực hiện công việc code thường ưu tiên về tốc độ của quá trình, còn operator quan tâm nhiều hơn đến tính ổn định của ứng dụng. DevOps là sự kết hợp chặt chẽ của 2 điều này, thông qua quy trình CI/CD (Continuos Integration/Continous Delivery).

Theo bà Rohini Gaonkar, DevOps còn là sự kết hợp giữa các công cụ, các công nghệ, và quy trình phát triển. Nói đến Devops có thể nhắc tới 2 mảng lớn: phát triển ứng dụng (code building, unit testing, packaging, deployment), và quản lí cơ sở hạ tầng (provisioning, configuration, orchestration, deployment).

CodeStar là một giao diện người dùng của Amazon giúp việc phát triển, xây dựng và triển khai ứng dụng một cách nhanh chóng trên AWS. Nó là tổ hợp tất cả các thông tin, chức năng của CI/CD hỗ trợ việc quản lí và phân quyền cho các thành viên trong nhóm.

5-1128-1503202866.jpg

Ông Seon Yong Park định nghĩa AI qua Turing test: người và máy được ngăn cách với nhau, người đánh giá sẽ đưa ra các câu hỏi cho cả người và máy, và nếu cuối cùng người đánh giá không phân biệt được câu trả lời nào là của máy tính, thì máy tính thắng cuộc. Đó là một cách để định nghĩa về Trí tuệ nhân tạo - AI, ông cho biết “Kiến thức thay đổi từng ngày. Thế hệ AI mới lại vượt trội hơn thế hệ cũ. Vì thế, AI không chỉ là nói đến trí thông minh mà còn là sự tương tác”.

Machine learning và deep learning là điều cả thế giới đang nói đến, Amazon cũng không nằm ngoài xu hướng, với việc cung cấp 3 services bao gồm: Recognition (nhận dạng, phát hiện vật thể), Polly (tex-to-speech), Lex (chatbot).

Ông cũng đưa ra một số ví dụ về Recognition bằng cách đưa ra một bức ảnh rồi trích xuất ra những thông tin về vật thể xuất hiện trong đó. Ngoài ra ông còn mô tả cách để training một mạng nơ-ron trong deep learning.

6-7910-1503202866.jpg

Anh Hồ Minh Hiệp, Kiến trúc sư giải pháp FPT.AI, một đại diện đến từ FPT mang đến sự kiện sản phẩm FPT Speech Synthesis, dịch vụ tổng hợp giọng nói tiếng Việt chạy trên nền tảng AWS. Đây được cho là tốt nhất hiện nay với nhiều tính năng, nhiều giọng đọc, liên tục được cải tiến và đặc biệt, API được mở ra cho cộng đồng.

Theo đánh giá của anh Hiệp, AWS cung cấp nhiều công cụ linh hoạt, giúp đáp ứng linh hoạt nhu cầu về resource của ứng dụng, với chi phí tối ưu. Nhưng “Auto scaling EC2 vẫn là công cụ rất mạnh để thực hiện việc đó vì cho phép người dùng custom theo đúng business” và “Lambda là công cụ mới và đáng quan tâm cho các ứng dụng stateless và có thời gian thực thi nhanh. Cần tính toán và so sánh với EC2 để tối ưu chi phí.”

7-5212-1503202866.jpg

Phần thực hành diễn ra trong hơn 1 giờ đồng hồ với không khí tập trung nhưng không kém phần sôi nổi. Các chuyên gia đến từ AWS và FPT trực tiếp hướng dẫn các lập trình viên cách thức sử dụng các bộ công cụ để tối ưu nguồn tài nguyên trên AWS.

8-2106-1503202866.jpg

AWS DevDay 2017 ngày thứ 2 diễn ra tại Meeting Room B02.09 của Đại học Công nghệ TP HCM, số 475A Điện Biên Phủ, phường 25, Thanh Đa, Bình Thạnh sáng 20/8.

>> ‘80% nhân viên không hài lòng checkpoint bởi sếp mắc bệnh ‘não cá vàng’’

Chi Vy

Ý kiến

()