Chúng ta

‘80% nhân viên không hài lòng checkpoint bởi sếp mắc bệnh ‘não cá vàng’’

Thứ bảy, 12/8/2017 | 16:04 GMT+7

Theo Chủ tịch Hoàng Nam Tiến, Phần mềm FPT tiên phong trong thời đại số hóa khi thiết kế ứng dụng nhằm tạo cho nhân viên môi trường làm việc có động lực bằng cách quản lý hiệu quả công việc và văn hóa ghi nhận thành tích.

“Cái tôi tự hào và muốn khoe nhất là myFSOFT”, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến hào hứng chia sẻ tại sự kiện Vietnam HR Awards Forum 2017 diễn ra ngày 11/8 thu hút gần 400 giám đốc và các quản lý nhân sự.

DSC-6031-JPG-2244-1502521427.jpg

MyFSOFT, ứng dụng di động đầu tiên do FPT Software tự phát triển, giúp quản lý hiệu suất làm việc, khen thưởng và hỗ trợ đánh giá, xếp loại nhân viên định kỳ.

Theo anh Tiến, mỗi năm FPT Software có 2 kỳ checkpoint, cứ 6 tháng một lần, nhằm đánh giá mức độ hoàn thành công việc, năng lực và ý thức trách nhiệm của từng cá nhân trong tổ chức. “Tôi cam kết rằng hơn 80% nhân viên không hài lòng với checkpoint bởi phần lớn lãnh đạo đều mắc bệnh “não cá vàng” - tức rất hay quên”, Chủ tịch FPT Software khẳng định. “Bao nhiêu thành tích, công lao nhân viên ghi điểm hồi đầu năm, đến giữa năm quản lý quên sạch. Đến cuối năm tất nhiên quên hết, chỉ nhớ lỗi lầm rơi vào tháng 11-12 ngay sát kỳ checkpoint”.

Phần mềm FPT thực hiện khảo sát số nhân viên rời công ty, 70% trả lời do thu nhập. “Và phần lớn trong số ấy cho rằng sếp trực tiếp là nguyên nhân chính bởi làm checkpoint ‘tệ quá’”, anh Tiến bổ sung thông tin.

Là công ty lớn với hơn 11.000 nhân viên, hơn ai hết, FPT Software ý thức được việc này bởi trong năm, một kỹ sư phần mềm có thể tham gia hàng chục dự án. Và tình trạng các cấp quản lý chưa đánh giá đúng và đủ khiến đơn vị quyết định xây dựng myFSOFT - bí mật quản trị nhân sự của nhà Phần mềm.

“Hệ thống này có vài bí mật. Đầu tiên là Check-in”, anh Tiến dẫn dắt và cho hay, ý tưởng này từ Accenture - hãng dịch vụ và tư vấn công nghệ có khoảng 373.000 nhân viên nằm rải rác trên hơn 200 thành phố ở 55 quốc gia - “nhưng chúng tôi đi trước họ bằng cách cụ thể hóa trong phần mềm”.

Chủ tịch FPT Software dùng câu chuyện của ba vị trí gồm: Tiến "Béo" - vai lập trình viên; anh Trung Chính - Tổng biên tập Tạp chí Lao động và xã hội, đơn vị bảo trợ Vietnam HR Awards Forum 2017 - vai sếp, và chị Tiêu Yến Trinh, CEO Talentnet - đơn vị tổ chức sự kiện - vai Giám đốc Nhân sự.

“Tôi và anh Trung Chính gặp nhau ở thang máy. Anh Chính bảo: "Tiến "Béo", em thực hiện ngay cho anh sửa hai dự án kia sao cho deadline thành ngày 15/8”.

Tôi về bàn, lấy ứng dụng myFSOFT, bấm vào câu: “Anh Chính yêu cầu sửa deadline ngày 15/8 thay cho 30/8”, và nhấn nút lên hệ thống.

Lập tức, anh Chính được tag và vị sếp này sẽ bấm chấp thuận (accept). Phần công việc này được ghi nhận trên hệ thống và lưu đến cuối năm.

Sau đó ít bữa, gặp lại anh Chính nhân lúc tinh thần đang phấn khởi và công việc sửa deadline ngày 15/8 đã hoàn tất, kỹ sư phần mềm Tiến "Béo" được anh Chính khen: “Tiến "Béo", cậu làm rất tuyệt vời”. Anh Tiến liền dùng myFSOFT cập nhật vào ứng dụng câu khen của sếp. Tác vụ này cũng được tự động tag sếp phê duyệt.

DSC-6012-JPG-9112-1502521427.jpg

Mục tiêu của Phần mềm FPT khi xây dựng ứng dụng là tăng tính gắn kết giữa các thành viên cũng như tăng hiệu quả công việc thông việc gặp gỡ giữa nhân viên và người quản lý để trò chuyện, đánh giá, từ đó có được lộ trình công danh của từng vị trí, từng cá nhân. 

Điểm hay ở chỗ, trên ứng dụng, cấp quản lý như anh Chính sẽ có ngân sách thưởng cho nhân viên tính bằng point. Anh Chính liền nhấn nút thưởng cho Tiến "Béo" 1 triệu. Tức thì trên tài khoản lập trình viên Tiến "Béo" sẽ có 1 triệu đồng.

Sau đó, Tiến "Béo" gặp chị Trinh Nhân sự. Chị Trinh bảo: "Anh Chính khen cậu lắm. Cậu làm rất tuyệt. Không uổng công chị tuyển cậu về. Chị thưởng cho em 500.000 đồng". Và tiền lập tức bay về tài khoản”.

Theo anh Tiến, trong công ty, mỗi cấp quản lý đều có ngân sách thưởng, mức độ cao thấp tùy vị trí. “Tôi dự một trận bóng đá nữ. Thấy các bạn đá thích quá, tôi gọi quản lý đội bóng ra thưởng 5 triệu đồng".

Đây là một phần công việc trong rất nhiều ứng dụng của myFSOFT. Mục tiêu của Phần mềm FPT khi xây dựng ứng dụng là tăng tính gắn kết giữa các thành viên cũng như tăng hiệu quả công việc thông việc gặp gỡ giữa nhân viên và người quản lý để trò chuyện, đánh giá, từ đó có được lộ trình công danh của từng vị trí, từng cá nhân.

Với check-in nói riêng và myFSOFT nói chung, đến kỳ checkpoint hay đánh giá cuối năm, nhân viên và quản lý sẽ dễ dàng điểm lại những điểm mạnh - điểm yếu, ghi nhận về năng lực và kết quả công việc được lưu lại theo từng thời điểm, dự án hay công việc cụ thể. Với myFSOFT, Phần mềm FPT đã số hóa câu khẩu hiệu xây dựng một tổ chức lấy con người làm trung tâm, lấy hiệu quả làm động lực, và công bằng - minh bạch trong quản trị.

"Hàng nghìn người chúng tôi đang dùng myFSOFT hằng ngày. Và tôi tin rằng tất cả lãnh đạo cùng những người đang ngồi khán phòng này cũng có nhu cầu tương tự. Tôi tin rằng ứng dụng đảm bảo sự đánh giá minh bạch, thông suốt trong quản trị nhân sự. Hệ thống đang là niềm tự hào của chúng tôi", anh Tiến hào hứng.

Chủ tịch Phần mềm FPT nhận định, chỉ 20% dữ liệu trong doanh nghiệp có cấu trúc và 80% dữ liệu không có cấu trúc nên rất khó phục vụ việc đánh giá, tổng kết. FPT Software đã dùng công nghệ Dữ liệu lớn, Trí tuệ nhân tạo… để biến 80% dữ liệu không có cấu trúc trở thành thông tin có thể hiểu và đánh giá được. Và myFSOFT tích hợp gần như mọi phần mềm/tools của đơn vị.

Theo chị Nguyễn Thu Vân, Giám đốc nhân sự Công ty Đông Hải, "phần chia sẻ rộng, sâu và chi tiết với những ví dụ cụ thể và sinh động của diễn giả Hoàng Nam Tiến khiến tôi vỡ ra nhiều điều". Chị Vân cho rằng, trước nay cứ mặc định nhân sự sẽ là mảng ít bị ảnh hưởng bởi công nghệ nhất. "Giờ tôi thấy "như nước ở dưới chân". Bộ phận nhân sự cũng cần được đầu tư công nghệ mới hoặc cải tiến cho kịp thời đại. Công nghệ dành cho nhân sự phải ăn nhịp được với các hoạt động của tổ chức mới có thể hỗ trợ công ty phát triển".

Là người được chọn giúp khán phòng tỉnh thức, phần chia sẻ tại sự kiện Vietnam HR Awards Forum 2017 do Talentnet và Báo Lao động & Xã hội tổ chứvới chủ đề “Agile Talent - Disruptive technology for growth” (Nguồn lực tinh hoa - Công nghệ bứt phá) của anh Hoàng Nam Tiến được xếp đầu tiên trong phiên chiều - ngay sau giờ nghỉ trưa.

Vừa bước lên sân khấu, sau một nút bấm, màn lình LED của khán phòng trở nên đen kịt. Từ khóa “Dark factory” - tức là nhà máy không có ánh đèn bởi robot đã thay thế con người. Hiện Foxconn, hãng láp ráp các sản phẩm cho Apple, đã đưa vào sử dụng nhà máy với 60.000 robot có thể thay thế 1 triệu công nhân. Những chú robot này không cần ánh sáng, toilet, không cần nghỉ…

DSC-5976-JPG-6488-1502521427.jpg

Diễn giả cho hay, Foxconn dùng robot và các công nghệ sản xuất tiên tiến để thay thế những công việc lặp đi lặp lại, trước đây được thực hiện bởi công nhân. Điều này thúc đẩy nhân viên tập trung vào các yếu tố có giá trị cao hơn, chẳng hạn nghiên cứu và phát triển, quản lý quy trình và kiểm soát chất lượng…

“Dark factory chính là hình ảnh của rất-rất-nhiều nhà máy trong tương lai gần. Các anh chị có thể thấy xa với Việt Nam nhưng đây chính là hình ảnh của rất nhiều nhà máy trong tương lai. 10 năm tới, khoảng hơn 2 triệu công nhân may và 1 triệu công nhân may giày tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi robot.

“Robot sẽ ngày càng rẻ hơn, làm việc nhanh hơn, chuẩn hơn, hiệu quả, chất lượng hơn… Nhiều ngành nghề sẽ xuất hiện nhưng tương tự, rất nhiều công việc hiện tại bị ảnh hưởng. Tôi xin chia buồn với nhiều anh chị ngồi đây bởi nguy cơ không còn nhân sự để tuyển dụng và quản lý nữa”, anh Tiến vừa giơ tay vừa nói. “Robot không cần đến các anh chị. Tôi lấy làm tiếc về điều ấy. Tuy nhiên, về hưu sớm vì robot cũng là một ý thú vị”.

Mở đầu phần chia sẻ về những nguy cơ hiện hữu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ảnh hưởng đến ngành nhân sự khiến khán phòng trở nên rộn ràng.

Minh chứng rõ hơn về công nghệ khiến sự dịch chuyển nhân lực đang đến rất gần, Chủ tịch FPT Software cho hay, đơn vị đang thực hiện dự án nổi bật tại Singapore cho một nhà mạng (Telco) lớn nhất ở đảo quốc sư tử. Trước đó, họ dùng hàng nghìn người trong các Call Center. Khi phân tích dữ liệu lớn (Big Data), hóa ra, trong hàng triệu câu hỏi, có khoảng 75-82% có thể trả lời tự động. “Vậy tại sao phải duy trì Call Center với hàng nghìn người, trong đó có rất nhiều nữ?”, diễn giả đặt câu hỏi.

Theo anh Tiến, 75-82% câu hỏi sẽ được chatbot do lập trình viên FPT phát triển trả lời tự động. Thậm chí, chatbot còn trả lời đúng giọng tiếng Anh mà khách hàng gọi tới. Nếu giọng Anh của người Malaysia, chatbot sẽ dùng đúng chất giọng này cho gần gũi và dễ hiểu. Tương tự, nếu là kiểu Sing-lish, chatbot cũng những từ tiếng Anh tương ứng để trả lời.

DSC-5990-JPG-1465-1502521427.jpg

Với sự phát triển vượt bậc của ngành trí tuệ nhân tạo (AI - artificial intelligence) trong những năm gần đây, dần dần chatbox sẽ thay thế nhân sự tại các Call Center. Hệ thống sẽ tự động nhận diện khách hàng dựa trên số điện thoại của họ khi gọi đến. Sau đó, dựa vào yêu cầu, hệ thống sẽ tự động phản hồi các yêu cầu của khách hàng.

“Các giao tiếp như giọng nói (Voice), chat, email… đều được trả lời tự động. Nếu Call Center có 2.000 người, họ chỉ cần giữ lại 400, số còn lại để chatbot lo. Công việc sẽ tốt hơn, chất lượng cao hơn và làm việc 24/7 mà không thắc mắc hay phàn nàn”, Chủ tịch FPT Software cho hay và nhấn mạnh, đây là thực tế đang diễn ra chứ không phải tương lai xa.

Mới đây, Phần mềm FPT cũng vừa thực hiện bản demo cho hàng loạt hãng hàng không. “Các anh chị bảo: ‘Tôi muốn đi Hà Nội’, lập tức chatbot sẽ hỏi anh chị đi ngày nào? “Sáng mai”, chatbot sẽ liệt kê buổi sáng có bao nhiêu chuyến từ các hãng như VNA, VJ hay JP… Giải pháp tổng đài tự động được phát triển hoàn toàn dựa trên nền tảng đám mây và trí tuệ nhân tạo.

“Trong 10 năm tới, khi anh chị sử dụng dịch vụ Call Center, book vé máy bay, khách sạn… ở Việt Nam thì sẽ đều nói chuyện với chatbot. Mọi dịch vụ tư vấn về hãng, giá, giờ… đều do robot đảm nhiệm. Công nghệ thay đổi cả thế giới, trong đó có nghề nhân sự”, anh Tiến dịch chuyển câu chuyện gần hơn với nghề nhân sự.

Bí quyết các công ty tuyển dụng là có database ứng viên vô cùng lớn, chi tiết và luôn luôn cập nhật. Bằng công nghệ, FPT có thể cạnh tranh với các hãng này.

Chủ tịch FPT Software tiết lộ, Việt Nam hiện có 63 triệu tài khoản Facebook. Điều này đồng nghĩa mỗi cá nhân trong độ tuổi đi làm đều có tài khoản trên mạng xã hội lớn nhất thế giới. Với hàng loạt bot chạy trên mạng xã hội lấy tất cả thông tin công khai cộng thêm cách thể hiện cảm xúc, đời sống qua các bài đăng…, FPT Software hoàn toàn có thể hiểu được một con người.

“Việc sắp tới anh ta khoe cái iPhone 8 hay đổi ô tô mới chứng tỏ thu nhập tốt. Ngược lại, với những câu chuyện về buồn rầu, thất vọng, chán nản… chúng tôi tin rằng anh ta sắp mất việc. Bằng các thông tin công khai và cảm xúc, chúng tôi có dữ liệu về ứng viên tốt hơn bất cứ công ty tuyển dụng nào”, anh Tiến khẳng định trong tràng vỗ tay dài của các quản lý nhân sự.

DSC-6000-JPG-5986-1502521427.jpg

Theo anh Tiến, công nghệ đã và sẽ thay đổi hoàn toàn môi trường trong doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ hay không là quyền của doanh nghiệp. Nhưng để tồn tại phải có công nghệ.

Chia sẻ về FPT Software, Chủ tịch Hoàng Nam Tiến cho biết, năm nay đơn vị sẽ tuyển khoảng 5.500 người. Và trong 3,5 năm tới, Phần mềm FPT cần tuyển 20.000 người. Tuy lượng nhân sự tăng rất lớn nhưng chi phí khối Back-office không những không tăng mà còn giảm rất sâu.

“Ở FPT Software, nhân viên mới chỉ gặp một người. Đây là điểm khác so với rất nhiều nơi khi họ phải gặp hành chính, IT, nhân sự…. Chúng tôi bỏ tất cả và lập nên SSC (Shared Services Center – Trung tâm Dịch vụ sẻ chia) - giống mô hình một cửa một dấu mà chúng ta hay nghe tuyên truyền”, anh Tiến tiết lộ. “Người của SSC sẽ làm việc với các bên liên quan để phục vụ nhân sự mới, từ việc cấp tài khoản email, đến cấp laptop…”.

Chủ tịch FPT Software cho hay, trước đây, tỷ lệ chi cho Back-office là 14%. “Nhưng ngày nay chỉ còn 9%. Các bạn cam kết đến năm 2020 xuống 6%. Các bạn đều biết tỷ lệ lợi nhuận của công ty. Và nếu giải bài toán giảm chi phí Back-office từ 14% xuống 6% là con số cực kỳ lớn. Tôi nghĩ công ty nào cũng làm được”.

>> Dragon Capital và VinaCapital ẵm gọn 30% cổ phần FPT Shop

Nguyên Văn

Ý kiến

()