Vừa qua, tập đoàn Alphabet đã đưa 35 khinh khí cầu có khả năng truyền phát mạng di động thế hệ thứ 4 (4G) lên bầu trời của đất nước Kenya - quốc gia phía Đông châu Phi, với mục tiêu cung cấp Internet trong bán kính 50.000 km2 ở những nơi có mật độ dân cư thấp và chưa được trang bị hạ tầng viễn thông.
Ông Alastair Westgarth - CEO của dự án, cho biết những chiếc bóng bay khổng lồ sẽ mang cơ hội truy cập mạng đến với những ai chưa có điều kiện. Trước đó, khinh khí cầu của họ từng xuất hiện ở Puerto Rico năm 2017 và Peru năm 2019 khi hai đất nước này gặp thảm họa về thiên tai. Cho nên, thay vì chờ đợi các nhà cung cấp hoàn thiện hệ thống viễn thông trên mặt đất, khí cầu sẽ là phương tiện linh hoạt để mang Internet đến mọi nơi.
“Loon” là tên gọi của dự án khinh khí cầu phát sóng 4G của Alphabet. Ảnh: Bloomberg |
Nhà điều hành Loon cho biết, khí cầu đạt tốc độ upload 4,74 Mbps và download 18,9 Mbps với độ trễ ở mức 19 mili giây dành cho các dịch vụ như email, gọi video, lướt mạng, dùng WhatsApp và xem Youtube. Để vận hành trơn tru, mạng lưới 35 khí cầu sẽ truyền tín hiệu Internet đến các trạm mặt đất và sau đó phát Internet đến người dùng thông qua các nhà cung cấp. Do đó, “Loon sẽ không thay thế vai trò của viễn thông mặt đất”, CEO Loon nói, “chúng tôi chỉ muốn người dùng có thêm sự lựa chọn mới khi họ có nhu cầu lên trực tuyến”.
Họ cho biết thêm rằng khí cầu được làm từ nhựa, có gắn kèm tấm quang năng để lấy nguồn năng lượng từ ánh sáng mặt trời. Đồng thời, Loon còn được tích hợp phần mềm AI trong máy tính để chúng tự kiểm soát hướng di chuyển bằng năng lượng gió. Cách mặt đất 20 km, khí cầu sẽ bay duy trì ở tầng bình lưu và bay cao hơn độ cao của máy bay dân dụng. Mỗi chiếc khinh khí cầu có khả năng cung ứng Internet trong phạm vi khoảng 80 km và phục vụ cho gần 1.000 người. Sau 100 ngày, “tổ bay không người lái” này sẽ đáp đất để bảo dưỡng và nâng cấp thiết bị.
Ghi nhận từ Hiệp hội Hệ thống thông tin Di động toàn cầu (GSMA), đa phần lượng kết nối mạng 3G, 4G tại Kenya tập trung chủ yếu ở những tỉnh thành trung tâm, gần thủ phủ Nairobi. Vùng phía Bắc và phía Đông Bắc hiện vẫn chưa được tiếp cận mạng do mạng lưới viễn thông chưa thể phủ sóng. Vì thế, khinh khí cầu của Alphabet sẽ mang theo khái niệm thế giới số đến với các dân tộc ít người ở vùng sâu vùng xa của châu Phi, giúp họ có thể học tập, giao tiếp và mua bán qua mạng.
Tuy nhiên, theo New York Times, một số chuyên gia công nghệ nhận định mô hình của Loon phù hợp với quốc gia khác hơn là Kenya bởi vì họ đã có hơn 2/3 dân số được hòa mạng Internet.
Về phía Loon, CEO Alastair Westgarth khẳng định rằng Kenya là nơi phù hợp nhất để họ thử nghiệm sáng kiến khí cầu phát mạng Internet khi đất nước này có nhiều chính sách cởi mở cho công nghệ mới. “Chính quyền đã rất cầu thị trong việc tìm ra cách kết nối với những người ở xa khu vực trung tâm”, ngài Westgarth cho hay.
Qua đó, Alphabet đã thuận lợi khi bắt tay với nhà mạng lớn thứ 3 của Kenya - Telkom Kenya, khi muốn đưa mạng Internet của khí cầu đến từng thiết bị của người dân sống trên mọi con hẻm và ngõ phố với chi phí dịch vụ thấp hơn thị trường.
Cũng đã có nhiều luồng ý kiến trái chiều rằng người dân Kenya sẽ rất khó để sở hữu một chiếc điện thoại có tích hợp mạng 4G nên dự án khinh khí cầu sẽ mất nhiều thời gian để xâm nhập vào đất nước 48 triệu dân này. Nhưng một số khác lại ủng hộ vì Loon là kết tinh của nhiều mô hình công nghệ hiện đại.
“Thời điểm dịch bệnh bùng phát cũng là lúc thấy rõ tầm quan trọng của dịch vụ mạng”, ông Mark Kaigwa - Nhà sáng lập Nendo - công ty công nghệ có trụ sở tại thủ đô Kenya, chia sẻ, “chúng ta cần nhiều giải pháp thay thế, như Loon, khi chưa thể xây dựng tốc hành các trạm phát sóng trên đất nước”.
Nhóm giáo sư thuộc ĐH Stanford (Anh) còn tiết lộ, dự án Loon mang lại nhiều giá trị khoa học quý báu trong các nghiên cứu về trọng trường. Từ đó giúp các đài khí tượng thủy văn dự báo thời tiết chính xác hơn và nhận định sớm những biến đổi khí hậu.
Sau khi dự án đã vận hành được vài năm, Loon kỳ vọng sẽ nhân rộng cho nhiều vùng lãnh thổ khác tại châu Phi - nơi chỉ có hơn 28% trong số 1,3 tỷ dân được vào Internet năm 2019, theo tổ chức United Nation.
>> Softbank 'lãi to' khi mua TikTok tại Ấn Độ
Đình An
Ý kiến
()