Chiếc xe buýt dạng module có tên e-palette là nền tảng xe tự hành quan trọng của Nhật Bản hiện nay. |
Theo đó, mỗi hãng trong nhóm gồm: Suzuki, Mazda, Subaru, Isuzu và Daihatsu sẽ đầu tư 57,1 triệu yên (tương đương 530.620 USD) vào liên doanh mang tên Monet để sở hữu 2% cổ phần. Honda và Hino cùng nắm 10% cổ phần. Trong khi đó, Softbank và Toyota sở hữu cổ phần nhiều nhất, mỗi bên nắm 35%. Với mô hình này, giá trị ước tính của Monet vào khoảng 26,6 triệu USD, theo Reuters.
Được thành lập vào tháng 10 năm ngoái, liên doanh mới dự định sẽ tung ra các dịch vụ xe buýt và ô tô tự lái đáp ứng nhu cầu di chuyển ngay trong năm 2020, song song với một nền tảng dịch vụ xe điện vào năm 2023 dựa trên chiếc xe đa năng e-palette với hình dáng khá lạ của Toyota. Nền tảng này có thể tùy biến linh hoạt nhằm tạo ra các phương tiện đa dụng khác nhau tùy theo mục đích sử dụng.
Việc các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản xích lại gần nhau được đánh giá là xu thế tất yếu, bởi lẽ lĩnh vực chia sẻ phương tiện đang chứng kiến sự thống trị của nhiều tên tuổi mới như Uber, Lyft hay Grab. Trong khi đó, thị trường đang dần chuyển từ việc bán xe đơn lẻ cho từng người lái sang các dịch vụ phương tiện di chuyển hiện đại. Ngoài việc hợp tác trong lĩnh vực, các hãng xe cũng có xu hướng kết nối với những đại gia công nghệ nhằm bù trừ sở trường của nhau.
Động thái kết hợp đầu tư vào Monet cũng sẽ giúp mối liên kết giữa Toyota và Suzuki, Mazda, Subaru trở nên khăng khít hơn. Nhóm các công ty này đã có thỏa thuận chia sẻ năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm, với trọng tâm nằm ở xe điện và các công nghệ ô tô tương lai khác.
Thông báo 5 nhà sản xuất ô tô tham gia vào liên doanh là thông tin tiếp theo về công bố của CEO Monet với Reuters đầu tháng 6 rằng liên doanh sẽ thu hút thêm cổ đông và bắt đầu mở rộng kinh doanh sang khu vực Đông Nam Á vào năm tới.
>> Ứng dụng gọi xe tự lái của FPT lên sóng tháng 10
Hà An
Ý kiến
()