Chúng ta

3 bước chống gian lận trong chung kết đua xe không người lái

Thứ tư, 10/5/2017 | 16:06 GMT+7

Khoảnh khắc các thí sinh cùng xe mô hình của đội nhà bước vào sân thi đấu và trên khán đài dậy sóng những tiếng hò reo, đó là lúc những thiết bị công nghệ được "kích hoạt" để phục vụ đêm chung kết "Cuộc đua số". 

Không hề có Ban giám khảo trong đêm chung kết, kết quả so tài cao thấp các thí sinh của "Cuộc đua số" được ghi nhận bởi hệ thống chấm điểm tự động của BTC. Các đội thi sẽ đều phải trải qua 3 "bộ lọc" của BTC trong trận chiến cuối cùng này, diễn ra lúc 19h ngày 10/5 tại Nhà thi đấu Cầu Giấy, Hà Nội.

Kiểm tra thiết bị trên xe hai lần

Thiết bị trên xe sẽ được kiểm tra hai lần ngay trước chung kết. Lần một, trước thời gian thi đấu một giờ, BTC sẽ kiểm tra các thiết bị đúng với BTC đã giao và đang hoạt động.

Theo quy định của cuộc thi, các đội thi buộc phải giữ nguyên và không được bổ sung bộ thiết bị mà BTC trang bị cho xe đua mô hình gồm Camera astra orbbec; 2 bo mạch vi xử lý Jetson TK1, Arduino; Module I2C, Cảm biến siêu âm Sonar. Các chi tiết phụ như các mối nối nhựa, phần khay đặt các thiết bị có thể được thay thế trong quá trình luyện tập bị hao mòn, gãy hỏng. 

Trước giờ thi đấu 30 phút, BTC tiếp tục kiểm tra lần hai các thiết bị trên xe để đảm bảo các đội đã sẵn sàng thi đấu.

Sequence-02-Still001-7961-1479-3289-7176

Anh Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, là khách mời trong đêm chung kết "Cuộc đua số".

Cập nhật code lên server của BTC

Trước thời gian thi đấu 30 phút, BTC yêu cầu các đội gửi toàn bộ phần code đã chuẩn bị cho xe của đội mình lên server của BTC. Điều này giúp kiểm soát các phần đua xe diễn ra công bằng, xe không bị tác động bởi bất cứ bộ điều khiển nào khác. 

Theo chị Đặng Ánh Tuyết, Phó ban truyền thông FPT, thành viên BTC cuộc thi, các thí sinh vẫn có quyền chỉnh sửa code khi đã cập nhật lên server của BTC. 

Hệ thống chấm điểm tự động

man-hinh-cham-diem-9794-1494402325.jpg

Demo màn hình hiển thị quãng đường đi của xe, vận tốc và thời gian hoàn thành vòng đua theo thời gian thực được đặt tại Nhà thi đấu Cầu Giấy trong chung kết.

Hệ thống chấm điểm tự động gồm loạt cảm biến được gắn trên mặt sân thi đấu kết nối với phần mềm đo quãng đường và vận tốc xe theo thời gian thực. 

Anh Lê Ngọc Tuấn, Ban công nghệ FPT, thành viên BTC cho biết: "Mỗi vòng đua được gắn 5 cảm biến tại vạch xuất phát và theo các mốc cách nhau từ 5 đến 10 m. Điều này giúp hệ thống ghi nhận được độ dài của quãng đường xe chạy trong trường hợp xe không chạy đủ một vòng sân". Đường đua vòng 1 có độ dài xấp xỉ 35 m và đường đua vòng 2 có độ dài xấp xỉ 40 m.

Hệ thống chỉ yêu cầu nhập liệu một lần duy nhất khi có kết quả bốc thăm, sau đó tự động phân chia cho cặp thi đấu theo màu sân (mỗi vòng thi đều có hai đường đua độc lập cho các đội thi theo cặp). Ngoài giúp ghi nhận kết quả xe chạy chi tiết của từng đội, hệ thống còn điều khiển barrier trên sân.

Cựu sinh viên ĐH FPT Nguyễn Hoàng Long, nhà vô địch SMAC Challenge 2014, người hỗ trợ BTC viết phần mềm chấm điểm, mô tả: " Khi các đội đã chuẩn bị đặt xe ở vạch xuất phát xong, BTC bấm nút "bắt đầu", phần mềm điều khiển barrier mở ra cho xe chạy. Hoặc khi có đội phạm quy, phải chạy xe lại từ đầu, hệ thống cũng sẽ ghi nhận và tính lại kết quả theo luật định".

Ngoài yếu tố công nghệ, trong thời gian thi đấu, có hai trọng tài trên sân trong mỗi lượt đua, mỗi trọng tài chỉ đảm trách quan sát ở một đường đua. Trọng tài sẽ ra hiệu lệnh và bấm nút (được đặt ngay trên sân) để phần mềm đóng/mở barrier cho xe của đội phạm quy chạy lại từ đầu. 

Góp mặt tại vòng chung kết là 8 đại diện xuất sắc đến từ 8 trường đại học lớn trên cả nước, gồm: TechColor (ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội); Tên lửa (Học viện Kỹ thuật quân sự);  MTA_Racer (Học Viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông HN); Seboys (ĐH Công nghệ thông tin, ĐHQG TP HCM) CDIO (ĐH Bách khoa TP HCM); LHU Racing 304 (ĐH Lạc Hồng); BKAkid (ĐH Bách khoa HN) và Alpha One (ĐH FPT).

Sự kiện sẽ được tường thuật trực tiếp trên Chungta.vn và livestream trên Workplace.

Ngọc Dung

Ý kiến

()