Chúng ta

‘Thời điểm ngàn năm có một để CNTT Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng toàn cầu’

Thứ năm, 27/5/2021 | 09:57 GMT+7

Theo anh Nguyễn Văn Khoa, bên cạnh việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, Việt Nam đang sở hữu nguồn lao động trẻ, có khả năng học hỏi nhanh các công nghệ mới, bây giờ chính là thời điểm "ngàn năm có một" để ngành CNTT nâng tầm vị thế, cạnh tranh sòng phẳng trên toàn cầu.

Kỳ đại hội thứ 5 nhiệm kỳ 2021 - 2025 diễn ra vào trung tuần tháng 3/2021 đã ghi dấu mốc quan trọng, mở ra hành trình phát triển mới của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) bởi đây là Đại hội chuyển giao thế hệ lãnh đạo theo hướng trẻ hóa nhưng vẫn đảm bảo sự kết hợp giữa những người giàu kinh nghiệm và những người trẻ, giữa đổi mới và truyền thống.

dsc01001-161767786618312281911-5072-8024

Điểm nhấn đại hội thứ 5 nhiệm kỳ 2021 - 2025 của VINASA là việc hoàn tất bước chuyển giao thế hệ lãnh đạo theo hướng trẻ hóa.

Theo hồi tưởng của anh Trương Gia Bình, thời điểm những năm 2000, khi VINASA chưa ra đời, ngành CNTT Việt Nam mới chỉ có 250 doanh nghiệp, 5.000 lập trình viên, doanh thu khoảng 50 triệu USD và các doanh nghiệp chủ yếu buôn bán máy tính, linh kiện, phần mềm của nước ngoài. Đến nay, VINASA đã là tổ chức uy tín có 438 hội viên là những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành, chiếm 60% nhân lực và 70% năng lực sản xuất của ngành.

So với năm 2000, doanh thu công nghiệp phần mềm và nội dung số năm 2020 đạt trên 6 tỷ USD, tăng 120 lần và nhân lực có gần 300.000, tăng 60 lần. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam nằm trong nhóm những địa điểm mới nổi cung cấp dịch vụ CNTT, là quốc gia hấp dẫn nhất về cung cấp dịch vụ ủy thác CNTT. Đặc biệt, công nghiệp CNTT trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực quan trọng của tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Cùng trao đổi với anh Nguyễn Văn Khoa, CEO FPT, tân Chủ tịch của VINASA, nhiệm kỳ 2021-2025.

dsc07111-161767868113164505602-7071-2961

Chủ tịch VINASA: Thời điểm “ngàn năm có một” để CNTT Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng trên toàn cầu.

- Mới đây, VINASA đã chuyển giao thế hệ, trọng trách lãnh đạo nhiệm kì mới được giao cho một người trẻ. Theo anh, thế hệ thứ 2 của VINASA sẽ gặp những thuận lợi và khó khăn gì, nhất là khi Chủ tịch cũ của VINASA có thể nói là một "tượng đài" trong làng CNTT ở Việt Nam?

- Tôi rất vui mừng nhận được sự ủng hộ, tín nhiệm của các lãnh đạo và sự sát cánh, đồng lòng của các doanh nghiệp hội viên VINASA.

Việc bổ nhiệm Ban lãnh đạo VINASA khóa 5 nằm trong định hướng, chiến lược phát triển của Hiệp hội giai đoạn 2021-2025. Đây không chỉ là giai đoạn quan trọng đối với VINASA mà còn là giai đoạn ngành CNTT đứng trước nhiều vận hội mới khi hàng loạt văn bản chính sách của Chính phủ sẽ được triển khai nhanh chóng.

Các lãnh đạo thế hệ tiền bối của VINASA đã quyết định chuyển giao vai trò và sứ mệnh "Xung kích Chuyển đổi số" trong giai đoạn mới này cho thế hệ 7x và 8x. Các lãnh đạo thế hệ thứ nhất với kiến thức, kinh nghiệm, tầm ảnh hưởng sâu rộng sẽ đóng vai trò cố vấn và tiếp sức cho các lãnh đạo trẻ thế hệ 2, giúp gia tăng sức mạnh của Hiệp hội.

Thêm nữa, CNTT là ngành có đội ngũ nhân sự rất trẻ với độ tuổi trung bình thường là dưới 30 tuổi, tôi tin việc trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo Hiệp hội cũng sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp trẻ tham gia vào các hoạt động, tạo sức bật mới.

Về mặt nội bộ, tôi cho rằng, bên cạnh việc kế thừa những thành tựu xuất sắc trong 20 năm phát triển của ngành, sự trưởng thành lớn mạnh của các doanh nghiệp "đầu đàn", yếu tố thuận lợi đối với Ban chấp hành nhiệm kỳ 2021 - 2025 là sự gắn kết, nhiệt tình của các doanh nghiệp thành viên. Chưa kể đến, bộ máy văn phòng VINASA rất năng động và ngày càng chuyên nghiệp, đang xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn cũng là một trong những yếu tố thuận lợi.

Thách thức với chúng tôi chính là làm sao kết nối và gắn bó các hội viên hơn nữa, gia tăng được số hội viên mới đứng dưới ngọn cờ hiệu triệu của VINASA với tinh thần "Đoàn kết - Tiên phong - Hợp tác - Sáng tạo".

Cuối cùng, đây cũng là cơ hội lớn để tôi được cống hiến, phụng sự cho sự phát triển của cộng đồng, doanh nghiệp, ngành CNTT và đất nước với tất cả năng lực và kinh nghiệm tích lũy hơn 25 năm qua trong các mảng khác nhau của lĩnh vực CNTT, từ viễn thông, nội dung số đến phát triển các hệ thống và giải pháp, dịch vụ CNTT tại FPT.

- Trong Ban chấp hành VINASA nhiệm kì 2021-2025 đã có các nhà mạng như VNPT, Viettel tham gia với vai trò Phó Chủ tịch. Anh đánh giá như thế nào về điểm mới này, phải chăng các nhà mạng đang có sự chuyển dịch, tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực nội dung số, CNTT?

- Dịch chuyển là xu hướng tất yếu của các nhà mạng không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới khi xu hướng giảm doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU) đang diễn ra trong ngành viễn thông toàn cầu. Với việc mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực như nội dung số, CNTT, các nhà mạng có nhiều lợi thế dựa trên tập khách hàng lớn đang có sẵn, hệ thống, mạng lưới rộng khắp và tiềm lực tài chính rất mạnh. Vì vậy chúng ta có thể thấy trong khoảng thời gian ngắn, các nhà mạng đã thành lập được các doanh nghiệp CNTT lớn mạnh, gánh vác vai trò nòng cốt trong các hoạt động của ngành CNTT Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ 5 này, tôi rất vui mừng có đại diện lãnh đạo doanh nghiệp CNTT của các nhà mạng trong ban chấp hành VINASA. Sự tham gia của các DN này sẽ có thể đóng góp được lớn hơn cho sự phát triển của ngành CNTT, đặc biệt là giai đoạn 5 năm tới, khi ứng dụng CNTT đang ngày càng đi sâu vào trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, chuyển đổi số đang là điều tất yếu của tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị.

- Thưa anh, tại sao VINASA lại tập trung vào 4 định hướng lớn: Xây dựng các hệ sinh thái công nghệ; Phát triển các nền tảng (Platform); Chú trọng chiến lược trí tuệ nhân tạo - AI; Tham gia phát triển nguồn nhân lực CNTT, thông qua việc triển khai 3 lĩnh vực đào tạo chính gồm công nghệ, chuyển đổi số, thành phố thông minh? Đâu sẽ là định hướng chính của VINASA, vì sao?

- Ngày 16-17/1/2021, VINASA đã tổ chức hội nghị chiến lược tại Ninh Bình. Hội nghị đã chia sẻ, trao đổi, thảo luận và đưa ra định hướng hoạt động cho giai đoạn 2021 - 2025. Đây là giai đoạn được VINASA xác định là đặc biệt quan trọng đối với ngành CNTT và quốc gia.

Các định hướng chiến lược này được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu các chiến lược, chương trình trọng điểm quốc gia của Chính phủ, tham khảo một số báo cáo quốc tế cùng với thảo luận và tư vấn của các chuyên gia đầu ngành và căn cứ vào thực tiễn phát triển của ngành.

Với vai trò "Xung kích chuyển đổi số - chia sẻ và kết nối", các hoạt động trọng tâm 2021-2025 của VINASA sẽ tập trung vào thực hiện bốn định hướng này. Chúng tôi tin tưởng, những định hướng này sẽ góp phần quan trọng vào thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia, thực hiện các mục tiêu do Đảng và Chính phủ đề ra, đồng thời xây dựng năng lực quốc gia của ngành CNTT, có thể đem lại lợi thế lớn cho Việt Nam trong giai đoạn tới.

Trong 4 định hướng này, AI sẽ là định hướng chiến lược quan trọng, xây dựng năng lực thế mạnh của quốc gia. Trong tương lai, quốc gia nào mạnh về AI sẽ có lợi thế rất lớn.

Hai định hướng xây dựng các hệ sinh thái công nghệ và phát triển các Platform được đặt ra nhằm thúc đẩy nhanh việc triển khai và thực hiện chuyển đổi số cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, các ngành kinh tế. Cuối cùng, định hướng đào tạo sẽ hỗ trợ đắc lực cho cả ba định hướng nêu trên.

nguyen-van-khoa-fpt-1617677866-1582-6485

Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa: Giai đoạn 2021-2025, ngành CNTT đứng trước nhiều vận hội mới khi hàng loạt các văn bản chính sách của Chính phủ sẽ được triển khai nhanh chóng.

- Trước đây, Việt Nam thường đi sau thế giới khoảng vài năm. Tuy nhiên, nay Việt Nam quyết tâm để đi cùng nhịp với thế giới về các công nghệ mới, bằng chứng là mạng 5G của Việt Nam đứng trong top đầu các quốc gia triển khai. Trong 5 năm tới, Hiệp hội sẽ làm gì để CNTT có thể đi cùng nhịp với thế giới trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0?

- Tôi cho rằng CNTT Việt Nam thời gian qua đã có nhiều bước tiến đáng kể, Việt Nam đã có vị thế trên bản đồ số toàn cầu. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam năm 2020 đã tăng 2 bậc, xếp hạng 86/193 quốc gia và 6/11 Đông Nam Á. Chỉ số tổng hợp của Việt Nam là 0,6667, cao hơn chỉ số trung bình thế giới và khu vực, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao. Chỉ số Tham gia điện tử tăng 2 bậc, xếp hạng 70/193 toàn cầu, thuộc nhóm quốc gia ở mức cao. Theo báo cáo IDC (tháng 4/2019), tốc độ tăng trưởng doanh thu trên toàn thế giới cho các giải pháp phân tích kinh doanh và dữ liệu lớn (BDA) nhanh nhất là ở Argentina và Việt Nam với tốc độ CAGR 5 năm lần lượt là 23,1% và 19,4%. Về dịch vụ phần mềm và quy trình doanh nghiệp, nhiều năm Việt Nam nằm trong top các điểm đến hấp dẫn trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh công nghệ đang phát triển như vũ bão, cơ hội là đồng đều cho tất cả các quốc gia. Đặc biệt, tại Việt Nam, Đảng và Chính phủ đã rất tích cực và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 với việc ban hành hàng loạt chỉ thị, quyết định quan trọng trong thời gian qua. Cụ thể như Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng, phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4...

Cùng với việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, nguồn lao động trẻ, có khả năng học hỏi nhanh các công nghệ mới và chi phí cạnh tranh, đây chính là thời điểm "ngàn năm có một" cho Việt Nam nói chung và ngành CNTT nói riêng nâng tầm vị thế, cạnh tranh sòng phẳng trên phạm vi toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, VINASA xác định, đây là giai đoạn đặc biệt quan trọng để các doanh nghiệp CNTT tham gia, cống hiến và phụng sự tổ quốc, đưa CNTT trở thành một trong những trụ cột quốc gia.

Với sự "Đoàn kết - Tiên phong - Sáng tạo - Phát triển", VINASA sẽ là cầu nối giữa Chính phủ - doanh nghiệp, tập trung lực lượng doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ CNTT, đổi mới sáng tạo, nỗ lực thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia, sớm đưa Việt Nam thành một quốc gia phát triển đồng thời góp phần gia tăng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

ong-nguyen-van-khoa-ceo-fpt1-1-5094-9775

Theo Chủ tịch VINASA, đây là lúc để Việt Nam thiết kế và sáng tạo ra các sản phẩm phần mềm đẳng cấp quốc tế cho người Việt và xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác.

- Nếu trước đây, FPT vẫn được biết đến là một công ty dịch vụ thuê ngoài (outsourcing) về phần mềm thì hiện nay đã gây được dấu ấn với các sản phẩm "Make by FPT" và chuyển đổi số rất mạnh mẽ. Với kinh nghiệm ở FPT, anh sẽ làm gì trong vai trò chủ tịch để các doanh nghiệp VINASA cùng nhau giúp Việt Nam phát triển?

- Tôi tự tin là các doanh nghiệp CNTT của chúng ta hiện nay có đủ năng lực làm ra các sản phẩm, giải pháp giải quyết được phần đa bài toán của Việt Nam. FPT luôn tin người Ấn Độ làm được, người Trung Quốc làm được, thì người Việt Nam không có lẽ gì không làm được. Với tinh thần và ý chí đó, ngày hôm nay, chúng ta đã có một ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam trị giá 5 tỷ USD và một nguồn nhân lực gần 300.000 kỹ sư CNTT.

Đây là lúc để Việt Nam thiết kế và sáng tạo ra các sản phẩm phần mềm đẳng cấp quốc tế cho người Việt và xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác. Đại dịch Covid-19 chính là chất xúc tác đẩy nhanh sự phát triển của hoạt động chuyển đổi số quốc gia.

Muốn đi xa thì không đi một mình, chúng tôi đã và đang kiến tạo các nền tảng số để các công ty start-up, các công ty công nghệ, doanh nghiệp nói chung có thể sử dụng để xây dựng các giá trị gia tăng mới. Cùng với đó là hình thành các nền tảng cho các lĩnh vực trọng yếu như giao thông, y tế, giáo dục, chính phủ điện tử. FPT đã và đang đồng hành các đối tác và doanh nghiệp để xây dựng nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số, sự phát triển doanh nghiệp số, vì một Việt Nam hùng cường.

Chún tôi mong nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, Bộ, ngành để cộng đồng doanh nghiệp VINASA có thể tham gia tốt nhất, hiệu quả nhất vào giải quyết các bài toán của các ngành, các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam bằng các sản phẩm số Make in Vietnam.

Trong giai đoạn tới, VINASA sẽ thúc đẩy chia sẻ và kết nối. Chuyển đổi số là hoạt động trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, Hiệp hội sẽ có nhiều chương trình hoạt động được thiết kế riêng cho các mục đích này như: "Ngày Chuyển đổi số Việt Nam", "Công nghệ cho cuộc sống", đào tạo, tư vấn, kết nối hợp tác về Chuyển đổi số cho các cơ quan, bộ ngành, tỉnh thành, doanh nghiệp tổ chức để hiểu rõ và triển khai thành công chuyển đổi số cho đơn vị mình, từ đó góp phần đẩy nhanh Chuyển đổi số quốc gia. VINASA cam kết đồng hành cùng Chính phủ, các hội viên của VINASA cam kết sẽ phát huy tinh thần cống hiến, phụng sự đất nước, giữ vai trò chủ động, tiên phong trong thúc đẩy nhanh tiến trình Chuyển đổi số quốc gia.

- Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, các doanh nghiệp của VINASA muốn tiếp tục phát triển thì tinh thần phụng sự Tổ quốc phải được đưa vào văn hóa riêng. Trong nhiệm kỳ 2021-2025, anh sẽ làm thế nào để liên kết các doanh nghiệp và đưa triết lý phụng sự tổ quốc thành văn hóa của doanh nghiệp, khi mà doanh thu và lợi nhuận thường được đặt lên hàng đầu?

- Giai đoạn 2021 - 2025 này là giai đoạn đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, "là năm đầu của giai đoạn 5 năm để Việt Nam vượt qua thu nhập trung bình thấp, là năm đầu của giai đoạn 10 năm để đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao, là năm đầu của giai đoạn 25 năm để Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 " như chia sẻ gần đây của Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.

Với những thời cơ và vận hội của quốc gia lớn như hiện nay, tôi tin là các doanh nghiệp VINASA sẽ cùng nhau đoàn kết vì một mục tiêu chung, không chỉ đảm bảo cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp mà còn liên kết, tương hỗ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, đưa tinh thần này trở thành văn hoá, triết lý phát triển của mình như chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Doanh nghiệp đem lại nhiều giá trị cho quốc gia, cộng đồng sẽ phát triển bền vững. Đó mới là mục đích cao cả của doanh nghiệp.

>> Anh Trương Gia Bình: ‘Không có công thức cho chuyển đổi số’

ICTVietnam

Ý kiến

()