Năm 2023, bàn về điện toán đám mây thì không còn các tranh luận về lợi ích hay bảo mật mà vấn đề được quan tâm chính là tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có khả năng chuyển đổi hệ thống lên đám mây lai (Hybrid Cloud là không bàn cãi) hay vấn đề về hạn chế khi khai thác sức mạnh của đám mây dẫn đến chi phí đầu tư lãng phí. Hầu hết các kỹ sư trẻ ngày nay, khác với các bậc cha chú thuê hosting, VPS thì đều từng dùng qua S3, Heroku, hay Google App Engine...
Thế nên vì muốn trở thành Agile Company (tổ chức có khả năng thích ứng và phản ứng nhanh trước mọi biến động của thị trường hoặc môi trường kinh doanh trong thời gian ngắn) hay đơn thuần là thu hút giữ chân kỹ sư, các công ty đều đang tích cực thực hiện chiến lược Cloud-First (ưu tiên đám mây) và theo đuổi xây dựng nền tảng theo kiến trúc Cloud-Native (được thiết kế từ gốc để chạy trên đám mây).
Phần lớn doanh nghiệp vẫn chật vật trong con đường tiếp cận đám mây và các dự án chuyển đổi vẫn có tỷ lệ thất bại nhiều hơn thành công. Lí do là gì khi mà phương pháp luận thì đã phổ biến, nguồn lực đã nhiều hơn xưa và các hãng cũng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trên hành trình này? Cùng xem xét 3 vấn đề phổ biến của thất bại sau.
1. Chiến lược và số lượng
Hầu hết các dự án lớn, thay đổi nền tảng công nghệ và cách thức vận hành đều là cấp chiến lược và cần sự ủng hộ tuyệt đối của đội ngũ lãnh đạo. Ngày nay, việc thuyết phục lãnh đạo đã dễ dàng hơn vì áp dụng Cloud - nền tảng đám mây một xu thế không thể chối cãi. Nhưng để thực thi chiến lược, việc xác định rõ các con số mục tiêu là vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát chiến lược cũng như tránh lệch hướng, báo cáo mang tính thành tích và tránh tạo ra sự thất vọng của kế hoạch.
Ví dụ, "tiết kiệm chi phí" là cạm bẫy quen thuộc khi xác định mục tiêu, vì khi thực thi dịch chuyển lên mây, chúng ta cần đầu tư thêm về nguồn lực cho các dự án, đồng thời sẽ phát sinh các hệ thống mới dẫn đến gia tăng về chi phí. Thực tế thì đến một thời điểm sau đó, chi phí sẽ bắt đầu tối ưu và nó còn đòi hỏi sự chuyển đổi về con người và cách vận hành với rủi ro cần được kiểm soát chặt chẽ.
Đi vào xác định tiêu chí cụ thể cho các động lực qua các đoạn hội thoại sẽ giúp doanh nghiệp vững vàng trong hành trình lên mây.
Đừng nghĩ rằng người dùng là doanh nghiệp đều thích nghe báo cáo về việc tiết kiệm tiền, họ có thể cho rằng trước đây lãng phí và thật ra việc rút ngắn thời gian phát triển một chương trình khuyến mãi từ 3 tháng xuống còn 2 tuần giúp tạo ra doanh thu và giữ chân khách hàng nghe sẽ thú vị hơn rất nhiều.
2. Trung tâm đám mây xuất sắc (CCoE) & Mô hình vận hành đám mây (COM)
Trên hành trình chuyển đổi số, yếu tố quan trọng nhất chính là chuyển đổi con người - People Transformation (PX). Và trên hành trình ứng dụng điện toán đám mây, việc thành lập Trung tâm đám mây xuất sắc - Cloud Center of Excellent (CCoE) cũng như xác định những việc cần làm để hoàn thiện mô hình vận hành - Cloud Operating Model (COM) là điều mà nhiều doanh nghiệp thường không chú trọng.
Hãy thử tưởng tượng, nguồn lực công nghệ đang quen thuộc với cách vận hành cũ, liệu họ đã sẵn sàng với mô hình mới. Đâu là các kỹ năng cần bổ sung? Đâu là các loại dịch vụ cần thuê ngoài tối đa? Đâu là các loại dịch vụ cần tạm thuê theo giai đoạn để tăng khả năng kiểm soát của nguồn lực của doanh nghiệp? Nếu chỉ đơn thuần nghĩ là trước thuê máy chủ nay thuê máy chủ ảo đám mây, chúng ta chỉ khai thác được chưa tới 10% giá trị của đám mây đem lại!
Với mục tiêu tối đa giá trị của đám mây, phòng công nghệ thông tin còn cần thay đổi cách vận hành để thật sự làm chủ đám mây. Hàng loạt các câu hỏi rất chi tiết trong vận hành như backup (sao lưu), patching (vá lỗi) cần được xác định và tiêu chuẩn hóa thành các hành động vận hành với yếu tố tự động hóa càng nhiều càng tốt (không chỉ từ SysOps sang DevOps mà còn là FinOps, PlatformOps hay X-Ops).
Số phận của nên tảng doanh nghiệp bạn liệu có thể giao hết cho đối tác tích hợp? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc quy hoạch, đảm bảo tuân thủ và giải quyết các vấn đề phát sinh trong bức tranh kiến trúc nền tảng tổng thể?
3. Không chỉ chuyển đổi mà còn là đổi mới
Chuyển đổi sẽ làm chúng ta nghĩ đến one-off project (dự án một lần), và đây là tư duy sai lầm khi nghĩ đến hành trình tiếp cận đám mây. Tất nhiên chúng ta có thể nghĩ ngay đến một số xu hướng nổi trội trong giới thiết kế như Microservices, Evolutionary Arc, Composable Arc... vốn ám chỉ tinh thần Kaizen (cầu tiến, không ngừng cải thiện), yếu tố quan trọng với Agile (phương pháp phát triển phần mềm linh hoạt). Nhưng chưa bàn đến các kiến trúc công nghệ mới, nếu đơn thuần chuyển đổi để giảm chi phí, doanh nghiệp vẫn chỉ đang cưỡi ngựa xem hoa vì 75% giá trị của điện toán đám mây nằm ở sự đổi mới làm nên khác biệt (theo McKinsey).
Trong hành trình lên mây, không thể bỏ qua những cơ hội như rút ngắn thời gian phát triển, khả năng hyper-scale (cấu hình), và các công cụ mạnh mẽ để giải quyết dữ liệu lớn, tích hợp trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, giúp tối ưu về vận hành cũng như gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Ví dụ, hãy hỏi đội ngũ của bạn xem mất bao lâu để xây dựng nền tảng dữ liệu ở hạ tầng hiện tại và hạ tầng đám mây của Google, Amazon, Microsoft?
Với đổi mới, nhiều người không lạ với khái niệm Two-Speed IT (song tốc, nhằm cân bằng giữa việc hoạt động kinh doanh hàng ngày và tim kiếm các giải pháp, dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ), nhiều doanh nghiệp thành công thậm chỉ đã bỏ mô hình này để chuyển sang All-Agile với Tự động hóa quy trình bằng robot - Robotic Process Automation (RPA) và Kỹ sư quản lý độ tin cậy - Site Reliability Engineering (SRE). Nhìn lại hệ thống của bạn, nếu không phải bây giờ thì bao giờ?
Lời kết
Giữa vô vàn các xu hướng công nghệ đã và đang tạo ra hy vọng và cả thất vọng, điện toán đám mây đã khẳng định được tính bền vững và vị thế của mình trong kiến trúc tương lai của mọi doanh nghiệp. Cân nhắc các vấn đề trên, các thuyền trưởng tương lai có thể giúp hành trình lên mây thành công, góp phần tạo ra nhiều việc làm và nhiều cơ hội nghề nghiệp cho cộng đồng.
Trần Nguyễn Đăng Khoa
(Trưởng ban Giải pháp và Công nghệ - FPT Software)
Ý kiến
()